Hầu hết các huyện đều đã dành vốn ủy thác cho vay chính sách

(PLO) - Riêng trong năm 2016, số vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) để bổ sung nguồn vốn cho vay tăng 1.888 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2015, đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đến nay đạt 6.783 tỷ đồng. Không chỉ ở cấp tỉnh, mà hầu hết các huyện đều tham gia công tác này. 

Tín dụng chính sách tăng cả lượng và chất

Hai năm trước, khi Chỉ thị 40 – CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội mới được ban hành, NHCSXH tỉnh Thái Bình đã bám sát nội dung Chỉ thị, căn cứ vào đặc điểm, tình hình, điều kiện cụ thể tại đơn vị, chi nhánh đã chủ động báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy về triển khai Chỉ thị trên địa bàn tỉnh. Sau khi Tỉnh ủy  ban hành công văn chỉ đạo và UBND tỉnh ban hành văn bản thực hiện, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tham mưu với Trưởng Ban đại diện HĐQT triển khai Chỉ thị, chủ động làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đưa nội dung Chỉ thị vào Bản tin nội bộ phục vụ sinh hoạt chi bộ tại 11.189 chi bộ trong toàn tỉnh.

Sau hai năm triển khai Chỉ thị, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhận thức rõ rệt hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Từ đó, đã đưa công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hoạt động  thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền các địa phương, thường xuyên chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Ông Vũ Văn Thuân – Phó Giám đốc NHCSXH Thái Bình – cho biết, song song với công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được duy trì và nâng cao cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt ngay sau khi có Chỉ thị 40 – CT/TW, NHCSXH Thái Bình đã tham mưu cho Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh triển khai nội dung kiểm tra thực hiện Chỉ thị 40 – CT/TW trong Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2015, 2016. Sau hai năm, 100% Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện cũng như các Phòng giao dịch NHCSXH huyện, Hội sở NHCSXH tỉnh... đã thực hiện công tác kiểm tra, giám sát những hoạt động liên quan đến tín dụng chính sách đặc biệt kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị.

Thực hiện Chỉ thị, HĐND, UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã quan tâm, bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn với tổng số tiền chuyển sang NHCSXH sau khi có Chỉ thị của Ban Bí thư là hơn 9,55 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ủy thác đầu tư toàn tỉnh đến nay là hơn 19,970 tỷ đồng.

Khẳng định sự đồng thuận, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp 

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40 – CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, năm qua, NHCSXH đã tích vực làm việc với các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40 – CT/TW. Các tỉnh, thành phố trong cả nước đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc và nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH. Tính đến 31/12/2016, tổng giá trị hỗ trợ đạt trên 3.000 tỷ đồng, trong đó riêng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn từ khi có Chỉ thị số 40 – CT/TW đến nay là 2.981 tỷ đồng, tăng 74,3% so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Riêng trong năm 2016, vốn ủy thác tăng 1.888 tỷ đồng, tăng 35,8% so với năm 2015, đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đến nay đạt 6.783 tỷ đồng. 

Bên cạnh việc tăng ấn tượng nguồn vốn ủy thác, việc thực hiện Chỉ thị 40 – CT/TW đã tạo được sự đồng thuận và quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với tín dụng chính sách, nâng cao trách nhiệm trong việc thực thi, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của mình.

“Năm 2016 cũng là năm triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách đã được triển khai đến tận từng chi bộ tại các địa phương quan tâm chỉ đạo phối kết hợp để quản lý vốn tín dụng cho hộ nghèo, chính sách được chất lượng hơn. Đặc biệt, năm qua nguồn vốn của các địa phương chuyển sang cho NHCSXH cũng tăng đột biến, đạt 1.888 tỷ đồng, bằng 5 năm trước cộng lại. Không chỉ ở cấp tỉnh, mà hầu hết các huyện đều tham gia công tác này” – ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết. 

“Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa” -  Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh đánh giá của Ban Bí thư  tại Chỉ thị số 40-CT/TW  ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tại Hội nghị tổng kết tín dụng chính sách tại Tây Bắc. 

Đọc thêm