Bởi theo GS Dordi, Việt Nam đang mới quan tâm đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà dường như quên đi EVFTA trong khi EU cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Ông Dordi cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ chậm lại nhưng EU vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với tổng số 500 triệu người tiêu dùng. Không những thế, EU là đối tác thương mại hàng đầu của 80 quốc gia, riêng với Việt Nam hiện đang hưởng lợi từ Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập của EU và đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU chiếm hơn 2/3 giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Dordi chia sẻ, EVFTA dường như chưa nhận được nhiều quan tâm của người dân, doanh nghiệp Việt Nam để họ có thể hiểu rõ hơn về cơ hội lẫn thách thức khi Hiệp định này có hiệu lực vào năm 2018.
Lo ngại các khó khăn của Việt Nam trong việc tuân thủ các quy tắc xuất xứ của EVFTA, ông Dordi đồng thời khẳng định EVFTA cũng đem lại các cải thiện về thể chế có lợi cho Việt Nam. Nổi bật là việc bảo hộ các nhà đầu tư trong và ngoài nước khỏi sự can thiệp của Nhà nước, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, thuận lợi hóa các thủ tục hải quan, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mở cửa mua sắm công cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư của EU…
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Dordi khuyến nghị cần “nắm bắt” được giá trị gia tăng cao hơn qua việc tạo lập thương hiệu quốc gia, chú ý các sản phẩm thân thiện với môi trường và xã hội, đặc biệt tập trung tuân thủ các quy định kỹ thuật và vệ sinh quốc tế.
Liên quan đến các khía cạnh pháp lý, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng và các tác động tiềm năng của EVFTA. Theo ông Dũng, Hiệp định không chỉ đem lại các lợi ích chung cho EU và Việt Nam mà còn là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhất cho quan hệ kinh tế, đầu tư giữa EU và Việt Nam, nhất là đặt ra các tiêu chuẩn cao nhằm cải thiện môi trưởng kinh doanh và hệ thống pháp lý.
Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Lê Tiến Châu thì cho rằng, EVFTA là một trong hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất mà Việt Nam tham gia. Vì vậy, việc nâng cao hiểu biết về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và EVFTA nói riêng tận dụng được những cơ hội do EVFTA mang đến là rất cần thiết.
Trong đó, ông Châu nêu một số lĩnh vực cần ưu tiên là thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế, gồm cả EVFTA, đánh giá tác động chính trị, kinh tế - xã hội, tác động đến hệ thống pháp luật trong nước của các Hiệp định thương mại tự do.