Hành trình một điệp viên thành tổng thống 4 nhiệm kỳ

(PLO) - Trong tuần qua, Vladimir Putin có lẽ là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên thế giới, khi ông tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 4 của Nga với số phiếu kỷ lục.
Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Nga Putin

Một đêm mùa đông mưa gió tháng 10/1952, một thương binh nghèo vội vã đưa người vợ đang trở dạ vào bệnh viện ở thành phố Leningrad. Sau vài tiếng vật vã, bà Maria cũng vượt cạn thành công, sinh ra một đứa con trai. Đứa trẻ nhỏ thó vừa được sinh ra trong điều kiện tồi tàn ấy chính là Vladimir Putin, người về sau trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của nước Nga và cả thế giới.

Điệp viên kỳ cựu

Năm 1952, Leningrad là một thành phố tan hoang vẫn đang xoay xở vá víu những tàn tích mà trận giằng co với quân Đức 8 năm trước để lại. Cha mẹ của Putin lúc bấy giờ, cũng giống như bao người cùng thời, phải chật vật làm mọi công việc để có thể nuôi sống gia đình, bỏ mặc cậu con trai nhỏ tự tha thủi chơi trong khu chung cư cũ nát. 

Sinh trưởng trong một môi trường khắc nghiệt, nghèo nàn, với xung quanh toàn những kẻ say xỉn, tranh cãi và ẩu đả nên khi còn nhỏ Putin cũng khá nổi loạn. Cậu bé thường xuyên nói chuyện trong lớp, không làm bài tập về nhà, trêu chọc bạn bè…

Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm Vera Gurevich vẫn nhận thấy ở cậu học trò bướng bỉnh sự thông minh vượt trội nên đã tìm đến nhà nói chuyện với cha mẹ Putin, đề nghị ông bà cùng rèn giũa con, đó là năm Putin học lớp 6. “Việc đó đã tác động lớn tới tôi. Đến lúc đó, tôi mới bắt đầu đặt ra những mục tiêu cho mình”, Putin về sau kể lại. Kết quả học tập của cậu vì thế dần được cải thiện đáng kể. 

Putin bắt đầu nuôi mơ ước trở thành một điệp viên sau khi đọc được cuốn tiểu thuyết “Tấm khiên và thanh gươm” kể về sự dũng cảm của một mật vụ Liên Xô đã giúp đánh bại Đức Quốc xã. Ôm trong lòng sự ngưỡng mộ về việc một điệp viên có thể thay đổi số phận của hàng triệu người, ngay từ khi vẫn ngồi trên ghế nhà trường, Putin đã tìm tới văn phòng tiếp công chúng của Giám đốc KGB để hỏi về cách trở thành một nhân viên tình báo.

Nhận được câu trả lời rằng ông phải phục vụ trong quân đội hoặc phải có bằng đại học, trong đó bằng luật là một lợi thế, Putin ngay lập tức ôn luyện để vào được ngành luật trường Đại học Leningrad. Với quyết tâm cao và sự thông minh vốn có, ông quả thực đã đỗ. “Lớp tôi có 100 người nhưng chỉ có 10 người là vừa học xong trung học, còn lại đều là quân nhân xuất ngũ. Tỉ lệ “chọi” đối với những người vừa tốt nghiệp trung học khi đó là 1/40. Tôi được 4/5 điểm môn tự luận nhưng được điểm tuyệt đối tất cả các môn khác nên đã vượt qua kỳ thi”, ông cho hay. 

Năm 1975, Putin tốt nghiệp đại học và được KGB tuyển mộ ngay theo chính sách tuyển mộ nhân lực trẻ “ngoại đạo” do Chủ tịch KGB Yuri Andropov đưa ra với hy vọng thổi được một “luồng gió mới” vào cơ quan tình báo Liên Xô. Năm 1976, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện tăng cường ở trường 401 tại Saint Petersburg, Putin trở thành một trung úy. Đến năm 1985, ông hoàn tất khóa huấn luyện tiếp theo tại Viện Tình báo nước ngoài Moscow và được điều tới Đông Đức với nhiệm vụ tuyển dụng người cung cấp thông tin, thu thập thông tin và chuyển dữ liệu nhận được về Moscow. 

Thông thường, mỗi nhân viên tình báo trong thời gian làm việc ở nước ngoài chỉ được thăng cấp 1 lần nhưng trong thời gian ở Đông Đức, Putin được thăng hàm đến 2 lần nhờ có thành tích làm việc xuất sắc. Thời gian này, ông giữ chức trợ lý cấp cao của trưởng bộ phận tình báo của Liên Xô ở Đông Đức, chịu trách nhiệm tuyển mộ các giáo sư, nhà báo, những chuyên gia có tay nghề cao, thu xếp để họ tới Tây Âu thu thập thông tin tình báo, công nghệ của các nước này cho Liên Xô. 

Năm 1989, Bức tường Berlin sụp đổ. Ngày 5/12 năm đó, Putin thấy một đám đông những người dân nổi giận đang xông tới trụ sở Bộ an ninh quốc gia Đức nằm trên cùng con phố với văn phòng của KGB. Đoán chắc họ sẽ sớm xông tới chiếm văn phòng của mình, ông vội vã liên lạc với trụ sở KGB ở Moscow nhưng chỉ có tiếng chuông đổ dài.

