Vụ cướp táo tợn
8 đối tượng trong nhóm cướp biển gồm: Hendry A (39 tuổi), Ruslan (61 tuổi), Kurniawan (41 tuổi), Faoji (27 tuổi), Randi Andilya (19 tuổi), Anjas (27 tuổi), Jhon Danyel Despol (38 tuổi) và Abnet (28 tuổi), đều mang quốc tịch Indonesia.
Bằng những chứng cứ, tang vật thu giữ được kết hợp với đấu tranh trực tiếp, tên Ruslan (61 tuổi - được cho là người chủ mưu cầm đầu của nhóm cướp) đã thừa nhận diễn biến của vụ cướp: đầu tháng 6/2015, bọn chúng tập hợp 13 tên và lên kế hoạch cướp tàu dầu bằng vỏ cao tốc chuyên dụng và tàu kéo, tiến hành phục kích ở khu vực biển thuộc địa phận Indonesia.
Tối 11/6, sau khi phát hiện tàu Orkim Harmony (đang trên đường chở 6.000 tấn xăng từ Singapore đến Malaysia), 10 tên trong nhóm cướp đã hạ vỏ cao tốc để tiếp cận tàu. Bọn chúng đã nhanh chóng leo được lên tàu do dùng cây tre dài, có móc sắt móc lên thành tàu. Tên Jonh cầm dao leo lên trước, Ruslan cầm súng leo lên sau. Hai tên dùng súng và dao khống chế một thủy thủ tàu Orkim Harmony và ra hiệu cho sáu tên khác leo lên tàu. Chúng ép thủy thủ này đưa lên buồng thuyền trưởng để khống chế thuyền trưởng.
Tàu Orkim Harmony được bọn cướp sơn lại thành tên Kim Harmon. |
Sau khi dùng 2 súng ngắn và 8 dao để khống chế các thủy thủ, thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu, bọn chúng đã phá hủy thiết bị định vị vệ tinh và phương tiện thông tin liên lạc. Toàn bộ 22 thuyền viên trên tàu đều bị bọn chúng lấy hết tư trang, tài sản cá nhân và nhốt vào các khoang (2 thợ máy ở buồng máy, 2 ở phòng thuyền trưởng, 18 người còn lại ở phòng ăn)… Chúng phân công cho 2 đối tượng điều khiển vỏ cao tốc trở lại tàu kéo và về Indonesia để tìm mối tiêu thụ số xăng trên tàu.
Còn tàu Orkim Harmony thì bị chúng khống chế, bắt chạy lòng vòng trên biển, vừa trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, vừa chờ tìm đầu mối để bán xăng.
Đến ngày 18/6, khi bị cơ quan thực thi biển của Malaysia phát hiện, bọn chúng đồng ý đưa tàu về Malaysia nhưng yêu cầu lực lượng chức năng phải giữ khoảng cách với tàu là 9 hải lý. Đến tối 18/6, 8 đối tượng mang tài sản của thủy thủ, hạ xuồng cứu sinh và lợi dụng đêm tối để chạy trốn vào vùng biển Việt Nam. Trên đường trốn chạy, chúng phát hiện lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam đang truy bắt nên đã ném toàn bộ vũ khí (2 khẩu súng và 8 con dao) xuống biển rồi điều khiển tàu vào đảo Thổ Chu (Phú Quốc). Ban đầu, chúng cho biết là đang đi câu thì gặp nạn trên biển nên phải chạy vào đảo.
Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam đã có mặt để đưa 8 đối tượng này cùng tang vật (gồm tiền mặt của Mỹ, Indonesia, Malaysia, Singapore, hàng chục điện thoại di động cùng rất nhiều dây chuyền vàng, trang sức, nữ trang đắt tiền khác) về cảng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 tại Phú Quốc để xác minh, làm rõ.
Khi đấu tranh, tám người này liên tục thay đổi lời khai, lúc thì khai nhận là thủ phạm của vụ cướp, lúc lại phủ nhận. Ghi nhận thực tế trong lúc lấy lời khai cho thấy trạng thái tinh thần của tám người này rất bình tĩnh, nhiều người vẫn mỉm cười trong lúc ghi lời khai. Có người biết tiếng Việt, tiếng Anh nhưng nhất định không nói hoặc giả vờ không biết viết chữ.
