Mặc dù thời gian vừa qua có rất nhiều giải pháp đã được ngành Y tế đưa ra cùng với sự vào cuộc của cơ quan công an, song vấn nạn bạo hành nhân viên y tế không những không giảm mà có xu hướng phức tạp hơn, gây bất an cho đội ngũ nhân viên y tế.
Nỗi xót xa cho một nghề cao quý
Mới đây, theo nghiên cứu thực trạng bạo lực bệnh viện đối với điều dưỡng và một số yếu tố ảnh hưởng tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2017: 72,7% điều dưỡng bị bạo lực trong 12 tháng qua; 65,3% điều dưỡng bị bạo lực lời nói và 23,7% điều dưỡng bị bạo lực thể chất. Đặc biệt, 42% điều dưỡng viên của bệnh viện bị mắc stress vì công việc.
Chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng tư đã có ba vụ bạo hành cán bộ y tế xảy ra trên cả nước. Ngày 3/4, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, trong lúc vợ đang được điều trị thì chồng bệnh nhân đã lao vào đánh bác sĩ và điều dưỡng viên. Ngày 8/4, một ông bố khi đưa con đi cấp cứu tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã lao vào đánh bác sĩ và thực tập sinh, khiến thực tập sinh ngất xỉu. Ngày 13/4, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, một người đàn ông lao vào đánh thẳng vào mặt bác sĩ khi bác sĩ đang ngồi trao đổi về hướng xử lý vết thương cho bệnh nhân.
Sự việc này một lần nữa khiến dư luận, đặc biệt là những người trong ngành Y phẫn nộ, bất bình và ngày càng hoang mang khi mà cứ vài tuần, vài tháng ở một nơi nào đó từ các tỉnh nghèo hay trung tâm thành phố lại có những vụ bác sĩ bị bạo hành, tra tấn tinh thần.
Nhiều người bất bình, xót xa vì sự xuống cấp của đạo đức trước hành xử của những kẻ tấn công các y, bác sĩ khi mà họ đang vất vả cố gắng giành giật lại sự sống cho chính người thân của mình. Nhiều người cũng cho rằng xuất phát từ thái độ, phong cách phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ nên mới xảy ra những chuyện bạo lực đáng tiếc đó. Tuy nhiên, dù với lý do gì thì hành vi bạo lực trong môi trường y tế, bạo lực đối với những người đang nỗ lực cứu chữa người bệnh luôn là điều không thể chấp nhận được.
Khi xem lại clip bác sĩ bị đánh (do camera bệnh viện ghi lại), không ít người bày tỏ sự phẫn nộ, cho rằng bác sĩ không cần tiếp tục cứu chữa cho những trường hợp có người nhà hành hung bác sĩ hay đối với những bệnh nhân là côn đồ, có tiền án, tiền sự,... Ý kiến này không nhận được sự đồng tình bởi hơn bao giờ hết, lương tâm, sự cao quý của nghề y không cho phép người thầy thuốc có suy nghĩ và hành động như vậy.
Bởi lẽ, giống như câu nói đáng suy ngẫm của bác sĩ bị hành hung tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn: “Người ta không tin bác sĩ. Người ta tin những người khác hơn là người chữa bệnh cho mình thì tôi không muốn thanh minh với bất cứ ai cả... Chúng tôi vẫn sẽ khâu cho cháu, dù bố cháu có đánh tôi đi chăng nữa. Đây là điều tôi muốn làm! Dù bác sĩ có bị chèn ép sao nữa... thì họ vẫn sẽ phục vụ những người đánh họ!”.
Mặc dù Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân quy định nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, Luật này không ngăn chặn hiệu quả nạn bạo hành nhân viên y tế. Đa số các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước gần như chưa có biện pháp hiệu quả đề phòng cũng như bảo vệ nhân viên y tế khỏi bạo hành.
Theo đánh giá của người đứng đầu ngành Y tế, hiện tượng gây rối an ninh bệnh viện, hành hung bác sĩ đang lan rộng và tăng nhanh trên phạm vi cả nước. Để phòng ngừa hiện tượng này, thời gian qua, Bộ Y tế đã có những ký kết với Bộ Công an, một số Sở Y tế cũng đã ký kết phối hợp với Công an địa phương để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực các bệnh viện. Bộ Y tế đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị chỉ đạo các bệnh viện tăng cường an ninh bệnh viện, thậm chí đặt cả camera nhưng hiệu quả vẫn chưa thực sự như mong muốn, nhiều vụ khi gọi được công an thì việc đã xong.
Hành hung bác sĩ là trái với đạo đức và vi phạm pháp luật
Để tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ y tế, thời gian tới ngành Y tế và ngành Công an sẽ có những kí kết phối hợp, lập đường dây nóng để nhân viên y tế có thể gọi bất cứ lúc nào khi có sự cố xảy ra trong bệnh viện để kịp thời xử lý. Ngành Y tế cũng mong các bệnh viện phối hợp với ngành Công an lắp đặt hệ thống camera để quan sát, theo dõi những hành vi mà các đối tượng gây ra với cán bộ y tế.
“Bộ Y tế đề nghị lực lượng Công an vào cuộc, cắm chốt tại bệnh viện lớn, những điểm nóng dễ nảy sinh bạo hành. Vì lực lượng bảo vệ trong bệnh viện hiện nay gần như khó tác dụng, trong khi xảy ra sự việc hành hung, công an phường cũng không thể đến kịp được. Chỉ khi có công an cắm chốt tại bệnh viện, ở những điểm nóng liên quan đến cấp cứu, điều trị mới có thể ngăn chặn hiệu quả hiện tượng hành hung bác sĩ”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Bên cạnh đó, ngành Y tế hiện vẫn đang tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh toàn diện, đổi mới quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện nhằm thực hiện tốt các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, tránh gây phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh bảo hiểm y tế khi đến khám tại bệnh viện.
Trong những năm gần đây để nâng cao chất lượng nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh, theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: hiện cơ quan này đã ban hành 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện; quán triệt quan điểm “Lấy người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị” trong mọi hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Căn cứ trên các văn bản hướng dẫn, bệnh viện trên cả nước đã tích cực cải tiến chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Dù trong hoàn cảnh nào, nếu hành hung người đang thi hành công vụ, đang chăm sóc sức khỏe cho mình, cho người nhà của mình là phải xử lý nghiêm. Nếu nhân viên y tế có thái độ, hành vi chưa phù hợp, đó là câu chuyện của vấn đề đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của ngành Y. Còn nếu đưa ra khái niệm này là chúng ta đồng tình, bênh vực, chia sẻ với những người vi phạm luật hình sự”.