Ông Putin khi còn trẻ
Ông Putin khi còn trẻ

Sau ít phút suy nghĩ, Putin quyết định tự hành động. Siegfrid Dannat – một người có mặt trong đám đông đó – về sau kể lại rằng ông thấy một sỹ quan người Nga đi ra khỏi tòa nhà của KGB và tiến về phía cánh cửa đóng kín. Người này tuyên bố lính gác đã sẵn sàng nổ súng nếu có người đột nhập và yêu cầu đám đông rút khỏi khu vực tòa nhà vì đó là lãnh thổ của Liên Xô. Theo ông Dannat, viên sỹ quan khá lịch sự nhưng cũng rất cứng rắn, đặc biệt nói tiếng Đức rất tốt. Đám đông vì thế đã hạ hỏa và đồng ý không tấn công KGB dù họ không bỏ sót một tòa nhà nào trong khu vực. 

Vài ngày sau, Putin và các đồng nghiệp phải chuyển những tài liệu có giá trị nhất về Moscow, thiêu hủy tất cả những tài liệu có liên quan đến hoạt động của KGB ở Đông Đức còn lại. “Chúng tôi đốt cả ngày lẫn đêm, đến mức lò sưởi bị vỡ vì quá nóng”, ông kể lại. Sau đó, ông và cả gia đình rời Dresden, kết thúc sứ mệnh điệp viên KGB ở Đức. 

Nhà lãnh đạo tầm vóc

Trở về từ Đức, Putin tiếp tục làm việc cho KGB cho đến năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ. Kết thúc sự nghiệp điệp viên, ông trở thành người phụ trách quan hệ đối ngoại cho Thị trưởng Leningrad Anatoly Sobchak rồi sau đó được bổ nhiệm làm Phó thị trưởng của thành phố. Khi ông Sobchak thất bại trong cuộc bầu cử năm 1996, Putin chuyển tới Moscow. Tại đây, vào năm 1998, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Cơ quan an ninh liên bang (FSB) – cơ quan tình báo kế nhiệm sau khi KGB bị giải thể, kiêm Hội đồng an ninh quốc gia Nga trong chính phủ của Tổng thống Boris Yeltsin.

Tháng 8/1999, ông Yeltsin cách chức Thủ tướng Sergey Stepashin và bổ nhiệm Putin thay thế. Tháng 12/1999, ông Yeltsin từ chức, chỉ định ông Putin trở thành quyền Tổng thống Nga. Tại cuộc bầu cử chính thức diễn ra vào tháng 3/2000, Putin chính thức được bầu làm Tổng thống của Liên bang Nga. 

Tiếp quản đất nước đang trong tình trạng khó khăn về kinh tế, xã hội lộn xộn, lại chưa có danh tiếng, chưa được nhiều người biết đến, Putin đã phải đối mặt với vô vàn thách thức. Tuy nhiên, ông đã sớm thể hiện được năng lực lãnh đạo của mình. Đầu tiên, ông mạnh tay trấn áp cuộc khủng hoảng tại Chechnya, đưa khu vực này từ một điểm nóng khủng bố với hàng loạt các vụ tấn công trở lại yên bình. Chiến thuật “bàn tay sắt” khiến Putin không nhận được sự ủng hộ của truyền thông nước ngoài nhưng đã giúp nhận được sự ủng hộ và tôn trọng mạnh mẽ ở trong nước.

Tiếp theo đó, ông bắt tay vào xử lý các phần tử đầu sỏ chính trị vốn có quyền lực thao túng mạnh mẽ ở nước Nga vào cuối những năm 1990. Dù con đường để đối mặt với ảnh hưởng to lớn của những người này không hề đơn giản nhưng bằng sự quyết đoán của một cựu điệp viên ông Putin cuối cùng vẫn xử lý được vấn đề. “Một số người đã xông vào văn phòng của tôi và nói rằng “Mày có nhận thấy rằng mày sẽ không bao giờ là tổng thống không?”, ông Putin nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Nga.

Sau khi đã thu xếp được ổn thỏa công việc đối nội, Putin bắt tay vào giải quyết các mối quan hệ đối ngoại của Nga. “Tôi nhìn vào mắt người đàn ông đó và nhận thấy ông ấy rất thẳng thắn và đáng tin tưởng. Chúng tôi đã có một cuộc đối thoại rất tốt. Tôi có thể cảm nhận được tính cách ông ấy”, Tổng thống Mỹ George W. Bush từng nhận xét về ông Putin tại một hội nghị được tổ chức ở Slovenia năm 2001. 

Dưới sự lãnh đạo của Putin, trong giai đoạn 2000-2004, GDP của Nga đã tăng trưởng vượt bậc, mọi thứ được đưa vào tầm kiểm soát, giúp ông tiếp tục được tín nhiệm bầu làm tổng thống nhiệm kỳ thứ 2. Mãn nhiệm vào năm 2008, ông tiếp tục được bầu làm thủ tướng Nga rồi đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 3 vào năm 2012.

Đến nay, tỉ lệ tín nhiệm của người dân Nga dành cho ông vẫn rất cao. Bằng chứng là việc tại cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hôm 18/3 vừa qua, ông tiếp tục thắng cử tổng thống nhiệm kỳ 2018-2024 với gần 77% số phiếu bầu, là tỉ lệ cử tri ủng hộ kỷ lục trong sự nghiệp chính trị của ông Putin, cũng là tỉ lệ cử tri ủng hộ lớn nhất đối với một nhà lãnh đạo của Nga thời kỳ hậu Xô viết.

Đọc thêm