Lấy lời khai đối tượng Ruslan. |
Lực lượng Cảnh sát Biển đã phải đối chiếu, so sánh lời khai, phát hiện những mâu thuẫn trong lời khai của 8 đối tượng này để có hướng đấu tranh làm rõ. Ngoài việc làm rõ nguồn gốc các đồ vật, phương tiện của 8 đối tượng này (như 30 chiếc điện thoại di động, trang phục thủy thủ có nhãn hiệu Orkim…) Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển đã gửi ảnh chiếc xuồng mà bọn chúng dùng để cập đảo Thổ Chu cũng như ảnh 8 đối tượng cho Cảnh sát Biển Malaysia để đối chiếu, xác minh. Phía Malaysia đã xác nhận chiếc xuồng thuộc tàu bị cướp, và 8 đối tượng chính là những đối tượng trực tiếp cướp chiếc tàu Orkim Harmony
Sau khi có lời khai nhận về hành vi cướp tàu trên, hôm nay, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 sẽ tiến hành dựng lại hiện trường để củng cố hồ sơ, xử lý vụ việc
Hành trình truy bắt
Sau khi nhận được tin về vụ cướp biển, từ ngày 14/6, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 đã chỉ đạo các đội tàu đang làm nhiệm vụ trên biển chủ động nắm tình hình, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan thông qua trung tâm chia sẻ thông tin chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á (RECCAP).
17giờ ngày 17/6, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nhận được thông tin từ trung tâm điều phối cứu nạn hàng hải và thực thi pháp luật Malaysia về hướng đi và vị trí của tàu Orkim Harmony nhiều khả năng đang đi qua vùng biển Tây Nam của Việt Nam. Đến18 giờ ngày 18/6, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển tiếp tục nhận được thông tin của Malaysia về tọa độ tàu Orkim Harmony (lúc này đã được bọn cướp sơn lại, mang tên Kim Harmon) đang cách đảo Thổ Chu 23 hải lý về phía Tây Nam (thuộc vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam)
Phía Malaysia cũng cho biết đã điều một tàu hải quân, một tàu cảnh sát biển ra phía khu vực trên và đàm phán qua radio với cướp biển trên tàu Orkim Harmony. Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển lập tức điều thêm tàu CSB 2004 phối hợp cùng tàu CSB 2002 (đã đi trước đó) ra khu vực trên tiếp tục truy tìm. Phía Malaysia và không quân Úc cũng sử dụng thêm máy bay tìm kiếm.
8 đối tượng cướp biển bị Cảnh sát Biển Việt Nam bắt giữ. |
Đến 8 giờ ngày 19/6, Cảnh sát Biển Việt Nam tiếp tục nhận được tin các nghi phạm đã rời tàu Orkim Harmony bằng xuồng cứu sinh của tàu và đã sơn đen phủ số và ký hiệu của xuồng. Ít lâu sau thì Cảnh sát Biển nhận được thông tin từ Đồn Biên phòng Thổ Chu cho biết có một xuồng chở tám người nước ngoài khai bị nạn trên biển cập vào đảo.
Nhận định đây chính là xuồng của bọn cướp có vũ trang bỏ chạy từ tàu Orkim Harmony, Cảnh sát Biển đã đưa lực lượng nghiệp vụ và phiên dịch từ tàu CSB 2002, CSB 2004 lên đảo Thổ Chu phối hợp với Đồn Biên phòng Thổ Chu đấu tranh lấy lời khai các đối tượng
Phát biểu trên tờ Tuổi trẻ, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam cho biết: “Đây là vụ cướp có vũ trang, có tính chuyên nghiệp cao. Đối tượng rất manh động, đã bắn 1 thuyền viên bị thương và làm bị thương 11 thuyền viên khác. Vụ việc xảy ra có ảnh hưởng lớn đến dư luận quốc tế về an ninh hàng hải ở khu vực biển ASEAN. Tàu Orkim Harmony sau khi bị cướp đã được sơn lại, thay số IMO (số đăng ký hàng hải quốc tế), tắt AIS (hệ thống nhận dạng tự động) nên khó xác định, nhận dạng, trong khi đó mục tiêu luôn cơ động trên phạm vi rộng nên việc tìm kiếm gặp khó khăn.
Tuy nhiên, chính sự quyết tâm cao của Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, triển khai lực lượng kịp thời, tổ chức lùng sục, truy tìm liên tục đã góp phần tạo áp lực buộc bọn cướp bỏ trốn khỏi tàu.
Ngay khi có thông tin và yêu cầu của Malaysia, Cảnh sát Biển Việt Nam đã sử dụng lực lượng tham gia chống cướp biển, thể hiện trách nhiệm trước tình hình cướp biển đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, hành động này thể hiện Việt Nam tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về chống cướp biển, cướp có vũ trang tại khu vực châu Á mà Chính phủ ta đã ký kết tham gia”./.