(PLVN) - Ngày 7/2, (tức ngày 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí đã diễn ra lễ Khai hội Xuân Yên Tử năm 2025. Đây là một trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất khu vực phía Bắc, trong ngày Khai hội thu hút hàng vạn Tăng Ni, Phật tử và du khách về với vùng đất phật linh thiêng để chiêm bái, vãn cảnh.
Lễ khai hội Xuân Yên Tử truyền thống được tổ chức theo hướng trang trọng, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, mang đậm bản sắc của dân tộc. Trong đó phần Lễ khai hội với các nghi thức, như: Gióng trống, thỉnh chuông khai hội; các nghi lễ tâm linh (dâng lễ, lễ cầu Quốc thái dân an; lễ đóng dấu thiêng Yên Tử).
Đặc biệt, nghi lễ rước kiệu năm 2025 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham gia của 11 đội kiệu từ các địa phương thuộc thành phố Uông Bí và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, đã mang đến một lễ hội khai xuân long trọng và đậm đà bản sắc văn hóa Việt.
Phần Hội có các hoạt động văn hoá đặc sắc như: Đêm Hội hoa đăng, cầu nguyện Quốc thái dân an; tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương Yên Tử; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, võ thuật cổ truyền; trưng bày, triển lãm tranh, ảnh tuyên truyền, quảng bá về các giá trị và vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử, ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử…
|
Hòa Thượng Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh, thỉnh chuông khai hội Xuân Yên Tử. |
Điểm mới trong khuôn khổ chương trình Lễ khai hội Xuân Yên Tử năm 2025 có sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương, của tỉnh, với sự xuất hiện của một số ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam.
|
Hòa Thượng Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh, đóng dấu thiêng Yên Tử. |
Lễ khai hội xuân Yên Tử được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện sâu sắc truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, là nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp ngàn đời mà các thế hệ cha ông ta đã để lại.
|
Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc Tự, chùa tọa lạc tại vị trí cao nhất trên đỉnh núi Yên Tử. Chùa Đồng linh thiêng là biểu tượng của sự giao hòa giữa đất, trời và con người. |
Thượng Toạ Thích Đạo Hiển chia sẻ: năm nay khôi phục lại nghi thức truyền thống để rước những lễ vật tiến cúng của những địa phương trên địa bàn TP Uông Bí, những cư dân cúng lên Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông đó là những sản vật đặc thù của địa phương mình của chính người dân nơi đây đã làm nên để thành tâm dâng cúng, tiến cúng Phật Hoàng đấy chính là đích thực của việc tế lễ trong Lễ hội, lễ vật đó là của Nhân dân do Nhân dân tiến cúng do Nhân dân tự nguyện và phục vụ nhu cầu thành tâm cầu nguyện của Nhân dân.
|
Xưa kia, muốn lên chùa Đồng Yên Tử chỉ có cách duy nhất là đi bộ hàng nghìn bậc đá, đường rừng núi khoảng 6.000m. Hiện nay, Phật tử, du khách và Nhân dân có thể đi cáp treo. |
|
Tổng tuyến cáp treo Yên Tử có độ dài 2.104m bao gồm 2 tuyến tương ứng với 2 chặng từ thung lũng Giải Oan lên chùa Hoa Yên, và từ chùa Một Mái lên khu tượng An Kỳ Sinh. |
|
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên núi Yên Tử, đặt tại khu vực tượng đá An Kỳ Sinh, nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển. Tượng được đúc bằng đồng nguyên khối nặng 138 tấn, cao 15m. |
Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị vua anh hùng của một triều đại anh hùng, người đã lãnh đạo quân và dân nhà Trần 2 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược vào năm 1285 và năm 1288, bảo vệ non sông bờ cõi Đại Việt. Phật hoàng Trần Nhân Tông là người sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, được các thế hệ nhân dân ta tôn xưng là Vua Phật Việt Nam. Trên cơ sở thống nhất các thiền phái từ bên ngoài truyền vào thành dòng thiền riêng do vua Trần Thái Tông thực hiện, vua Trần Nhân Tông đã hoàn thiện dòng thiền Trúc Lâm, mở ra tông phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
|
Tượng An Kỳ Sinh là một tảng đá tự nhiên, trông giống hình đạo sỹ đứng chắp tay cung kính quay về Tây phương, áo dài thướt tha. Tượng cao 2,2m. Thân tượng có tạc chữ hán đã bị mờ nét. |
Truyền thuyết về An Kỳ Sinh được kể lại rằng: Vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, ở phương Bắc có một đạo sĩ đến đây tu pháp Đạo Tiên. Ngài hái lượm cỏ cây, thảo dược, luyện thành thuốc trường sinh và ban pháp dược chữa bệnh cứu người. Người đời tỏ lòng tôn kính gọi ông là An Tử (thầy An) và gọi núi này là An Tử Sơn (núi thầy An). Sau này tránh tên húy của ông, dân gian gọi núi An Tử thành Yên Tử. Ngày nay Yên Tử đã trở thành báu vật vô giá và là niềm tự hào không chỉ của Quảng Ninh mà của cả dân tộc Việt Nam.
