Không ai dám phủ nhận giá trị của vật chất trong việc phát triển xã hội, đất nước, và tư cách con người cũng cần có tiền để hỗ trợ. Tiền bạc sẽ giải quyết nhiều vấn đề, dân gian hay nói “dân giàu nước mạnh” hay “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.
Nghèo đói cũng là một trở ngại trong phát triển văn hóa, đạo đức con người, ông cha ta có câu: “Bần cùng sinh đạo tặc”.
Nhưng một điều chắc chắn rằng là để xây dựng nhân cách con người, nền tảng kinh tế không phải là cốt lõi mà phải bằng giáo dục, bằng tư tưởng, bằng tinh thần tự do, bằng sự chăm lo, phúc lợi xã hội, để con người lớn lên trong một môi trường tốt.
Giàu có mà phát triển trong một môi trường xấu thì sẽ khó thành người tốt, nghèo đói mà giữ được cái đạo thì vẫn luôn có cơ hội hướng điều thiện, tránh xa điều ác.
Ở xã hội ta, nhiều câu chuyện xây dựng lòng tốt đến từ người nghèo khó, như câu chuyện cậu bé nhặt ve chai xếp gọn gàng từng chiếc dép cho các bạn đi dã ngoại ở công viên.
Một cậu bé theo mẹ đi lang thang khắp Sài Gòn nhặt ve chai kiếm sống nhưng đã biết làm những điều tử tế đã minh chứng rằng: Lòng tốt, giá trị đạo đức có ở mọi nơi chứ không phải xuất hiện ở những nơi phồn thịnh.
Và chúng ta cũng chứng kiến nhiều cảnh người giàu có hành xử vô văn hóa, thiếu đạo đức như tham gia giao thông không đúng luật, như thái độ lại coi thường CSGT, miệt thị nhau, sinh hoạt vô tổ chức như hát karaoke thâu đêm, vô nhà hàng cấm hút thuốc mà vẫn hút và lên giọng thách thức nhân viên, tranh giành chỗ trên máy bay…
Cái giàu có đó thiếu hẳn cái gốc về giáo dục, về nền tảng đạo đức, ứng xử hài hòa trong môi trường sống. Cái giàu đó là sự lệch lạc, kiêu ngạo và coi mình là kẻ có tiền muốn làm gì làm.
Bộ trưởng Thiện cho rằng xuống cấp đạo đức là do thiếu tiền.
Vậy thì, ý của Bộ Trưởng Thiện đã lệch lạc khi ông nói: "Những hạn chế của ngành xuất phát từ kinh tế, vì cái gốc của vấn đề là kinh tế, nếu bỏ lĩnh vực này sang một bên thì không giải quyết được".
Ông lý giải thêm: “Từ trước đến nay, cứ nói đến đạo đức xã hội là giao cho ngành văn hóa và các ngành xã hội. Nếu chúng ta vẫn giữ tư duy, quan điểm đó để xử lý thì khắc phục sự xuống cấp đạo đức xã hội sẽ rất khó”.
Ông Bộ Trưởng Thiện đã hướng vấn đề xây dựng đạo đức con người việc đầu tiên là “tiền đâu”, nhưng ông chắc không phải là nhà tâm lý sư phạm. Vì xây dựng con người điều đầu tiên là giáo dục.
Cố GS Trần Quốc Vương đã viết: “Chiến lược văn hóa, là chiến lược tổng thể về con người. Không thể chỉ đổi mới kinh tế mà xoay chuyển được tình hình Việt Nam hiện tại. Mọi hoạt động của chính quyền và các tổ chức xã hội khác cần nhằm mục tiêu văn hóa vì con người. Nhân tố con người phải là trên hết, trước hết của mọi dạng thái phát triển.
Đó là lẽ vì sao thế giới ngày nay nêu mục tiêu phát triển trên nền tảng văn hóa ( cần bỏ lối nhìn “ duy vật lịch sử” giáo điều máy móc chỉ thấy kinh tế là cơ sở hạ tầng và xem văn hóa- khoa học- giáo dục chỉ là thượng tầng kiến trúc…) (Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam nhân bản- dân tộc- dân chủ- khoa học)
Ý của GS Trần Quốc Vượng lẽ ra ông Thiện nên tham khảo để tranh luận tại nghị trường. Một người đáng kính, uyên bác như GS Vượng, các nhà chính trị nên tìm đọc.
Với tôi, vẫn phải mượn câu ca xưa rằng: “Muốn sang thì bắc Cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Yêu ở đây không phải mang vật chất đút lót cho thầy mà tìm thầy học đạo.
Nên cái lý lẽ của Bộ trưởng Thiện hôm nay đăng đàn vẫn chưa thuyết phục tôi.