Đáng buồn bởi thái độ “sai thì mặc sai”

(PLO) - Vụ người thợ điện Cần Thơ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu và “tịch thu tang vật” gây chấn động dư luận có thể được giải quyết theo hướng là trả lại tiền, xem xét miễn xử phạt. Đó là phương án đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Cần Thơ sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc “gỡ rối” của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Lão nông điều tra sai phạm  trên cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi
Lão nông điều tra sai phạm trên cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi

Một kết thúc có hậu cho anh thợ điện và dư luận cảm thấy hài lòng. Tuy nhiên, những người gây ra việc này thì vẫn “bảo lưu quan điểm” là mình đã làm “đúng pháp luật” và chẳng hy vọng một lời xin lỗi từ họ.

Một việc làm sai khác là loại ra khỏi trường đại học thuộc quân đội một sinh viên dân tộc Thái ở Nghệ An với lý do “bị lao phổi”. Trước phản ứng của dư luận, Bộ Quốc phòng vào cuộc và kết luận, sinh viên này không đủ tiêu chuẩn học trường quân đội, em cao 1,60 mét, trong khi tiêu chuẩn chiều cao tối thiểu là 1,62 mét, tuy vậy, nếu có nguyện vọng, em sẽ được nhận vào khối dân sự trong trường quân sự.

Tương lai của một sinh viên nghèo, học giỏi, có chí đã được cứu vớt nhưng rõ ràng là chuyện sai trái khi quyết định trả “đồng chí” này về địa phương với lý do không đúng (bị lao phổi) gây nên những dư luận không tốt. Những người gây ra sự sai trái này cũng phải có trách nhiệm giải trình chứ?

Một lão nông ở Quảng Nam đã bỏ ra công sức, tiền bạc và thời gian để thu thập những chứng cứ sai phạm của đơn vị thi công xây dựng con đường cao tốc trên quê hương ông. Hết bị mua chuộc lại bị đe dọa nhưng ông vẫn bền bỉ theo đuổi cái việc mà ông cho là đúng và đó là việc đúng, ai cũng phải thừa nhận.

Thế nhưng, tố cáo sự sai phạm của ông đã rơi vào im lặng cho đến khi con đường này xuất hiện chi chít “ổ gà” và buộc những người có trách nhiệm cao nhất phải vào cuộc làm rõ. Thái độ của người dân đối với các sai phạm là cương quyết vạch trần nhưng những nhà quản lý thì khác, họ bao che cho những sai phạm đó và giả điếc trước sự tố cáo đúng đắn, chính xác của người dân.

Điểm qua vài sự việc xảy ra gần đây và còn nóng hổi tính thời sự để thấy một thực trạng là những người gây ra sai phạm không bao giờ dám thừa nhận và họ cũng không bị xử lý đến nơi đến chốn. Vì thế, sai phạm xảy ra ngày càng nhiều, mức độ ngày càng trắng trợn hơn, sự bao biện, đổ lỗi cho khách quan, trời đất, thời tiết, cơ chế, quy định,... trở nên phổ biến hơn. Đó là cách ứng xử trơ lỳ mà những người trọng đạo lý, yêu sự thật, không thể chấp nhận nổi!