Tuy nhiên, tại thời điểm đó, “tên tuổi” của các đồng tài trợ tín dụng cho dự án trị giá hơn 2 tỷ USD nói trên vẫn chưa được tiết lộ cụ thể, mà chỉ cho biết đang trong quá trình thương thảo, đàm phán tìm tổ hợp thu xếp vốn.
“Miếng bánh” to thuộc về ai?
Cập nhật thông tin liên quan tới dự án năng lượng này, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank (phụ trách khối khách hàng bán buôn) hôm 5/4 xác nhận với PLVN rằng, ngân hàng này đã chính thức có công thư phúc đáp EVN về việc thu xếp vốn tài trợ cho Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I.
“Vietcombank đồng ý về nguyên tắc làm đầu mối thu xếp toàn bộ nhu cầu vốn vay của dự án (dự kiến 40.000 tỷ đồng). Trong đó, Vietcombank tham gia 20.000 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng khác dự kiến 20.000 tỷ đồng”, lời Phó “Tổng” Oanh.
Cũng nguồn tin trên, hiện ngân hàng này đã gửi bản chào cho vay tới chủ đầu tư và công bố tổ hợp thu xếp vốn cho dự án tỷ đô này ngoài Vietcombank còn có 3 nhà băng “tên tuổi” khác - đó là Vietinbank, BIDV và Agribank. Bên cạnh đó, có khả năng còn có sự tham gia của 1 - 2 ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Rõ ràng, trong bối cảnh tiếp cận với nguồn vốn của các định chế tài chính quốc tế đáng ngày một khó khăn, lại cần phải có sự bảo lãnh của Chính phủ, thì sự xuất hiện và đồng tình “rót” vốn từ 4 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam cho dự án nguồn điện cấp bách nói trên thực sự là “cứu cánh” đối với EVN vì được trực tiếp huy động được vốn trong nước, sử dụng bằng chính đồng Việt Nam khi cụ thể hoá Hợp đồng tín dụng.
|
Đến thời điểm này, Vietcombank và các ngân hàng đồng tài trợ đang xúc tiến việc thẩm định dự án |
Điều kiện để có vốn
Đại diện EVN cho hay, để triển khai Hợp đồng tín dụng trị giá hang chục ngàn tỷ này, tập đoàn sẽ cho thành lập một công ty con tổ chức ký hợp đồng bán điện dài hạn với 5 tổng công ty điện lực miền và thành phố. Sau đó, sẽ sử dụng chính các hợp đồng mua bán điện này cùng với tài sản của nhà máy để thế chấp vay vốn ngân hàng.
Cụ thể, trong bản chào sản phẩm mà Vietcombank gửi tới EVN có đề cập thời hạn cho vay tối đa là 15 năm; lãi suất cho vay là bình quân lãi suất tiết kiệm đồng Việt Nam, kỳ hạn 12 tháng trả lãi sau của các ngân hàng đồng tài trợ với biên độ: 5 năm đầu là 2,8%/năm, 5 năm tiếp theo là 3,0%/năm và 5 năm cuối cùng là 3,2%/năm.
“Điều kiện để có thể xem xét cấp tín dụng đối với dự án là Chính phủ đồng ý cơ chế đặc thù với các nội dung như các ngân hàng được miễn thẩm định hiệu quả tài chính đối với dự án; được cho vay với dự án vượt các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy đinh; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ bán ngoại tệ cho tập đoàn để đảm bảo thanh toán và trả nợ đối với dự án…” Vietcombank ra điều kiện với EVN để có gói tín dụng 40.000 tỷ.
Xung quanh vấn đề này, đại diện Vietcombank cho biết thêm, ngoài những điều kiện trên, trong trường hợp do nguyên nhân khách quan hoặc bất khả kháng ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của dự án, các ngân hàng được phép xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đồng thời giữ nguyên nhóm nợ.
Trả lời câu hỏi, các tổ chức tín dụng đánh giá mức độ tin cậy và hiệu quả của dự án ra sao khi quyết định “bơm” vào đây một lượng vốn “khủng”, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thị Kim Oanh tin tưởng: “Trong lĩnh vực triển khai các dự án nhiệt điện ở Việt Nam, EVN được đánh giá là tập đoàn có nhiều kinh nghiệm nhất nên chúng tôi xem xét đứng ra thu xếp vốn. Thực tế, cả hai đều coi đây là dự án trọng điểm của mình trong năm nay”.
“Đến thời điểm này, Vietcombank và các ngân hàng đồng tài trợ đang xúc tiến việc thẩm định dự án. Chắc chắn trong tháng 4 này, chúng tôi và EVN sẽ ngồi lại với nhau để thông báo các điều kiện cấp tín dụng cụ thể nhằm tiến tới ký Hợp đồng chính thức phục vụ việc giải ngân cho dự án vào cuối năm nay”, bà Oanh khẳng định.