Bà Lê Thu Trang, Phật tử đến từ tỉnh Nam Định chia sẻ: "Mấy hôm nay thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều đường trơn, nên khi đi lại tôi phải cận thận hơn, nhưng với tôi được đến với Yên Tử mỗi dịp như thế này là một trải nghiệm vô cùng thú vị, mọi năm tôi leo bộ, hôm nay mưa nên tôi đi cáp treo. Về với đất Phật như thế này tôi vô cùng hạnh phúc, trong niềm hạnh phúc đấy tôi mong cầu sức khỏe và bình an cho cả gia đình mình cùng tất cả mọi người sẽ gặp may mắn, hạnh phúc".
|
Chùa Đồng Yên Tử có diện tích gần 20m vuông, nặng 70 tấn, dài 4,6m, rộng 3,6m và chiều cao từ cột nền tới mái là 3,35m. Trong đó, mỗi viên ngói nặng khoảng 4 kg, 4 cột chùa mỗi cột nặng 1 tấn. |
Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc Tự, chùa tọa lạc tại vị trí cao nhất trên đỉnh núi Yên Tử. Chùa Đồng linh thiêng là biểu tượng của sự giao hòa giữa đất, trời và con người. Các tín đồ Phật giáo trong và ngoài nước đều mong muốn một lần được đặt chân đến nơi đây. Chùa Đồng phản ánh tâm nguyện đạt tới cảnh giới cao nhất của người tu hành và là biểu tượng văn hóa đương đại của Yên Tử, có giá trị to lớn trong việc quảng bá Phật giáo Trúc Lâm và văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Ông Đặng Văn Tuyến, du khách đến từ tỉnh Thái Bình cho biết: "Mọi năm tôi đi cùng vợ, năm nay các cháu đã lớn nên cả gia đình 3 thế hệ nhà tôi cùng du Xuân Yên Tử, tuy thời tiết không thuận lợi nhưng chúng tôi vẫn thấy vui vì đã được về với vùng đất thiêng Yên Tử, đến đây rồi tôi mong muốn mình có thật nhiều sức khỏe để năm nào cũng được cùng cả gia đình về với đất Phật. Trên đường hành hương tôi luôn tâm nguyện mong cầu cho gia đình mình luôn mạnh khỏe, bình an".
|
Chùa Đồng phản ánh tâm nguyện đạt tới cảnh giới cao nhất của người tu hành và là biểu tượng văn hóa đương đại của Yên Tử, có giá trị to lớn trong việc quảng bá Phật giáo Trúc Lâm và văn hóa Việt Nam ra thế giới. |
Năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Khu di tích Yên Tử là Di tích quốc gia đặc biệt. Hiện, tỉnh Quảng Ninh cùng với tỉnh Hải Dương, Bắc Giang đã hoàn chỉnh Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.