Hậu show Khánh Ly: "Ăn vạ" - cơ chế thỏa thuận dân sự về tác quyền?

(PLO) -  Làng giải trí Việt lại thêm nhiều xấu xí, qua vụ việc người nhạc sĩ dắt theo một nhà văn đến đòi tiền tác quyền của một chương trình ca nhạc đang diễn ra.
Chưa bàn chuyện đúng sai của vụ việc, hành động nói trên quả là điều rất xa lạ so với chuẩn mực thông thường, của một ứng xử được xem là có văn hóa. Bởi dù muốn dù không, đám đông lẫn an ninh và tính cấp bách của sự kiện đã được lợi dụng như một thứ vũ khí mà người đòi muốn gây áp lực lên người phải trả. Bất cứ nhà tổ chức nào cũng đều sợ hãi những chuyện không hay xảy ra bên lề không gian thính phòng, dễ dàng đánh hỏng cảm xúc của người trình diễn lẫn người hưởng thụ nghệ thuật, vốn đang cùng mưu cầu phương tiện nghệ thuật sẽ đưa đến sự thăng hoa có tính gột rửa tâm hồn.

Ngạc nhiên nhất là chuyện ồn ào lại xảy ra giữa những người nghệ sĩ, cả đi đòi lẫn bị đòi, vốn không hề xa lạ nhau trong môi trường sinh hoạt nghệ thuật nhỏ bé. Chỉ có người trình diễn trên sân khấu lẫn người ngồi dưới khán phòng, là mang sự vui mừng, bỡ ngỡ và cả nỗi tò mò dài hơn nửa đời người, gần 40 năm. Nhưng từ sau cánh gà, những tiếng vọng vang lên có chủ đích, nào là chuyện vé bán ế, hai show diễn quá gần nhau, trời mưa, nào là chây ì tác quyền, tự áp đặt giá..., có sức mạnh hủy diệt sân khấu thành thánh đường tội nghiệp của những niềm vui nhỏ bé và biết nâng niu.

 

Câu chuyện một lần nữa lại nhắc nhớ công chúng về những bất ổn đang diễn ra ở cơ chế thỏa thuận dân sự về tác quyền hiện nay. Những ứng xử khinh suất, thiếu kiềm chế hay kém văn hóa...đều chứa nguy cơ biến thỏa thuận thành cuộc ngã giá, gột đi lớp son phấn và phơi ra chân dung trần trụi và xấu xí của người nghệ sĩ.

Xét từ góc độ kinh tế, sẽ không ai chấp nhận cho một tổ chức dân sự - đại diện cho các nhạc sĩ đã ủy quyền cho họ - đơn phương đưa ra một mức phí tác quyền với giá "cắt cổ", bóp nghẹt ngành công nghiệp ghi âm và biểu diễn. Đặc biệt là khi mức giá này được "hợp lẽ hóa", "không bàn cãi" qua việc tổ chức dân sự phô trương mình như thể đại diện duy nhất cho toàn bộ giới sáng tác, thông qua đó làm hạn chế các thỏa thuận cá nhân giữa nhà tổ chức và người sáng tác trong và ngoài ủy quyền, vốn khiến họ mất đi doanh thu có được từ phần chia lại tiền tác quyền với tác giả.

Tất nhiên, cũng không ai chấp nhận các đơn vị thu âm và tổ chức biểu diễn "xài chùa" sáng tạo của những người khác để thu lợi. Chủ động tiến hành thỏa thuận với chủ sở hữu/ hoặc đại diện tác quyền, không chỉ là việc làm được luật pháp yêu cầu, mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với sáng tạo của nghệ sĩ.

Trở lại câu chuyện nói trên, mặc dù Nhà nước bằng luật pháp đã đảm bảo cho thỏa thuận phí tác quyền phải diễn ra giữa hai bên, theo đúng trình tự quy định, nếu cần có thể dẫn nhau tới tòa án.

Nhưng thực tế, người ta đã thấy trong cuộc mặc cả - mà người mua cần được giá rẻ nhất, và người bán muốn bán giá cao nhất, hai bên đã không đạt được thỏa thuận cho tới trước giờ diễn ra sự kiện. Báo chí, truyền thông được bên bán viện tới nhằm "rốt ráo" giá cả với bên mua, trong bối cảnh dư luận ủng hộ ứng xử văn minh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Thế nên, công chúng cũng có quyền hiểu đây là cách người bán không chỉ làm "xấu mặt" người mua, mà còn "được giá" theo cách nhanh nhất, có dáng vẻ của vụ "ăn vạ" nổi tiếng trong văn chương.

Câu chuyện tác quyền ở đây chủ yếu liên quan đến âm nhạc của một cố nhạc sĩ mà đến nay đã trở thành di sản tinh thần của nhiều thế hệ người Việt. Những người thừa kế muốn khai thác triệt để khả năng thương mại của di sản này, hay để nó lan tỏa sâu rộng trong đời sống, chắp cánh băng qua thời gian, lại cũng là câu hỏi mà lời đáp nằm ở chuyện văn hóa.