Hàng tồn kho - kích cầu có là giải pháp?

Chưa bao giờ, số hàng tồn kho của các DN lại ở mức “báo động” như hiện tại. Hàng tồn kho đồng nghĩa với việc sản xuất bị ngưng trệ, DN thiếu vốn làm ăn, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế nói chung.

[links()] Chưa bao giờ, số hàng tồn kho của các DN lại ở mức “báo động” như hiện tại. Hàng tồn kho đồng nghĩa với việc sản xuất bị ngưng trệ, DN thiếu vốn làm ăn, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế nói chung.  

Sắt thép là mặt hàng đang bị tồn kho khá nhiều!
Sắt thép là mặt hàng đang bị tồn kho khá nhiều!

DN trên bờ vực phá sản

Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII cho thấy, những tháng đầu năm 2012 kinh tế mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó Chính phủ chỉ rõ “sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho cao. Chỉ số tồn kho tính đến thời điểm 1/4/2012 của công nghiệp chế biến tăng 32,1%, so cùng kỳ (trong đó phân hóa học tăng 63,4%, xi măng tăng 44,2%, mô tô, xe máy tăng 38,9%, may mặc tăng 35,6%, chế biến rau quả tăng 94,8%...)., dẫn đến quy mô sản xuất phải thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, lao động mất việc làm tăng, gây sức ép lớn đến ổn định xã hội và đời sống của nhân dân”.

Trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có trên 17,7 nghìn doanh nghiệp đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ.

Một trong những giải pháp cho những tháng còn lại của năm 2012, Chính phủ ưu tiên hàng đầu việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. 

Chính phủ cũng nhấn mạnh: sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp tục có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh; tăng cường kiểm định chất lượng hàng xuất khẩu… đồng thời có các giải pháp linh hoạt nhằm tranh thủ cơ hội tăng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng và thị trường đang có triển vọng phục hồi. Tập trung phát triển thị trường trong nước, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, đổi mới hệ thống thu mua, tiêu thụ, đưa hàng hóa về nông thôn.

Thế chấp bằng hàng hóa – chuyện bất đắc dĩ

Cứu DN, thời gian qua Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp. Trong giai đoạn kinh tế suy thoái, có thể kể đến gói kích cầu năm 2009; sau gói này, có thể nói DN đã bứt lên, khó khăn vợi dần. Thế nhưng gần đây, khi kinh tế suy thoái trở lại, DN lại phải đối mặt với hàng loạt những thách thức lớn, đó là lãi suất tăng cao, hàng tồn kho lớn, chính sách tiền tệ bị thắt chặt…

Mới đây, bằng gói cứu trợ 29 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thị trường, nhiều DN đang phấp phỏng ngóng đợi, tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến lo ngại chính sách có thể sẽ không tìm đến đúng người, đúng chỗ do cơ chế xin cho vốn tồn tại như “căn bệnh kinh niên”. Thậm chí, nếu muốn được hưởng chính sách hỗ trợ thì phải cắt “phần trăm”, “bôi trơn…”giống như trước đây nhiều DN đã từng phản ánh họ rất khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay.

Ông Trần Ngọc Vinh - Hiệp hội DN TP Hải Phòng - khẳng định, với nợ xấu hiện nay, nếu tiếp tục cho vay sẽ gánh thêm mạo hiểm. Bản thân các DN có hàng hóa tồn kho không bán được, giải pháp thế chấp bằng hàng hóa chỉ là bất đắc dĩ. Thậm chí, phía ngân hàng cũng chẳng mấy thiết tha với hàng tồn kho bởi thu về nếu không bán được thì thêm “nặng nợ”. Nhiều khả năng, ngân hàng trở thành kho để chứa hàng tồn, qua thời gian sẽ mục nát, bỏ đi trong khi ngân hàng là nơi kinh doanh tiền tệ chứ không phải chỗ chứa và xử lý hàng hóa tồn kho.

Tiếp tục hạ lãi suất cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho DN là cần thiết, tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định không nên quá kỳ vọng vào việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay giải pháp này. Bởi lẽ, lượng hàng tồn kho hiện nay rất lớn, nên mối quan tâm hàng đầu của DN là giải phóng hàng tồn kho, chứ không phải vay mới để sản xuất.

Cho nên, giải pháp được đưa ra là cần có phát triển thị trường để tiêu thụ hàng tồn kho. Đối với thị trường trong nước, cần phải đẩy mạnh chương trình khuyến mại để tiêu thụ sản phẩm. Chính phủ, bên cạnh việc xem xét có các cơ chế hỗ trợ gián tiếp cho DN,  nên chăng cũng xem xét có chính sách tín dụng hợp lý để kích thích tiêu dùng cho nhân dân như một số nước cũng đã áp dụng khi xảy ra tình trạng sản xuất bị đình đốn, tài sản tồn kho nhiều.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và có những biện pháp kèm theo một cách thiết thực hiệu quả, hạn chế đến mức cao nhất việc nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã sản xuất được cũng là một giải pháp giải phóng hàng tồn kho. Đối với thị trường nước ngoài, nhiều DN đồng tình với Chính phủ cần phải tăng cường xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu…

Thu Hằng 

Đọc thêm