Tọa lạc tại ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cây lộc vừng cao khoảng 22m, đường kính gốc khoảng 8m, tán rộng chừng 100 m2 ngụ trên phần đất của ông Lê Văn Út và một phần nhánh lan sang phần đất của ông Lê Bé Ba. Người dân quanh đây quen gọi là cây Vừng. Con rạch dài hơn 3km nằm cách đó khoảng 150m có lẽ cũng "ăn theo" cây này nên lấy tên là rạch Cây Vừng.
Theo người dân địa phương, cây lộc vừng cổ thụ này được trồng hàng trăm năm trước, gắn liền với quá trình khẩn hoang và hình thành vùng đất Nam bộ. Đến các bậc cao niên trong ấp cũng chẳng biết rõ cây này được trồng từ khi nào và duyên cớ tại sao trong ấp lại có một cây lộc vừng “khổng lồ” như thế.
Cây lộc vừng hàng trăm năm tuổi. |
Ông Cao Văn Sự (người đang trông coi, bảo tồn cây lộc vừng) cho biết: “Từ nhỏ tôi đã thấy cây lộc vừng này sừng sững ở ngoài vườn. Tôi nghe những bậc cao niên kể lại cây này có từ lâu lắm, nhưng không ai biết chính xác từ khi nào”. Trước đây, thân chính của cây rất to nhưng vì gió bão, thân cây mục dần. Hiện nay chỉ còn 2 nhánh phụ đâm chồi, tỏa bóng sang xung quanh.
Theo lời các thế hệ trước truyền lại, cây lộc vừng này mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của tổ tiên, cha ông nơi đây. Vì vậy rất được mọi người trân trọng, giữ gìn và chăm sóc. Người dân địa phương, xem đây là một cây cổ thụ linh thiêng.
Có nhiều giai thoại, ly kỳ, huyền bí gắn với thời khai hoang lập ấp nên từ xa xưa người dân đã miếu thờ cạnh gốc cây, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng được bội thu, cư dân no đủ. Hằng năm, cứ vào ngày 16/3 âm lịch, người dân địa phương lại long trọng tổ chức lễ cúng thần, cúng bà với những nghi thức múa, hát đờn ca tài tử…mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người dân Nam Bộ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cây lộc vừng đã trải qua biết bao mưa bom bão đạn của chiến tranh. Do bị trúng bom nên phần gốc cây đã bị thủng một lỗ rất to. Tuy nhiên, cây vẫn hiên ngang phát triển xanh tươi, tỏa nhánh um tùm.
Mỗi ngày có khoảng 50 – 60 khách đến tham quan, cúng bái và chiêm ngưỡng cây lộc vừng. Đến những ngày rằm, 30 hàng tháng và lễ tết thì du khách đến đông nườm nượp, có khi hàng trăm, hàng ngàn người lui tới. “Đặc biệt, thời gian này, khi cây ra hoa đỏ rực lại càng cuốn hút và “níu chân” du khách đến tham quan. Không chỉ thu hút người dân trong tỉnh mà nơi đây còn lôi cuốn du khách thập phương từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, TP HCM… đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Người dân cho biết, mỗi năm cây chỉ ra hoa một lần, nhưng kéo dài đến vài tháng. Hàng năm, cây nở hoa vào khoảng tháng 7 âm lịch nhưng năm nay khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6 âm lịch cây đã ra hoa. Cây bắt đầu trút hết lá già, khoe những lá non xanh mơn mởn. Ban đầu chỉ là nụ rất nhỏ, rồi nhiều và dài dần ra thành những chùm hoa dài 4 – 5 tấc đung đưa, tạo nên nét thi vị tuyệt vời. Năm nào cũng vậy, độ mùa hoa nở cây lại khoác lên mình một chiếc áo màu đỏ rực cả một vùng quê thanh bình, trông rất đẹp.
Việc cây nở hoa sớm làm cư dân địa phương vô cùng phấn khởi, bởi theo họ đó là dấu hiệu của một mùa bội thu, làm ăn khấm khá, cuộc sống no đủ. Chị Nguyễn Thị Phương (48 tuổi, sống gần cây lộc vừng) cho biết: “Năm rồi cây không ra hoa, mùa vụ thất bát. Năm nay cây ra hoa, chúng tôi hoàn toàn có niềm tin vào môt vụ mùa thắng lợi, cuộc sống sung túc”.
Đến từ quận 10, TP HCM, bà Dương Thị Kim Ngọc cũng cặm cụi với hái những nhánh lá, cành hoa lộc vừng. “Cây lộc vừng này linh thiêng lắm, cầu được ước thấy nên tôi hái lộc về cầu mong gia đình được bình an, may mắn, an khang thịnh vượng”, bà Ngọc chia sẻ.
Ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã quy hoạch một khu đất hơn 3.000m2 để bảo tồn cây quý này. Ngôi miếu tạm bợ cạnh gốc cây trước đây đã được di dời ra gần đó và xây dựng khang trang thờ Bà Chúa Xứ và Phật Quan âm.