Hãy là “đôi mắt xanh tinh tế”!

(PLVN) - Vào một ngày giá rét năm 2007 tại ga tàu điện ngầm ở Wasington D.C. có người nghệ sỹ đường phố say sưa kéo đàn Violin. Trong khoảng 40 phút biểu diễn với hơn một nghìn người đi qua, chỉ có 3 người dừng lại một chút và trong cái mũ để ngửa có 32 đô la của khách qua lại cho người nghệ sỹ.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Không một ai biết đó là nghệ sỹ Violin nổi tiếng Johua Bell là thần đồng âm nhạc từ năm 17 tuổi. Mỗi đêm biểu diễn trong nhà hát của nghệ sỹ đều đông nghịt người nghe. Vé vào cửa tối thiểu là 100 đô la. Cây đàn Violin nghệ sỹ chơi trong ga tàu điện ngầm có giá 3,5 triệu đô.

Dẫn lại câu chuyện này để thấy rằng nghệ thuật khó mà thẩm định được ngay và định kiến khiến người ta ù tai, mờ mắt và khó thức dậy cảm xúc mà nghệ thuật mang lại. Nếu là nghệ sỹ nổi tiếng, biểu diễn trên sân khấu lộng lẫy thì thính giả chăm chú nuốt từng nốt nhạc và những tràng vỗ tay vang dội không ngớt. Nhưng vẫn nghệ sỹ đó ra đường biểu diễn thì kết cục thế nào, chúng ta đã thấy rõ.

Tương tự, tranh của Van Gogh lúc đương thời khó bán và họa sỹ lâm vào cảnh bần hàn. Tranh của Picasso khó hiểu, ít người cho là đẹp nhưng cả hai ông sau này đều là danh họa nổi tiếng thế giới, có những bức tranh đắt nhất hành tinh.

Những tác phẩm nghệ thuật, dù hội họa hay âm nhạc, phim ảnh hay văn chương đều cần đến sự nhìn nhận, đánh giá của công chúng và thực sự sức sống, giá trị nghệ thuật của nó nằm trong cảm xúc của đông đảo công chúng. Những nhà phê bình hàn lâm chỉ có thể đóng vai trò hướng dẫn và quảng bá chứ không thể nâng lên quá tầm hoặc “dìm chết” một tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nghệ thuật, người ta thường nhắc tới công lao của những “bà đỡ mát tay” hay những “cặp mắt xanh tinh tế” để tác phẩm đó đến được với công chúng và chiếm lĩnh tầm cao nghệ thuật, trở thành bất hủ, đóng góp lớn vào văn hóa nhân loại.

Chúng ta biết đến trường hợp của nhà văn Jack London khi ông chưa thành danh có đến 15 nhà xuất bản từ chối in tác phẩm của ông. Hoặc, trường hợp của tác phẩm Harry Potter không được ai đón đợi lúc mới ra đời rồi sau đó trở thành cuốn sách bán chạy nhất đương đại và chuyển thể thành phim rất ăn khách.

Những nhạc phẩm bất hủ của Văn Cao cũng đã từng bị hắt hủi, cho là ủy mị, yếu thế nhưng rồi với thời gian vẫn sống mãi trong lòng công chúng yêu âm nhạc.

Nghệ thuật có điểm chung là đem lại cảm xúc thăng hoa, làm giàu có tâm hồn những người thưởng thức, làm nên và bồi đắp giá trị văn hóa của một cộng đồng, dân tộc, quốc gia và cả nhân loại. Tiêu chuẩn của một tác phẩm nghệ thuật không hề thay đổi dù bất cứ thể loại hay thời đại nào, đó là giá trị “chân – thiện – mỹ”. Thiếu một trong những tiêu chuẩn đó thì đời sống của tác phẩm ngắn ngủi, chỉ nương vào một trào lưu nhất thời, có thể được tung hô và đẩy lên “đỉnh cao nghệ thuật” nhưng rồi không thể tránh được sự chết yểu.

Có lẽ lĩnh vực khó quản lý nhất chính là văn hóa, nghệ thuật. Khó bởi không thể định tính, định lượng và cũng khó mà áp dụng cách quản lý hành chính thông thường như “cho phép” hoặc “cấm”. Đơn giản, đây là lĩnh vực tinh thần, chạm vào cảm xúc con người, truyền cảm hứng sáng tạo hay thưởng thức đều như nhau, có tính tương tác giữa tác giả, người biểu diễn với  người nghe, người xem và đông đảo công chúng.

Tất nhiên, cũng không thể tránh được tình trạng “đàn gẩy tai trâu” đối với công chúng cũng như các nhà quản lý, có thể thấy điều này ở những môn nghệ thuật hàn lâm với một lượng công chúng ít ỏi, thế nhưng, tiêu chí “nghệ thuật phục vụ đại chúng” luôn là một yêu cầu chẳng bao giờ cũ.

Nghệ thuật có đời sống riêng, luôn luôn là dòng chảy của đời sống, góp phần bồi đắp nền văn hóa và chính đời sống gạn lọc để có những tinh hoa văn hóa. Bởi vậy, phủ nhận sạch trơn văn hóa, nghệ thuật của một thời kỳ nào đó là việc không thể chấp nhận, đúng hơn là không thể làm việc đó.

Thế nên, đòi hỏi những nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật phải là những “bà đỡ tinh thần mát tay”, sở hữu “cặp mắt xanh tinh tế” và yêu cầu chẳng thể thiếu là ứng xử với văn hóa cần phải có văn hóa.