Hát bội vẫn còn đất sống

(PLVN) - Giữa muôn vàn cái hay, cái mới mẻ của một thời đại công nghệ, người trẻ chỉ cần một chiếc smartphone là có thể vô tư thưởng thức những “món” nghệ thuật hiện đại, độc đáo và đa dạng trên toàn thế giới. Dường như những loại hình mang tính truyền thống, dân gian như hát bội, cải lương chưa đủ sức kéo người xem về phía mình, song không phải vì thế mà hết đất sống. 
Lối diễn xuất của hát bội nặng tính ước lệ, điệu bộ đi đứng đều biểu lộ
Lối diễn xuất của hát bội nặng tính ước lệ, điệu bộ đi đứng đều biểu lộ

Độc đáo hát bội 

Hát bội (còn gọi là hát bộ hay tuồng) được đánh giá là bộ môn nghệ thuật sân khấu mang tính ước lệ cao, phức tạp trong lối hát, điệu múa và đòi hỏi người hát không chỉ ở năng khiếu, kỹ thuật diễn mà phải có một lòng yêu nghề nồng nhiệt.

Ngày xưa, tuồng vốn chỉ hát trong cung đình, cho vua chúa và quan lại xem. Sau này, nó xuất hiện trong dân gian là bởi lẽ, người ta quan niệm “sống làm tướng, thác làm thần”, nên loại hình này được đem diễn ở các đình làng, nơi thờ các vị tướng, vị thần.

Ban đầu, tuồng chỉ xuất hiện ở miền Bắc, sau đó dần “bôn ba” vào miền Nam, từ tên gọi hát tuồng cũng chuyển thành hát bội (hay hát bộ). Hát bộ, từ “bộ” nghĩa là bộ tịch, ý chỉ động tác, diễn xuất. Còn tên hát bội, từ “bội” này nằm trong “thập bội”, nghĩa là hơn gấp nhiều lần, ý chỉ đây là loại hình nghệ thuật cao hơn những nghệ thuật khác.

Khi hát bội vào miền Nam, cách hát được biến tấu khác đi, sáng tạo theo bài bản riêng, màu sắc riêng. Người ta sẽ dựa theo một số giai điệu của đờn ca tài tử như bài đờn Nam Xuân, Nam Ai, Xuân Nữ... làm nên chất riêng của hát bội Nam Bộ. Theo thời gian, hát bội ở 3 miền dần có nét độc đáo, đặc trưng riêng biệt. 

Chưa đủ sức kéo người xem

Giữa muôn vàn cái hay, cái mới mẻ của một thời đại công nghệ, người trẻ chỉ cần một chiếc smartphone là có thể vô tư thưởng thức những “món” nghệ thuật hiện đại, độc đáo và đa dạng trên toàn thế giới.

Dường như những loại hình mang tính truyền thống, dân gian như hát bội, cải lương, múa rối... chưa đủ sức kéo người xem về phía mình. Tuy nhiên, hát bội vốn chủ yếu phục vụ cho các lễ hội, đình thần nên khi nào vẫn còn lễ hội, vẫn còn cúng đình thì khi đó hát bội vẫn còn đất sống.

Ở phương diện khác, có thể thấy cải lương và hát bội cùng là nghệ thuật trình diễn dân tộc. Ở tuồng, người ta chú trọng thủ pháp khoa trương cách điệu và ước lệ tượng trưng. Lối diễn nặng hơn cả cải lương hồ quảng, trong khi cải lương hồ quảng diễn nặng hơn cải lương.

Khán giả vẫn còn mê hát bội
Khán giả vẫn còn mê hát bội

Bởi vậy, cải lương dễ học, dễ diễn hơn hát bội rất nhiều. Đây là lí do để giải thích vì sao người ta đặt hát bội là môn nghệ thuật có tầm cao hơn những nghệ thuật khác. Thay vì trong cải lương người ta “hò ơi” thì hát bội phải “ư ử ư”. 

Nếu người hát hát không đúng tiết tấu thì người nghe chỉ nghe mấy từ “ư ư” mà không hiểu gì, nghe không rõ lời. Không phải “ư” ở đâu cũng được, mà phải có nhịp phách đàng hoàng. Dẫn chứng như câu: “Thập vạn ư hùng ư binh ử ử ư đáo trận ư ự tiền”, “Giục mã a phi đề quốc khúc tự đào khê mang ừ nới lộ”.

Ngày xưa, vì người ta thường hát theo truyện Tàu nên những câu từ mang đậm văn nho và đôi khi người hát họ chỉ biết câu là vậy thôi chứ cũng không hiểu hết, không dịch hết được đâu. Sau này, khi dạy lại cho con cháu, người ta bắt đầu viết lại những lời văn mới cho dễ hiểu.