Hậu quả nhãn tiền do ồ ạt xây dựng thủy điện ở Tây Nguyên

(PLVN) - Hạn hán diễn ra phức tạp tại khu vực Tây Nguyên những năm gần đây không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân mà còn khiến hệ thống thủy điện bị khủng hoảng. Nhiều thủy điện phải dừng hoạt động, một số khác chỉ hoạt động cầm chừng.
Hậu quả nhãn tiền do ồ ạt xây dựng thủy điện ở Tây Nguyên

Thiếu nước, thủy điện hoạt động cầm chừng

Khu vực Tây Nguyên là đầu nguồn các con sông chảy ra Biển Đông, thuộc ven biển miền Trung. Tây Nguyên có nguồn tài nguyên nước dồi dào, phong phú với 4 hệ thống sông chính: Sê San, Sêrêpốk, sông Ba và sông Đồng Nai; khá thuận lợi trong việc phát triển thủy điện, thủy lợi. Hiện nay, số lượng thủy điện vừa và nhỏ ở Tây Nguyên nâng lên vài trăm dự án (DA).

Hiện nhiều thủy điện ở khu vực Tây Nguyên phải dừng hoạt động, một số khác chỉ hoạt động cầm chừng. Trên lưu vực sông Ba - dòng sông lớn nhất Tây Nguyên, hồ thủy điện Ka Nak (tỉnh Gia Lai) đầu tháng 3 chỉ còn khoảng 40 triệu m3 nước, tức chỉ 11% dung tích thiết kế.

Do tập trung ưu tiên nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở hạ du, Nhà máy Thủy điện An Khê đã dừng phát điện từ cuối năm 2019, chỉ hoạt động một số thời điểm để có nước cứu hạn cho huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Còn Nhà máy Thủy điện Ka Nak thì hoạt động cầm chừng phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân tỉnh Gia Lai. Do vậy từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng điện của cả hệ thống thủy điện An Khê - Ka Nak chỉ đạt hơn 4 triệu kWh, tương đương với một ngày phát điện trong mùa mưa.

Cũng giống như ở sông Ba, các thủy điện trên lưu vực sông Sêrêpôk - dòng sông lớn thứ hai ở Tây Nguyên, chảy qua hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cũng đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì thiếu nước.

Trong khi đó, các thủy điện nhỏ hơn bị tê liệt vì hồ chứa nước cạn khô. Tại tỉnh Đắk Lắk đã có 2 thủy điện thông báo phải dừng hoạt động do không có nước là thủy điện Ea Đrăng 2 (6MW) và Thủy điện Ea Tul 4 (6MW).

Nhiều hệ lụy

Không thể phủ nhận cái được của các DA thủy điện ở Tây Nguyên thời gian qua đã cung ứng điện năng, điều tiết nguồn nước giữa mùa lũ và mùa cạn, phục vụ thủy lợi; phát triển cơ sở hạ tầng góp phần đổi thay bộ mặt dân cư vùng sâu, vùng xa và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương...

Tuy nhiên, việc ồ ạt xây dựng thủy điện trên các sông lớn của Tây Nguyên đã gây ra nhiều hệ lụy đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên; được điện thì mất rừng; hạn hán, lụt lội, lũ quét, sạt lở sông, suối luôn đe dọa...

Sông Krông Nô là ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Trên sông có 2 DA thủy điện là Buôn Tua Srah và Chư Pông Krông. Từ một năm trước, dòng chảy trên sông Krông Nô hoàn toàn thay đổi, khiến nước sông bắt đầu cạn kiệt. Nguyên nhân là do trong quá trình xây dựng DA thủy điện Chư Pông Krông, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc (Đắk Lắk) đã nạo vét, tác động vào lòng sông.

Hoạt động này vô tình nắn dòng chảy của sông Krông Nô lệch hẳn về phía bờ sông thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Vì vậy, trạm bơm D12 nằm phía bờ sông thuộc địa phận Đắk Nông đã lâm vào cảnh hụt chân, thiếu nước. Bước vào mùa hạn năm nay, trạm bơm tê liệt, không thể bơm nước lên đồng, nhiều cánh đồng nứt nẻ, khô khát. 

Ngoài ra, tác động của hai thủy điện này khiến hàng chục km bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, lòng sông ngày một phình to, nhiều diện tích đất sản xuất, nhà cửa và công trình của người dân 6 xã ven sông đều bị sạt lở... Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông nhận được phản ánh của huyện Krông Nô về việc thủy điện Chư Pông Krông chưa hoàn tất thủ tục pháp lý nhưng đã triển khai xây dựng. Vụ việc đang được xác minh, làm rõ. 

Đây chỉ là một trong những ví dụ về việc thủy điện tác động tiêu cực đến nông nghiệp và đời sống người dân. 

Do xây dựng dày đặc trên các dòng sông đã làm thay đổi lưu lượng dòng chảy và từng xảy ra sự cố về thủy điện như việc vỡ bờ kênh thủy điện Sêrêpốk 4A vào năm 2013 - 2014 tại khu vực buôn Yang Bông, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn), gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu và tài sản của nhân dân. Hạ lưu đập Buôn Tua Srah xói lở kéo dài đến 30km.

Các nhà máy thủy điện như An Khê - Kanak, Đa Nhim, Đại Ninh và Thượng Kon Tum chuyển nước từ các sông chưa tính đến hệ lụy nước mặn xâm nhập sâu vào sông Đà Rằng, sông Đồng Nai, gây ra đoạn sông khô ở hạ lưu đập, ảnh hưởng tới môi trường, sinh thái cũng như việc khai thác sử dụng nước.

Khi xây dựng 2 nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4 và 4A phía thượng lưu dòng sông Sêrêpốk, nhà máy đã chặn dòng khiến hơn 22km dòng sông chảy qua vùng lõi vườn và Khu Du lịch văn hóa - sinh thái Buôn Đôn bị cạn kiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái động, thực vật. Năm 2017, Sở Công Thương Đắk Lắk đề xuất UBND tỉnh cho xây dựng một con đập chặn ngang dòng sông tại khu vực buôn Trí A, Krông Ana, Buôn Đôn để giữ nước cho đoạn sông bị khô kiệt, nhưng không khả thi.

Gia Lai có 74 thủy điện vừa và nhỏ được quy hoạch, bổ sung và điều chỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã mạnh dạn loại khỏi quy hoạch 17 DA thủy điện, dừng vận hành 2 thủy điện và 14 DA thủy điện khác có trong quy hoạch nhưng chưa có chủ trương đầu tư.

Tỉnh Kon Tum đã loại bỏ 48 DA thủy điện ra khỏi quy hoạch, trong đó có 6 vị trí không đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư vì công suất nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp; tập trung ở các huyện Đăk Glei, Kon Plong, Kon Rẫy, Đăk Hà và Ngọc Hồi.

Đọc thêm