Hãy hỏi cho ra hỏi! Hãy giám sát tới cùng lời hứa!

(PLO) - Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, từ ngày 30/10, Quốc hội sẽ dành 3 ngày để chất vấn đối với các thành viên Chính phủ. Điểm mới trong phiên chất vấn tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ mà sẽ tiến hành chất vấn tất cả các nội dung liên quan đến các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời tại Quốc hội.

“Đi tận cùng vấn đề” là một phần tiêu đề (tít) của bài báo. Đó là kỳ vọng của cử tri, gửi gắm các đại biểu.. 

Theo dõi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước đây, cử tri thấy tư duy chất vấn của đại biểu không cao, rất nhiều đại biểu chất vấn/kể cả phát biểu trong các phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp, thường dài lê thê, trích dẫn quá nhiều số liệu, nội dung chất vấn rất cũ, thường là nhắc lại các vấn đề báo chí đã nói, đã luận giải.

Về phần người được chất vấn (thường là các Bộ trưởng, trưởng ngành hoặc cao hơn), dù đã thực chất hơn, nhưng không ít vẫn vòng vo, né tránh. Nhiều vị, câu trả lời “soạn sẵn” cứ thế mà đọc làm cho cử tri “kiệt sức” khi theo dõi.

Các kỳ chất vấn gần đây cho thấy, kỳ họp sau “mới” hơn kỳ họp trước, dẫu chưa đáp ứng mong muốn của cử tri và cuộc sống

Vấn đề mấu chốt của mấu chốt là thực hiện và giám sát thực hiện lời hứa của các “tư lệnh ngành”. Câu nói đáng ghi vào “lịch sử nghị trường” của một nguyên Bộ trưởng: “xin nhường lại cho người kế nhiệm” mãi mãi nhắc nhở các vị Bộ trưởng, trưởng ngành, đồng thời cũng là các “đại biểu của dân” phải hành động, “đi đến tận cùng vấn đề”.

Với việc thay đổi cách thức chất vấn hỏi nhanh/đáp gọn và người điều hành thảo luận cũng phải ưu tiên các chất vấn trực diện, bắt buộc các vị “tư lệnh” không “lảng” được vấn đề, phải sâu sát lĩnh vực được phân công phụ trách chứ không phải chờ các vụ chức năng “soạn tài liệu” trả lời. Hình thức chất vấn có tác dụng đánh giá được năng lực, trình độ, khả năng quán xuyến, nắm bắt cụ thể các lĩnh vực thuộc ngành mà thành viên Chính phủ đang chịu trách nhiệm. 

Hy vọng Quốc hội sẽ rà soát lại tất cả những vấn đề từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã chất vấn và trả lời chất vấn cũng như các lời hứa, việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ đối với cử tri một cách sòng phẳng. Trên cơ sở đó, nhìn lại kết quả việc thực hiện lời hứa, vấn đề nào được giải quyết rốt ráo, vấn đề nào chưa được giải quyết thì sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng. Đây cũng là sự thể hiện trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, cử tri và nhân dân cả nước về việc giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm.

Hãy hỏi cho ra hỏi! Hãy trả lời cho thỏa chất vấn! Hãy giám sát tới cùng lời hứa!

Hãy đi đến tận cùng!

Đọc thêm