'Đấm đá' vào nhân phẩm

(PLO) - Tôi vào google gõ cụm từ “người nhà bệnh nhân đánh bác sỹ”, khoảng 0,5 giây được  2.190.000 kết quả. Muôn vàn câu chuyện nhức nhối. Cách đây mấy hôm, ngày 13/4 một bác sĩ trực cấp cứu Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn đã bị người nhà bệnh nhân đánh liên tiếp vào mặt. Không biết bình luận gì hơn, đúng như một Thứ trưởng Bộ Y tế đau lòng thốt ra: vô nhân tính.
'Đấm đá' vào nhân phẩm

Đáng tiếc, những “cú đấm” vào nhân phẩm, lương tri con người bây giờ không còn cá biệt. Còn nhớ cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải kêu lên: ngành Y tế đơn độc. Người đứng đầu ngành Y tế cho rằng, về phương diện an ninh trật tự, hành hung người thi hành công vụ là vi phạm pháp luật. Tất nhiên rồi. Đánh người đang chăm sóc sức khoẻ cho mình, cho người thân của mình lương tâm nào cho phép. Người thiệt hại nhất chính là những bệnh nhân. Những vụ tấn công đó thể hiện sự xuống cấp ghê gớm của đạo đức con người.

“Tôi tha thiết mong dư luận, truyền thông và cơ quan chức năng ngăn chặn giảm bớt và xử lý nghiêm. Ví dụ như vụ hành hung bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (tháng 4/2017), chúng tôi đã xuống tận nơi đề nghị xử lý nghiêm và phạt tù, bắt giam đối tượng hành hung. Nếu để tình trạng này xảy ra thì an toàn tính mạng của các bác sỹ bị đe dọa trong lúc khám chữa bệnh. Xa xôi hơn nữa bệnh nhân mới là người thiệt thòi. Đến thời điểm này tôi thấy ngành Y tế gần như đơn độc” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến một lần chia sẻ.

Vấn đề hành hung người đang thi hành công vụ tại các cơ sở hành chính sự nghiệp quy định trong Luật Khám chữa bệnh cũng được quy định trong các luật dân sự khác, đặc biệt có thể vận dụng nhiều điều luật trong Bộ luật Tố tụng Hình sự để xử lý. Liệu pháp luật có đủ sức mạnh “cưỡng chế” để tham gia vào việc giáo dục đạo đức con người hiện nay?.

Thầy thuốc, thầy cô giáo là những người đáng trọng. Đáng tiếc, trong hai lĩnh vực “trị bệnh cứu người” và “chở đạo” hiện nay đã không còn bình yên. Học trò tấn công thầy, cô giáo, thầy “lạm dụng” trò, cô “bạo hành” trò... diễn ra nhức nhối trong xã hội, tần suất ngày càng nhiều. Ngay trong gia đình, “cú đấm” vào “tế bào” của xã hội cũng ngày càng gia tăng. 

Sau gần 9 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL) thống kê được gần 160.000 vụ bạo lực gia đình. Trung bình khoảng 20.000 vụ/năm và mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng. Số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày).

Phải làm sao đây để “phanh” sự trượt dốc của đạo đức trong xã hội? Trong nhiều nghị quyết về văn hóa, phát biểu của các cán bộ lĩnh vực này đều có câu: “Để ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức ở nước ta hiện nay cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Vào “cuộc” như thế nào để “chặn” được những “cú đấm” vào lương tri, nhân phẩm con người?.

Đọc thêm