Hậu trường chuyện doanh nghiệp không muốn đòi Nhà nước bồi thường

Khi đối mặt với những thiệt hại do phía cơ quan nhà nước gây ra, thay vì chuẩn bị chứng cứ để đòi bồi thường, doanh nghiệp vẫn chấp nhận “chạy chọt” mong “chuyện lằng nhằng” chóng qua.

Khi đối mặt với những thiệt hại do phía cơ quan nhà nước gây ra, thay vì chuẩn bị chứng cứ để đòi bồi thường, doanh nghiệp vẫn chấp nhận “chạy chọt” mong “chuyện lằng nhằng” chóng qua.

Những doanh nhân dám đeo đuổi vụ kiện đòi bồi thường đến cùng như ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ảnh: MH
Những doanh nhân dám đeo đuổi vụ kiện đòi bồi thường đến cùng như ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ảnh: MH.

Gặp chuyện, nhớ “anh Hai, anh Ba”

Trước khi viết bài này, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với 20 DNNVV trên địa bàn Hà Nội. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là chỉ có một trong số đó cho hay, DN có thuê luật sư và biết ít nhiều về thủ tục bồi thường nhà nước, trong khi đại diện các DN còn lại hầu như chẳng có thông tin gì về luật này. Ông Trần Sơn, đại diện Cty thương mại SHD, cho hay, cập nhật thông tin về bồi thường nhà nước là để “biết và phòng thân”, nhưng cũng như đa phần các DN khác, khi gặp vấn đề gì với cơ quan nhà nước, điều đầu tiên ông nghĩ đến là tới gặp “anh Hai, anh Ba”.

Tâm lý ngại cơ quan nhà nước dường như đã trở thành tâm lý thường trực của nhiều DN, đặc biệt là DNNVV. “Mình làm ăn, DN phải vận động hàng ngày, nên rất ngại “được vạ thì mà sưng”. Thôi thì, chạy cho xong, êm thấm sớm ngày nào mừng ngày đó” – ông Sơn nói. Ông Sơn một lần nữa nhắc “trường hợp Hoàng Minh Tiến” để làm ví dụ cho việc pháp luật về bồi thường nhà nước chưa thực sự là “phao cứu hộ” đối với các DN nhỏ như DN của ông.

Là người quan tâm tới lĩnh vực này, luật sư Ngô Văn Hiệp (Văn phòng luật sư Hiệp và Liên danh) dưới góc độ chủ quan, cho rằng, đa phần DN Việt Nam là DNNVV, chỉ chăm chăm tính chuyện lỗ lãi qua ngày mà thiếu tập trung đến mảng pháp chế, do đó, tính chuyên môn về mảng này yếu, vì thế không quan tâm nhiều đến những vấn đề pháp lý mới nói chung, pháp luật bồi thường nhà nước nói riêng. “Các DN này không có bộ phận pháp chế, hoặc nếu có thì bộ phận này cũng yếu, nên chỉ quan tâm tới các văn bản ngay lập tức giúp DN sinh lời mà chẳng màng tới lĩnh vực bồi thường nhà nước”.

Đã thế, DN lại thường trực tâm lý có chuyện  thì phải chạy, phải dàn xếp trước khi “chuyện bé xé ra to”. Kinh phí hạn chế cũng tác động không nhỏ tới chuyện tính toán việc thuê luật sư hay không, rồi tham gia vào quá trình kiện đòi bồi thường cũng rất mệt mỏi, tốn kém khiến DN nản.

Luật rắc rối, đến chuyên gia còn ngại…

“Những bất cập còn tồn tại trong các quy định về bồi thường nhà nước cũng khiến DN ngại tiếp cận, vì không phải quy định nào đọc xong cũng hiểu ngay” – ông Hiệp nói. Xác định giá trị để đưa ra yêu cầu đòi bồi thường, thương lượng về giá trị đó, xác định thời hiệu yêu cầu cơ quan chức năng về bồi thường giải quyết… Nhiều vấn đề đặt ra, trong khi DN ít hiểu biết về lĩnh vực, thủ tục lằng nhằng, cơ quan nhận đơn nơi thì ghi biên nhận, nơi thì không… cũng khiến cho ít cá nhân, DN muốn… yêu cầu bồi thường.

Gặp chuyện, DN chỉ để ý lưu giữ chứng chứ chứng minh mình oan sai, chứ ít DN biết để dành chứng cứ để được bồi thường. Trong khi đó, tiến độ ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn còn chậm cũng gây khó cho DN trong quá trình tiếp cận pháp luật.  Một nguyên nhân khiến DN “lơ mơ” về một đạo luật khá “sát sườn”, đó là ngay cả cơ quan QLNN về bồi thường nhà nước cũng đang trong quá trình kiện toàn, nên việc phổ biến các quy định pháp luật về vấn đề này còn hạn chế.

Kể câu chuyện DN ở tỉnh L. kiện UND tỉnh về việc ban hành các văn bản hành chính gây thiệt hại cho DN, ông Nguyễn Thanh Tịnh - Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) chia sẻ, dù còn nhiều tranh cãi xung quanh các quy định pháp luật và nguồn tài chính để thực hiện bồi thường, nhưng với việc Luật Bồi thường Nhà nước có hiệu lực, cá nhân/DN có “cái gậy” để bám vào khi “có va chạm” với cơ quan nhà nước.

Còn luật sư Ngô Văn Hiệp thì cho rằng, DN phải biết cách tận dụng pháp luật để tự bảo vệ mình, nếu không có bộ phận kiêm nhiệm thì cũng đừng ngần ngại tham vấn luật sư. “Khi pháp luật bảo vệ quyền lợi cho DN đã chặt chẽ và khả thi hơn nhiều, thì điều mà DN cần là dần bỏ tư duy “chạy anh Hai, anh Ba” – ông Hiệp nói – “Đáp lại, nên giao cho một hội đồng khách quan do Mặt trận Tổ quốc chủ trì các cuộc thương lượng đền bù, vì nếu cứ giao cho cơ quan nhà nước chủ trì thì người nhà nước cũng sẽ khó để mà thông cảm thiệt hại của DN, phần nào cũng làm DN cảm thấy “lép vế” hơn trong các cuộc thương lượng”.

H.Thủy

Đọc thêm