Trong quan hệ giữa các quốc gia, mỗi khi lý trí chế ngự tình cảm đều là lúc nhận thức mới tác động quyết định hoặc khi tình thế không để cho có được sự lựa chọn nào khác, khi cái lợi ban đầu có được nhờ tình cảm lấn át lý trí trở nên bất cập hại và nếu muốn xoay chuyển tình thế thì không thể không hành xử theo sự mách bảo của lý trí.
Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel năm 2010 sau khi hải quân nước này tấn công con tàu Mavi Marmara đang tìm cách cập vào bờ biển dải Gaza để cứu trợ nhân đạo cho người Palestin sống trên đó. Israel phong tỏa hoàn toàn dải bờ biển này từ lâu nay. Cuộc tấn công của Israel khiến 10 nhà hoạt động nhân đạo người Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt mạng.
Ông Erdogan, khi đó là thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố chỉ bình thường hóa trở lại quan hệ ngoại giao với Israel sau khi Israel chấm dứt hoàn toàn việc phong tỏa bờ biển dải Gaza. Ông Erdogan khi ấy ở thế thượng phong ở cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn trong khu vực và được coi là nhà lãnh đạo của cả khu vực với quan điểm ủng hộ Palestin.
Bây giờ, Israel chỉ cần bồi thường thiệt hại và đáp ứng một vài điều kiện phụ khác nữa của Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải chấm dứt việc phong tỏa bờ biển dải Gaza thì cũng đã được Thổ Nhĩ Kỳ với ông Erdogan trên cương vị tổng thống chấp nhận bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Trong thực chất, chính phủ Israel cũng đã phải công nhận sai phạm và trách nhiệm.
Sáu tháng trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đã vi phạm không phận của mình trong khoảng thời gian có vài giây đồng hồ. Nga đòi Thổ Nhĩ Kỳ phải chính thức xin lỗi nhưng ông Erdogan không chịu.
Vì thế, Nga áp dụng những biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về kinh tế và thương mại, không cho du khách Nga tới du lịch Thổ Nhĩ Kỳ và cự tuyệt mọi tiếp xúc, đối thoại chính trị. Bây giờ, ông Erdogan phải nói ra lời xin lỗi Nga để đổi lấy cuộc điện thoại của tổng thống Nga Vladimir Putin và việc Nga dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt đã áp dụng.
Đối với cả ba nước này, vấn đề trước hết là thể diện. Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đều phải chấp nhận mất thể diện, Israel với Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ với Nga. Nếu lý trí không thể ngự được tình cảm thì họ không thể làm nổi việc ấy. Cả Nga cũng để lý trí thắng tình cảm khi không nhận được thế lấn tới đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đến chân tường.
Thổ Nhĩ Kỳ và Israel phải chấp nhận và hành xử như vậy vì đều muốn nhanh chóng thoát ra khỏi tình cảnh bị cô lập ở khu vực và khó khăn về kinh tế và an ninh. Israel và Thổ Nhĩ Kỳ cần nhau làm đồng minh và đối tác, để cùng đối phó với hoạt động khủng bố của các lực lượng Hồi giáo cực đoan, để cùng theo đuổi ý đồ lật đổ tổng thống Basher al-Assad ở Syria và để khôi phục quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại nhằm khắc phục những thách thức về kinh tế xã hội ở trong nước.
Hai nước này có nhu cầu tranh thủ Nga bởi Nga là đồng minh quan trọng nhất của ông Assad ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ phải hòa giải với Nga vì đã thấm thía sự trừng phạt của Nga. Nga chấp nhận hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ để phân hóa Thổ Nhĩ Kỳ với những nước ở trong cũng như ngoài khu vực chống đối ông Assad ở Syria và găng với Nga do chuyện xảy ra ở Ucraine và Crimea. Lý trí thắng tình cảm chính vì những nhu cầu cấp bách và lợi ích thiết thực này...