Hành trình tìm lại chính mình giữa thế giới ồn ào

(PLVN) - Trong nhịp sống hối hả, người ta thường dễ hiểu lầm thiền là một thứ gì đó huyền bí, tâm linh. Tuy nhiên, cuốn sách “Đường vào Thiền” của Osho đã mở ra một cách tiếp cận khác - một con đường đi vào thiền không phải để chạy trốn cuộc sống, mà là hành trình khám phá bản thể, để hiểu và sống trọn vẹn hơn.
Hành trình tìm lại chính mình giữa thế giới ồn ào

Osho mở đầu cuốn sách bằng một nhận định táo bạo nhưng đầy thấu triệt: không phải ai cũng thực sự giác ngộ và không phải ai cũng mong muốn tìm ra sự thật. Đa số chúng ta chỉ trôi dạt giữa cuộc đời, bị cuốn theo những nghĩa vụ, những tham vọng, khát khao nửa vời mà chưa bao giờ thực sự dừng lại để tự hỏi: Ta là ai? Mục đích của sự tồn tại này là gì? Ta sống theo quán tính, theo những khuôn mẫu được định sẵn, nhưng hiếm khi có đủ dũng khí để nhìn sâu vào tâm thức và tự vấn về sự tồn tại.

Theo Osho, khát khao sự thật không chỉ là điểm khởi đầu, mà còn là điều kiện tiên quyết để bước vào thiền. Khi một người khao khát sự thật đủ mạnh mẽ, họ sẽ tự nhiên bị thôi thúc khám phá những tầng sâu hơn của tâm thức. Họ sẽ không chấp nhận một cuộc sống nửa vời, không bằng lòng với những câu trả lời hời hợt, mà sẽ đi đến tận cùng của sự tìm kiếm. Chỉ khi ngọn lửa khao khát này đủ lớn, nó mới có thể thiêu rụi những lớp vỏ ngụy tạo của bản ngã, phá bỏ những ảo tưởng mà ta từng bám víu, từ đó dẫn ta vào trạng thái thiền một cách tự nhiên, không gượng ép.

Trong “Đường vào Thiền”, Osho cũng phá vỡ nhiều quan niệm sai lầm về thiền, đặc biệt là ý niệm cho rằng thiền là một trạng thái mà ta có thể đạt được bằng sự cố gắng hay kỷ luật tinh thần. Theo ông, thiền không phải là hành động ép buộc tâm trí phải im lặng, cũng không phải là một phương pháp nhằm đạt được một trạng thái đặc biệt nào đó. Ngược lại, thiền là sự buông bỏ, là một quá trình quan sát tự nhiên, nơi ta để cho mọi thứ diễn ra mà không can thiệp, không phán xét, không níu giữ hay kháng cự.

Theo Osho, đầu tiên ta cần phải hiểu rằng thiền không thể đạt được qua lý trí, qua việc đọc sách hay nghiên cứu triết học. Thiền chỉ có thể được trải nghiệm. Đó là một hành trình bắt đầu bằng sự im lặng - im lặng với thế giới bên ngoài để có thể lắng nghe thế giới bên trong. Ông nhấn mạnh rằng con người ngày nay nói quá nhiều, không chỉ bằng lời mà còn bằng những suy nghĩ hỗn độn trong tâm trí. Nếu có thể ngừng lại, dù chỉ trong một khoảnh khắc, ta sẽ nhận ra rằng đằng sau sự ồn ào đó là một không gian rộng lớn, một sự hiện hữu thuần khiết mà ta đã lãng quên từ lâu.

Nhưng thiền cũng không chỉ là ngồi yên nhắm mắt. Nó là một trạng thái của toàn bộ con người. Cơ thể cũng là một phần của thiền. Osho khuyên rằng trước khi có thể đi vào thiền, ta cần có một cơ thể thuần khiết, không bị cản trở bởi những xung động bị dồn nén. Những cảm xúc không được bộc lộ, những căng thẳng tích tụ sẽ tạo ra các rào cản ngăn ta đi sâu vào chính mình. Vì vậy, một phần quan trọng của thiền là giải phóng cơ thể khỏi những tắc nghẽn, là sống một cách tự nhiên và không bị đè nén.

Một trong những điểm quan trọng mà Osho nhấn mạnh là thiền không có công thức chung cho tất cả. Mỗi người cần tìm ra con đường phù hợp với mình. Một số người sẽ tìm thấy thiền trong sự im lặng, số khác tìm thấy nó trong chuyển động, trong âm nhạc, hoặc ngay cả trong những hoạt động hàng ngày. Điều quan trọng nhất là sự hiện diện trọn vẹn trong từng khoảnh khắc.

Trong một thế giới đầy biến động, nơi con người không ngừng tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài, thiền chính là lời nhắc nhở rằng mọi thứ ta đang tìm kiếm đã luôn ở đây, bên trong chính ta.

Đọc thêm