Krishnamurti là một triết gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Ông thường bàn về các chủ đề mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội. Trong gần sáu mươi năm, ông đã có vô vàn buổi nói chuyện về mọi chủ đề, với thính giả từ một vài cá nhân cho đến hàng ngàn người – trong phòng riêng, trong sảnh lớn, trong hội trường, ngoài bãi cỏ – ở bất cứ nơi nào có người sẵn lòng lắng nghe.
Lời của Krishnamurti dành cho mọi người thuộc mọi độ tuổi, mọi giai tầng, không phân biệt trình độ tri thức. Ông tạo ra một bầu không khí chan hòa, không sợ hãi, không có cạnh tranh, để mọi người được tự do tìm về chính mình, đánh thức cái tâm thiện lương, giàu cảm thông, lòng bác ái trong mình.
Lúc sinh thời, Đức Đạt Lai Lạt Ma coi Krishnamurti là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời đại, cả Phương Đông lẫn Phương Tây đều chào đón ông như bậc đạo sư uyên bác nhất, nhưng chính ông tuyên bố mình là người không quốc gia, không tôn giáo, không môn phái, đồng thời đặt mình nằm ngoài mọi tư tưởng, mọi ý thức hệ.
Ngày 17/2/2/1986, Krishnamurti từ giã cõi đời, để lại di sản là triệu triệu trái tim và khối óc nhờ nương tựa bóng cổ thụ nơi ông mà được hòa mình vào dòng chảy đời sống tự do và từ ái.
Tại Việt Nam, các tựa sách của Krishnamurti đã được xuất bản tại Việt Nam: “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, “Bạn đang nghịch gì với đời mình”, “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống”, “Tự do vượt trên sự hiểu biết”. Và mới đây một cuối sách nữa của Krishnamurti đã đến được tay người đọc - “Thế giới trong bạn”.
Theo Krishnamurti, khi con người không có tư duy đúng thì không có bình an, không có tình thương. |
Có thể nói, những năm gần đây, thế giới đã trải qua khá nhiều thay đổi, xáo trộn mang tính lịch sử. Đại dịch Covid-19 vẫn đang từng ngày, từng giờ tác động đến cuộc sống của từng cá nhân, vùng lãnh thổ, quốc gia. Gần đây, xung đột giữa Nga và Ukraine cũng đang từng bước đặt nhân loại đứng trước mối bất an và những tổn thất mới. Nền hòa bình thế giới bị đe dọa, người với người bị chia rẽ.
Đã có không ít những hồi chuông, tiếng kêu cứu được gióng lên. Nên làm gì và chọn thái độ sống như thế nào để đứng vững, để an toàn? Đó không còn là câu chuyện của riêng một ai. Và tất cả chúng ta hẳn sẽ tìm thấy lời giải đáp cho những thắc mắc ấy thông qua cuốn sách “Thế giới trong bạn” (tựa gốc “The World Within”).
“Thế giới trong bạn” mổ xẻ hầu như mọi khía cạnh gây đau khổ cho nhân loại - từ những vấn đề hàng ngày như cơn giận, sự cô đơn, lòng thù hận, những suy nghĩ vụn vặt, niềm vui và đau khổ; cho đến những vấn đề mang tầm vóc lớn lao hơn như, sự sống và cái chết, chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo, hòa bình…
Từ đó, Krishnamurti hướng con người đến tự do và giải thoát nhờ sống tự biết mình, bởi mọi niềm vui và đau khổ của thế giới đều là sự phản ánh của niềm vui và đau khổ trong ta, vì ta chính là thế giới, nên mọi thay đổi đều phải bắt đầu từ chính mình.
Cuốn sách là tập hợp rút gọn những bài đối thoại xoay quanh hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống và giải thích đầy đủ cho câu nói của Krishnamurti: “Bạn là câu chuyện của nhân loại”.
Krishnamurti liên tục nhắc đến khả năng tự trị và việc tự nhận thức. “Thông qua sự tự biết mình, ta có tư duy đúng và nỗ lực đúng. Tư duy đúng là nền tảng để sống đúng, và từ đó, thông qua thiền định, sự thanh tịnh của trí tuệ xuất hiện. Trí tuệ là sự giản dị của trái tim.
Chính trong sự giản dị này, người ta nhận ra cái tối thượng”, ông nói, “nếu không có khả năng tự tri thì không có tư duy đúng, và khi không có tư duy đúng thì không có bình an, không có tình thương”.
Không khuyên bảo hay dạy dỗ, điều Krishnamurti làm là gợi mở cho người đọc tự chiêm nghiệm, tự suy nghĩ để tìm kiếm câu trả lời. Ông không ngừng nhắc nhở mọi người nhìn vào nội tâm, nhìn thế giới qua chính mình, để tự giải thoát bản thân khỏi những sự khuôn định, khỏi những tư tưởng và thẩm quyền.
Mỗi người đều có khả năng tự thức tỉnh mà không cần một bậc đạo sư hay một hệ thống tư tưởng, tín điều nào. Khả năng đó đến từ sự quán chiếu nội tâm, từ tĩnh lặng và nhìn thấy thế giới và chính mình là một, “vì bạn chính là thế giới, bạn là gì thì thế giới là vậy”.