“Ca sỹ nào vậy? Ở đâu ra vậy?”
Với tiếng hát Ánh Tuyết, dường như người ta luôn bắt gặp sự tươi mới đi ngược lại với quy luật thời gian. Chị có khả năng thể hiện các ca khúc ở nhiều thể loại với phong cách hết sức riêng biệt. Nhưng có lẽ như một định mệnh, khán giả yêu mến âm nhạc vẫn hình dung đến tiếng hát ấy qua những tác phẩm tiền chiến, cũng như những ca khúc trữ tình còn mãi với thời gian.
Khi tiếng hát của chị cất lên, người nghe có cảm giác như được đắm mình vào không gian và thời gian của tác phẩm thực sự. Bởi lẽ, giọng hát của chị luôn xuất phát từ chính những rung động của trái tim mình với khát khao được giao cảm với cuộc đời, được đồng điệu với cảm hứng sáng tạo của người nhạc sĩ.
Ánh Tuyết còn nhớ, sự tình cờ “bén duyên” nhạc Văn Cao. “Ai lướt đi ngoài sương gió - không dừng chân đến em bẽ bàng”, câu hát của Buồn tàn thu vang lên giữa một khoảng thinh không cũng đủ làm người nghe nao lòng đến lạ! Đó là lần đầu Ánh Tuyết trong chiếc áo dài chấm chân, gương mặt thoáng buồn cất giọng hát nhạc Văn Cao để “thế chỗ” một ca sỹ vắng mặt... bỗng dưng đẹp đến lạ lùng! “Thôi tình em đấy/như mùa thu chết/rơi theo lá vàng...”.
Nước mắt Ánh Tuyết rơi dài khi câu hát kết thúc để rồi sau đó là một sự vỡ òa của xúc cảm. Tiếng pháo tay vang lên. Tiếng xì xào hỏi với nhau: “Ca sỹ nào vậy? Ở đâu ra vậy?”. Còn nhạc sỹ Văn Cao, ông ngẩng đầu lên và nhìn về hướng cô ca sỹ rồi gật gật đầu nhưng vẫn không nói gì.
Một năm sau, đêm nhạc của nhạc sỹ Văn Cao được tổ chức ở Nhà Văn hóa Thanh niên (TP.HCM), ông nghe lại Ánh Tuyết hát Trương Chi, Thiên thai, Cung đàn xưa. Cầm lòng không nổi, ông rơi lệ và nói với Ánh Tuyết: “Đầu đời Văn Cao đã có một Kim Tiêu, không ngờ cuối đời lại gặp một Ánh Tuyết”.
Nghe đến đây, Ánh Tuyết chỉ biết khóc: “Bác ơi, Tuyết rồi cũng sẽ tan thôi!”. Và, kể từ đó tiếng hát Ánh Tuyết đã “tan” thật sự, tan trong từng nốt nhạc, tan trong từng lời ca của Văn Cao để một lần nữa chắp cánh cho nó thăng hoa, bay lên, bay lên cùng một tiếng hát cứ mãi vút cao. “Đó là một cuộc hạnh ngộ mà có lẽ là đẹp nhất trong cuộc đời của tôi” , nữ ca sỹ Ánh Tuyết tâm sự.
Còn nhớ, bốn năm sau ngày nhạc sỹ Văn Cao đi xa, một đêm nhạc giữa Nhà hát Lớn (Hà Nội) dồn nén một không khí khó diễn tả. Những ai yêu quý Văn Cao chờ đợi một đêm nhạc mà họ đã chờ đợi lâu lắm rồi mới diễn ra giữa lòng Hà Nội. Hai phần ba khán giả tóc đã lốm đốm bạc, họ như đang triền miên trong miền ký ức, trong sự chờ đợi với cõi riêng của họ. Và Ánh Tuyết xuất hiện, có lẽ lâu lắm rồi chị mới hát bằng cả trái tim mình giữa lòng Hà Nội, hát nhạc Văn Cao giữa những con người đi tìm cuộc hạnh ngộ.
Hình như đêm đó, Văn Cao hiện diện đâu đó trong tâm trí mỗi người, như đang trầm tư lắng nghe cuộc hạnh ngộ này, mặc dù ông đã đi xa. Cũng từ đó, năm nào Ánh Tuyết cũng ra Hà Nội hoặc vào tháng 7 (tháng Văn Cao mất), hoặc trước tháng sinh nhật Văn Cao để thắp cho ông một nén hương, để nói với ông rằng dù ông có đi xa thì âm nhạc của ông vẫn được Ánh Tuyết cất lên mỗi đêm giữa phố phường Sài Gòn đầy náo nhiệt... Năm nay, tôi ra Hà Nội đúng dịp sinh nhật ông (15/11) và tham gia đêm nhạc kỷ niệm sinh nhật 90 của ông, là cách để nhớ về một “tiền bối” đã dành tình cảm cho đời và cho Ánh Tuyết “danh phận” như hôm nay”, nữ ca sỹ chia sẻ.
