Hành vi “thổi” giá, găm hàng vật tư y tế bị xử lý theo quy định nào?

(PLVN) - Trong bối cảnh cả nước đang dồn toàn lực để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) thì một số cá nhân, nhà thuốc lại găm hàng, tăng giá một số vật tư y tế. Theo các chuyên gia pháp lý, hành vi đó vừa vi phạm đạo đức, vừa vi phạm pháp luật.
Nhà thuốc Mạnh Đức (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bị rút giấy phép hôm 4/2 về lỗi găm hàng; không mở sổ theo dõi hoạt động mua, bán thuốc
Nhà thuốc Mạnh Đức (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bị rút giấy phép hôm 4/2 về lỗi găm hàng; không mở sổ theo dõi hoạt động mua, bán thuốc

Theo Luật sư (LS) Trần Bá Học (Đoàn LS TP HCM): “Thổi” giá khẩu trang y tế, thuốc sát trùng, vật tư y tế là vi phạm. Lý do, thứ nhất, hàng hóa phải niêm yết giá công khai và đăng ký giá tại Sở Tài chính. Thứ hai,  lợi dụng tình hình khan hiếm, dịch bệnh để găm hàng bán giá cao là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Điểm c khoản 2 Điều 10 Luật Giá đã quy định về “Hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá”: “Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý”.

“Việc đăng ký giá phải thực hiện không chỉ đối với nhà phân phối mà kể cả nhà sản xuất. Vì biết đâu, nhà sản xuất tăng giá buộc nhà phân phối cũng phải tăng theo”, LS Học nói.

Theo LS Học, nếu găm hàng, tăng giá mà không niêm yết công khai thì sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự về tội đầu cơ. Để xử lý hình sự thì phải định lượng về thu lợi bất chính, giá trị hàng hóa đầu cơ.

Căn cứ Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 (sửa đổi bổ sung một phần bằng Nghị định 49/2016/NĐ-CP) thì hành vi không niêm yết công khai giá hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị: “Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Nếu tái phạm sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Cũng trong Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn,  Điều 17 đã nêu rõ: “Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Còn có biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Vì vậy, theo LS Học, việc phạt hàng loạt tiệm thuốc như thời gian vừa qua là “còn nhẹ”.

 
Thông báo "không bán khẩu trang, đừng hỏi" của một số quầy tại chợ thuốc Hapulico bị đánh giá vô đạo đức
Thông báo "không bán khẩu trang, đừng hỏi" của một số quầy tại chợ thuốc Hapulico bị đánh giá vô đạo đức

Cùng quan điểm, LS Huỳnh Phước Hiệp thậm chí cho rằng hành vi găm hàng để tăng giá có thể bị xử lý hình sự về tội đầu cơ: “Tại sao, vì Thủ tướng đã công bố dịch, nên những mặt hàng nào liên quan đến phòng chống dịch bệnh đều có thể bị kiểm soát về giá. Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 “tội đầu cơ” quy định là “thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá”. Nhưng với quan điểm cá nhân, tôi thấy tại thời điểm này thì việc găm hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh đều có thể bị xử lý hình sự về tội đầu cơ nếu đủ yếu tố về định lượng. Theo đó, nếu hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng trở lên; hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử lý hình sự về tội đầu cơ”.

Ngày 1/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch đã yêu cầu phải giữ nguyên giá vật tư y tế và nhấn mạnh sẽ yêu cầu rút giấy phép bất kể hiệu thuốc nào tăng giá bán khẩu trang. Đánh giá về chỉ đạo này của Phó Thủ tướng, LS Hiệp khẳng định chỉ đạo này là có đầy đủ cơ sở pháp lý và cần phải thực hiện.

Tại Hà Nội, mới đây Công an Hà Nội đã lưu ý người dân khi phát hiện các cơ sở lợi dụng dịch bệnh để tăng giá cần thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc đường dây nóng của Tổng cục QLTT (1900.888.655) để cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Khẩu trang y tế thường ngày chỉ có giá từ 1 – 2 nghìn đồng/chiếc. Nhưng trong dịch bệnh, khi nhu cầu tăng cao, một số cửa hàng tăng giá gấp hàng chục lần. Khi bị cơ quan chức năng xử lý thì xuất hiện lời kêu gọi của facebooker Nguyễn Kim Dung đăng tải trong một hội nhóm y tế, không nhập hàng, không bán hàng với lời lẽ thô tục, vô văn hóa, vô đạo đức. Ngay hôm sau, các cửa hàng tại chợ thuốc Hapulico (Hà Nội) lại treo biển “không bán khẩu trang, nước rửa tay”.

Nhận xét về hành vi này của facebooker Nguyễn Kim Dung, LS Học cho rằng: “Xét về đạo đức kinh doanh thì quả là tồi tệ. Còn về mặt xử lý hành chính hay hình sự thì rất khó. Vì người này kêu gọi nhưng ý chí thuộc về các nhà thuốc, họ có thực hiện hay không? Ví dụ các nhà thuốc có thực hiện theo thì cũng không ảnh hưởng gì và khó xử lý người này”.  

Không đồng tình quan điểm này, LS Hiệp phản bác: “Hiện cả nước, từng nhà, từng người phải gồng mình chống lại dịch bệnh. Không chung tay góp sức thì thôi, sao lại có kiểu kêu gọi thất đức như vậy. Tôi cho rằng, cần có hình thức xử lý đối với facebooker Nguyễn Kim Dung”. LS Hiệp cho rằng cơ quan chức năng cần phải mời facebooker Nguyễn Kim Dung làm việc để làm rõ kêu gọi nhằm mục đích gì, có hay không nhằm mục đích găm hàng, tạo ra sự khan hiếm và để tăng giá một cách bất hợp lý, từ đó xem xét xử lý hành chính, hoặc thậm chí xem xét xử lý hình sự.

Đồng ý nhận định trên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên nói: “Trong lúc cả xã hội đang nỗ lực chống lại dịch bệnh thì đây là hành động vô đạo đức. Chúng tôi sẽ điều tra, xử lý đến cùng trường hợp này, thậm chí xem xét xử lý hình sự”.

Đọc thêm