Ông Nguyễn Văn Khai, Trưởng ban lễ hội cho biết, lễ hội diễn ra ngày 14-16 tháng 10, từ năm 1952. Thời điểm đó, xã này xảy ra dịch thủy đậu chết hàng loạt người nên Ông Cả làng mới lập dàng cúng và hứa sẽ cúng chay vào dịp rằm Hạ Nguyên...
Cổng làm lễ |
Ngày 16 âm lịch, người dân trong xã bày biện các bàn thờ cúng để hưởng ứng lễ Cúng Chay ở đình An Hòa. Các xe hoa đăng diễu hành qua các đường trong xã.
Người dân sẽ thực hiện lễ thỉnh tro Chùa Phật rồi đến các lễ nghi đặc trưng của những người trong vùng tại đình làng. Nghi lễ có dâng hương, đăng trà, quả 3 lần, có một đồng nữ xướng ca ngôn (ca kệ giống như hát bội). Người dân địa phương và du khách đến thắp hương, tham gia lễ hội. Cả một vùng mang không khí, màu sắc đặc trưng của lễ hội độc đáo.
Đặc biệt, vào tối 16 âm lịch còn diễn ra lễ hội hát bội. Gánh hát bộ (hát bội) An Hòa được thành lập từ năm 1976, do đôi bạn nông dân làng Bến Gỗ (xã An Hòa, TP.Biên Hòa) Nguyễn Văn Làm (còn gọi là Ba Làm) và Bùi Văn Tô (Bảy Tô) sáng lập, làm bầu, soạn tuồng.
Là nông dân làng Bến Gỗ, vì đam mê hát bộ, hai ông Ba Làm và Bảy Tô đã quy tụ các nông dân trong làng lập nên gánh hát để diễn tuồng cho dân làng xem. Dưới sự dìu dắt của hai ông, các nông dân làng Bến Gỗ năm ấy ngày làm đồng, tối về tụ tập tại nhà ông Ba Làm hóa thân vào các vai vua chúa, tướng lĩnh, công hầu. Cứ thế, hằng năm, đến dịp lễ hội, gánh hát bộ lại diễn cho bà con thưởng thức.
Sáng 17 âm lịch diễn ra lễ cúng cô hồn ở đình với những tiếng trống lân rộn rã. Các trò chơi dân gian như lễ hội đua thuyền, bắt vịt trên sông cũng lần lượt diễn ra bên cạnh đình An Hòa. Các cỗ bánh dự thi được thỉnh về khu vực trai đàng để nhận giải thưởng của ban tổ chức.
Lễ hội đua thuyền, bắt vịt |
Trong những hoạt động diễn ra lễ hội, phải kể đến hoạt động độc đáo và là niềm tự hào nhất của người dân nơi đây là lễ hội đua thuyền. Nằm bên cạnh con sông Đồng Nai nên từ xa xưa, người dân làng Bến Gỗ xã An Hòa đã gắn bó cùng sông nước. Sống bằng nghề đánh cá, từ đó bơi thuyền cũng là một phần trong cuộc sống nơi đây, cứ nhắc đến bơi thuyền là từ già đến trẻ trong xã ai cũng hào hứng tham gia.
Theo các cụ cao tuổi tại làng Bến Gỗ xã An Hòa, bơi thuyền vốn có từ lâu đời và sau năm 1975, tức sau giải phóng, bộ môn bơi thuyền của xã phát triển rất mạnh, thường xuyên tham gia thi đấu tại các giải đua thuyền do tỉnh tổ chức và đều đạt giải cao. Tuy nhiên có một giai đoạn dài bộ môn này không được tổ chức thường xuyên, dần dần bị mai một khiến các đội đua thuyền của xã An Hòa gần như tan rã hoàn toàn. Họ chỉ tổ chức đua thuyền vào các dịp lễ hội hàng năm nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa.
Giây phút náo nhiệt nhất của lễ hội Làm Chay là sau phần cầu siêu của các nhà sư, lúc 17h ngày 17 âm lịch, khi nghi thức xô giàn thí thực diễn ra. Hình nộm ông Tiêu (Tiêu Diện Đại Sĩ), vị Bồ Tát chuyên hàng yêu phục quỷ được đốt cháy trong chốc lát, những người tham gia lễ hội tràn qua hàng rào để tranh các cỗ bánh, trái cây với mong muốn mang lộc về nhà. Gọi là tranh nhau nhưng tuyệt tối không có chuyện giẫm đạp, xô xát...
Lễ Xô - Giàn diễn ra cuối ngày để kết thúc lễ hội trong niềm vui của dân làng |
Trong lễ hội, người dân nơi đây luôn mời khách thưởng thức một loại thức uống đặc sản là loại rượu tự nấu với kinh nghiệm 300 năm truyền lại, hương vị đặc trưng mà danh tiếng lan các vùng lân cận - Rượu Bến Gỗ.
Từ một tín niệm Phật giáo, kết hợp với tín ngưỡng dân gian và cả tôn giáo khác, người dân xã An Hòa đã sáng tạo nên một lễ hội đậm chất nhân văn, tưởng nhớ các vong linh, những anh hùng chiến sĩ đã ngã xuống ở mảnh đất giàu truyền thống này, một lễ hội mang vẻ đẹp thuần phác của miền Nam.