Hành trình nặng nề của 4 chiếc máy bay siêu nhẹ

Khi chiếc Atec A320 cánh bằng hai chỗ cất cánh khỏi mặt đất, tôi nhìn thấy giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt những người già trẻ đứng dưới. Giọt nước mắt lăn vì niềm vui được nhìn thấy một ngày ước mơ phổ cập phương tiện giao thông hiện đại hơn phục vụ đời sống dân sinh đang dần thành hiện thực.

Khi chiếc Atec A320 cánh bằng hai chỗ cất cánh khỏi mặt đất, tôi nhìn thấy giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt những người già trẻ đứng dưới. Giọt nước mắt lăn vì niềm vui được nhìn thấy một ngày ước mơ phổ cập phương tiện giao thông hiện đại hơn phục vụ đời sống dân sinh đang dần thành hiện thực. Giọt nước mắt lăn vì chặng đường đến được ngày đó thực không dễ dàng gì…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ước vọng đẹp đẽ

Giờ đây, giao thông hàng không đã gần gũi hơn với nhiều tầng lớp người dân khi những hãng máy bay giá rẻ tham gia thị trường, sự tham gia của các ông chủ Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai… Thế nhưng khi nhập 4 chiếc máy bay siêu nhẹ về Việt Nam, những người trong cuộc tại Cty CP Công nghệ Hành Tinh Xanh lại mong “tạo một sân chơi lành mạnh cho những người trẻ thể hiện bản thân mình khi tham gia vào những buổi làm quen với máy bay hoặc những khóa huấn luyện. Hơn nữa, chúng tôi muốn tạo điều kiện cho đông đảo người Việt Nam có nhu cầu tiếp xúc với máy bay như một phương tiện giao thông quen thuộc, không khác là bao với xe máy hay ô tô vì tính ưu việt của nó”.

Cty Công nghệ Hành Tinh Xanh được xây dựng hướng tới mục đích chính là phối hợp với các cơ sở đào tạo phi công trong nước và các đơn vị đào tạo nước ngoài  đào tạo phi công ở cấp độ lái máy bay cá nhân, máy bay thể thao (PPL), sau đó nâng cấp đào tạo thêm phi công lái máy bay thương mại. Ngay ở thời điểm này, nước ta thiếu nhiều phi công nhưng lực lượng trẻ đủ sức khoẻ lại không tiếp cận được các khoá đào tạo bởi kinh phí quá lớn mà ngân sách của các ngành lại có hạn.

Con đường ghập ghềnh

Khi tiến hành nhập 4 chiếc máy bay siêu nhẹ đầu tiên vào Việt Nam, gồm 2 chiếc tàu bay cánh bằng Atec (sản xuất tại Cộng hòa Séc) và 2 chiếc tàu bay trực thăng Rotoway (sản xuất tại Mỹ), Cty Hành Tinh Xanh đối mặt với nhiều vấn đề cả về chính sách và chủ quan của công chức hữu trách. Là doanh nghiệp dân sự đầu tiên là thành viên của Câu lạc bộ Hàng không phía Bắc thuộc Quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc phòng), thế nhưng Cty Hành Tinh Xanh – chủ sở hữu của 4 chiếc máy bay – đã phải chạy đôn chạy đáo “xin” những chỉ dẫn chính sách để thông quan được 4 chiếc máy bay sau suốt 6 tháng trời nằm ngoài cảng.

Sau  nhiều thủ tục cần thiết, khi 4 máy bay đầu tiên được đưa về Câu lạc bộ, Công ty Hành Tinh Xanh đã hy vọng những chiếc máy bay đó sẽ nhanh chóng được vận hành phục vụ mục đích đào tạo thiết thực được đặt ra. Thế nhưng, hơn 1 năm công việc không tiến triển được bao nhiêu, bởi việc xin phép bay kiểm tra, bay nghiệm thu, bay chuyển loại cũng gặp quá nhiều trắc trở, do …chưa có tiền lệ. Dù động cơ máy bay nhỏ bằng động cơ ôtô 2.0 nhưng mỗi lần nổ máy phải chờ xin lệnh, phải có ít nhất 2 xe chữa cháy phòng hộ… 

Trì hoãn nhiều lần, Hành Tinh Xanh phải tái xuất 4 chiếc máy bay về hãng để tiến hành bảo trì bảo dưỡng. Thế nhưng, sau đó, việc nhập trở lại 4 chiếc máy bay trở thành hành trình tốn nhiều công sức của các bên liên quan và giấy mực của báo chí, do phải đối mặt với nhiều thủ tục, mà một phần trong đó cũng xuất phát từ sự cẩn trọng thái quá của cơ quan hữu trách, do trước đó … chưa có tiền lệ.

Tâm tình của người tiên phong

Hành Tinh Xanh, cũng giống như bay cá nhân, có thể còn là những cái tên, những khái niệm mới đối với không ít người Việt Nam, nhưng trong giới cơ điện, Tiến sĩ Cao Văn Sơn không phải là cái tên xa lạ. Ông Cao Văn Sơn từng là Giám đốc Xí nghiệp cơ điện công trình Hà Nội, với những “sản phẩm” ghi dấu ấn trong ngành cơ điện hồi đó. Một trong những “điểm nhấn” mà những người cùng thời ông Sơn vẫn nhớ, đó là xe chở xi măng rời cho Thủy điện Sông Đà.

Vào những năm 80 của thế kỉ trước, đất nước vẫn bị cấm vận, các nhà máy xi măng sản xuất được nhiều mà không có vỏ bao đóng, trong khi 30 xe chở xi măng rời lần lượt thay nhau chạy mỗi ngày chỉ cung cấp cho công trình Thủy điện Sông Đà được 300 tấn mà nhu cầu của công trường khoảng 800 tấn/ngày. Ông Cao Văn Sơn, khi đó còn chưa biết hình thù cái xe Kamaz chở xi măng rời ra sao, thế mà đã bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất thành công xe chở xi măng rời “made in Việt Nam”.

“Ngày chiếc xe chở xi măng rời đầu tiên của Việt Nam vào công trường Thủy điện, xe Liên Xô cũ thổi xi măng mất 19 phút, xe Việt Nam thổi xi măng mất 17 phút, cả công trường xúc động rơi nước mắt” – một cựu cán bộ Thủy điện Sông Đà kể với chúng tôi – “Giờ chuyện cũ đã qua, không ai nhớ nữa, nhưng thời điểm đó điều ấy quý giá chừng nào, vì những chiếc xe chở xi măng rời đó góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy tiến độ công trình thủy điện”.

Về sau, ông Sơn và các cộng sự của mình còn thực hiện một công trình khác, mà dù công trình đó nổi tiếng khắp nước nhưng không nhiều người biết đến tên của những người đã nhận trách nhiệm nghiên cứu lắp đặt. Đó là công trình Đài Hóa thân Hoàn Vũ đặt tại Nghĩa trang Văn Điển.

Trở lại câu chuyện máy bay cá nhân loại nhẹ, có người nói Hành Tinh Xanh như là một “cái duyên” của vị tiến sĩ kinh tế này, nhưng chúng tôi cho rằng, đó là một niềm say mê và sự quyết tâm đến liều lĩnh của một con người không ngừng nỗ lực.

Bách Nguyễn

Đọc thêm