Và lưu giữ những hoài niệm
Ca sỹ Ánh Tuyết trải lòng: “Mỗi lần biểu diễn là một lần tôi tiếp tục hành trình đi tìm chính bản thân con người mình. Trong mỗi giấc mơ của tôi có lẽ vẫn thường trực đâu đó hình ảnh của Suối mơ, Thiên Thai, Lá đổ muôn chiều, Bóng chiều xưa… Vì thế, những không gian ấy với chị trở nên thân thuộc để rồi chủ thể của tác phẩm khi tới với khán giả qua tiếng hát của Ánh Tuyết sống động và lắng đọng hơn bao giờ hết.
Tìm về với dòng nhạc tiền chiến còn là tâm niệm muốn tri ân các nhạc sĩ lão thành của nền âm nhạc Việt Nam mà nữ ca sỹ Ánh Tuyết đã ấp ủ suốt bao tháng năm hoạt động nghệ thuật của mình. Không chỉ với cố nhạc sĩ Văn Cao, người bằng tác phẩm của mình đã tạo dựng tên tuổi của chị, với các nhạc sĩ thuộc thế hệ trước như Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác, Lê Thương, Trịnh Công Sơn, Y Vân, Phạm Trọng Cầu..., chị đều để lại trong họ một ấn tượng tốt đẹp. Ánh Tuyết thường cố gắng gặp gỡ các tác giả lắng nghe những tâm sự giữa cuộc sống đời thường của họ để nắm bắt tư tưởng của từng tác phẩm một cách rõ ràng và trọn vẹn nhất.
Ngoài việc thể hiện các ca khúc tiền chiến, có thể nói rằng, Ánh Tuyết là một cuốn “bách khoa thư” sống về dòng nhạc này, chị có thể nói sôi nổi hàng giờ như khi cất cao lời ca về giai thoại của các tác giả tiền chiến, hoàn cảnh ra đời và số phận những tác phẩm của họ.
Ánh Tuyết đã rơi lệ nhiều lần trên sân khấu khi nhắc lại kỷ niệm về những cố nhạc sĩ đã vĩnh viễn lìa xa cõi đời này chỉ còn vang vọng dư âm qua mỗi giai điệu. Và như một lẽ thường, nữ ca sỹ Ánh Tuyết trong khoảnh khắc ấy chính là người đem tâm hồn, trái tim của những người nghệ sĩ tài danh đó ở lại với thế gian này.
Mỗi lần trở lại Hà Nội, bao giờ với tiếng hát Ánh Tuyết khán giả cũng có được sự hình dung rất đặc biệt ở nhiều góc độ, vẫn những giai điệu đó nhưng cách chị đem tác phẩm tới khán giả luôn có sự linh hoạt và đa dạng ở từng không gian và thời gian riêng biệt mà không bao giờ làm mất đi tinh thần thực sự của nguyên tác.
Cùng là Suối mơ người ta có thể thấy chị hát “chay” giữa khán phòng Nhà hát Lớn với những thanh âm vút cao đến bất tận, hay da diết u hoài khi chị trình bày giữa một dàn hợp xướng đông đảo... Làm mới tác phẩm ở khía cạnh bắt nguồn từ tính đa diện sẵn có của nguyên tác là một sự tìm tòi công phu mà không phải bất cứ người ca sĩ nào khi thể hiện cũng chú tâm.
Sự đồng cảm của tâm hồn người nhạc sỹ, ca sỹ đã tạo ra men say níu kéo bao thế hệ người yêu nhạc. Theo người thân trong gia đình kể lại thì vào những giờ phút cuối của cuộc đời, cố nhạc sĩ tài hoa Đoàn Chuẩn, chàng lãng tử của mùa thu đất Bắc luôn chỉ nghe những tác phẩm của mình được ngân vang từ giọng ca Ánh Tuyết mà theo ông đẹp cả thanh lẫn sắc. Chính sự yêu mến ấy, đã khiến chị rất yêu dòng nhạc tiền chiến và “chưa bao giờ có ý định từ bỏ dòng nhạc mình yêu thích và gắn bó”.