4 năm phạt gần 5 tỷ đồng
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Tư pháp - đơn vị chủ trì soạn thảo, trong khoảng 4 năm thi hành Nghị định 110, tại Bộ Tư pháp đã ban hành 52 Quyết định xử phạt VPHC với số tiền là 577,5 triệu đồng. Tại các địa phương, Sở Tư pháp, UBND các cấp đã ban hành hơn 10 nghìn quyết định xử phạt VPHC bằng hình thức xử phạt tiền với tổng số tiền trên 4,2 tỷ đồng; ban hành 6.430 quyết định xử phạt VPHC với hình thức xử phạt là cảnh cáo.
Đồng thời, các địa phương (15/63 tỉnh) cũng đã áp dụng 200 biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính; hủy giấy tờ giả, hủy giấy tờ ban hành trái pháp luật; hủy bỏ hợp đồng, giao dịch trái pháp luật; thu hồi bằng cấp giả; hoàn trả tiền thu thừa cho người yêu cầu công chứng... Các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã ban hành 223 quyết định xử phạt VPHC với tổng số tiền hơn 92,4 triệu đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác xử lý VPHC một cách chính xác, đúng nguyên tắc xử lý thì Nghị định 110 còn có một số nội dung cách hiểu, cách áp dụng chưa thống nhất hoặc chưa được đồng thuận gây khó khăn cho việc xử lý VPHC.
Ngoài ra, hiện có nhiều Luật và Nghị định mới đã được ban hành với nhiều quy định liên quan đến xử phạt VPHC. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 110 và theo Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Hồng Diện, một nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau chính là quy định về hành vi vi phạm liên quan đến việc làm giấy tờ giả, sử dụng giấy tờ giả.
Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất đề nghị bỏ các hành vi liên quan đến hành vi làm giả giấy tờ của cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng giấy tờ giả thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự (BLHS). Loại ý kiến thứ hai cho rằng vẫn quy định hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ giả. Tuy nhiên, các hành vi cần được mô tả xác định rõ ranh giới để phân định giữa xử lý hình sự hoặc bị xử phạt VPHC để đưa ra hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp.
Phải quy định để xử lý vi phạm chưa đến mức truy cứu hình sự
Đại diện Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) phân tích: Trên thực tế, trong quá trình thanh tra, kiểm tra khi phát hiện được hành vi làm và sử dụng giấy tờ giả, căn cứ vào Điều 341 BLHS, cơ quan phát hiện hành vi vi phạm phải chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để điều tra, xác minh, làm rõ.
Tuy nhiên, có trường hợp cơ quan điều tra sau khi điều tra, xác minh, làm rõ, xét tính chất mức độ của hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu hình sự đã căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 8 BLHS và trả lại hồ sơ cho cơ quan phát hiện hành vi vi phạm để xử lý VPHC. Do vậy, cần quy định hành vi làm, sử dụng giấy tờ giả tại Dự thảo Nghị định này để có chế tài xử lý hành vi vi phạm trong những trường hợp trên.
Nhất trí việc quy định hành vi làm giấy tờ giả, sử dụng giấy tờ giả trong Dự thảo Nghị định, nhưng ông Lê Tuấn Phong (Văn phòng Bộ Tư pháp) lưu ý cần quy định sao cho tránh mâu thuẫn với BLHS. Đồng thời, rà soát các hành vi làm, sử dụng giấy tờ giả và mức phạt tại các Nghị định khác nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Ông Phong đơn cử, Nghị định 08 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giáo dục, nếu phát hiện hành vi làm, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả thì sẽ áp dụng Nghị định nào, hay mức phạt tại Nghị định 08 là từ 20 – 40 triệu đồng, trong khi Dự thảo Nghị định là 20 -30 triệu đồng…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh biểu dương sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo của đơn vị chủ trì soạn thảo. Theo đánh giá của Thứ trưởng và các thành viên Hội đồng, Dự thảo Nghị định bảo đảm tính hợp hiến, phù hợp với các điều ước quốc tế. Về tính thống nhất, đồng bộ thì cần phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu, chỉnh sửa các quy định, tránh trùng lặp và cập nhật các văn bản mới ban hành.
Liên quan đến hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ giả, Thứ trưởng nhấn mạnh phải tuân thủ đúng quy định tại Luật XLVPHC và đồng tình chỉnh sửa theo hướng mà Cục Quản lý xử lý VPHC đề xuất (quy định tại Dự thảo Nghị định để có chế tài xử lý hành chính với khung phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng).