Phát hiện bất ngờ
Ngày 27/12/2009, Cục Văn vật Hà Nam công bố, qua khai quật khảo cổ đã xác định Cao Lăng ở phía Nam thôn Cao Huyệt Tây, xã An Phong, thành phố An Dương chính là mộ của Tào Tháo.
Sau đó, Cục Văn vật quốc gia Trung Quốc nhận định “mộ chủ ngôi mộ Đông Hán ở An Dương, Hà Nam là Tào Tháo”. Đến tháng 5/2013, Cao Lăng An Dương được công nhận là “Đơn vị văn vật trọng điểm được bảo hộ toàn quốc”.
Việc phát hiện ra mộ Tào Tháo khá bất ngờ: Viện nghiên cứu khảo cổ tỉnh Hà Nam sau khi khai quật có tính cứu vãn một ngôi mộ cổ Đông Hán ở thôn Cao Huyệt Tây, xã An Phong, thị xã An Dương được phát hiện vào năm 2005.
Nghiên cứu khảo chứng tại hiện trường đã nhận định, đây chính là Cao Lăng Tào Tháo đã được ghi chép trong sử tịch, đã nhiều lần bị đào trộm. Để kịp thời bảo vệ ngôi mộ, tháng 12/2008, Cục Văn vật Hà Nam đề xuất và được Cục Văn vật quốc gia cho phép khai quật để cứu ngôi mộ.
Cao Lăng Tào Tháo có mặt bằng hình chữ Giáp (甲), tọa Tây hướng Đông, là ngôi mộ gạch hai tầng, quy mô lớn, kết cấu phức tạp, được cấu thành bởi 4 gian, 2 khoang, vách mộ nghiêng có độ dài 39,5m, rộng 9,8m, chỗ sâu nhất cách mặt đất 15m, xây theo hình thang, phía Đông rộng 22m, Tây 19,5m, từ Đông sang Tây dài 18m, diện tích mặt bằng khu mộ 740m2,,,
Mộ thất xây bằng gạch, gồm 2 khoang trước sau; khoang phía trước hình gần vuông, Đông - Tây 3,85m, Nam – Bắc 3,87m, đỉnh mộ cao 6,4m, nền lát đá xanh; khoang sau kích thước 3,82x3,85m, cao 6,50m. Bọn trộm đã đào phá 2 lỗ thủng, qua đó cho thấy vách mộ dày tới 1m…
Trong mộ phát hiện dấu vết còn lại của 3 quan tài, trong đó khoang sau 1 cỗ, nghi là quan tài bằng đá, hai bên có 2 quan tài gỗ, 3 di cốt được khai quật cho thấy ngoài Tào Tháo còn có 2 phụ nữ tuẫn táng.
Bên trong mộ Tào Tháo |
6 căn cứ
Người ta đã đưa lên khỏi mộ nhiều phiến đá khắc chữ hình khối chữ nhật và “khuê” (thẻ) đá, tổng cộng 59 cái; trong đó 8 “khuê” đá là căn cứ quan trọng để xác định nhân thân của chủ mộ, có khắc các chữ “Ngụy Vũ Vương thường sở dụng cách hổ đại kích”, “Ngụy Vũ Vương thường sở dụng cách hổ đại đao”, “Ngụy Vũ Vương thường sở dụng cách hổ đoản mâu”…
Trong số cổ vật bị đào trộm tìm lại được có một chiếc gối bằng đá trên khắc các chữ “Ngụy Vũ Vương sở dụng úy hạng thạch”. Các nhà khảo cổ cho rằng đó là chiếc gối Tào Tháo sử dụng khi còn sống. Bên trong mộ phát hiện 3 thạch bích, 1 thạch khuê. “Khuê Bích hợp nhất” là tiêu chuẩn vô cùng quan trọng để phán đoán đẳng cấp của lăng mộ đế vương, vì Khuê chỉ xuất hiện trong mộ táng của hoàng đế.
Ngoài ra, trong quá trình khai quật còn tìm thấy 3 bộ di cốt, qua giám định, 1 bộ là đàn ông, tuổi khoảng ngoài 60, cao từ 1m50 đến 1m60, 2 bộ còn lại đều là phụ nữ tuổi từ ngoài 20 đến ngoài 40. Mộ này đã từng bị đào trộm, trên xương đầu người đàn ông được xác định là Tào Tháo còn có dấu tích bị dao chém.
Sở dĩ các nhà khảo cổ và nghiên cứu lịch sử tỉnh Hà Nam khẳng định đây chính là mộ của Tào Tháo là do 6 chứng cứ theo họ là xác đáng:
Thứ nhất, độ tuổi của bộ xương người đàn ông trong mộ phù hợp với tuổi của Tào Tháo khi mất (66 tuổi).
Thứ hai, chiều cao của người đàn ông trong mộ phù hợp với chiều cao của Tào Tháo,
Thứ ba, các cổ vật và tranh, tượng đá mang đặc điểm đặc trưng thời Hán Ngụy.
Thứ tư, vào năm 1998 ở phía Tây Bắc thôn Tây Cao Huyệt, cách ngôi mộ này 800m đã đào được mộ chí Phò mã Đô úy đời Kiến Vũ hậu Triệu, trên đó ghi rõ vị trí mộ này ở cách lăng Ngụy Vũ đế 43 bộ về phía Tây Bắc.
Thứ năm, quy cách mộ táng khá cao và tìm thấy Khuê đá là thứ chỉ xuất hiện trong mộ bậc đế vương. Trong các bản khắc đá và chiếc gối đá đều có chữ “Ngụy Vũ vương”. Theo sử liệu, Tào Tháo được phong là “Ngụy công”, sau là “Ngụy vương”; sau khi Tào Phi xưng đế thì truy phong thụy hiệu là “Vũ Hoàng đế”, sử gọi là “Ngụy Vũ đế”. Các cổ vật tìm thấy có chữ “Ngụy Vũ vương” hoàn toàn phù hợp với cách tôn xưng khi Tào Tháo qua đời.
Thứ sáu, ngôi mộ này phù hợp với điều Tào Tháo đề xướng “bạc táng” trong “Di lệnh”. Quy cách ngôi mộ tuy lớn, không thấy có bích họa (tranh tường), nhưng lại đào được các đồ vật như binh khí và gối đá. Trong “Di lệnh” (hay Chung lệnh) ghi: “Sau khi ta chết…táng ở đồi phía Tây Nghiệp Thành”. Vị trí của thôn Cao Huyệt Tây đúng là ở phía Tây Nghiệp Thành thời cổ xưa.
Gối đá |
8 phản bác
Mặc dù Cục Văn vật quốc gia đã khẳng định ngôi mộ ở thôn Cao Huyệt Tây, An Dương, Hà Nam chính là mộ Tào Tháo, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng chưa đủ căn cứ để kết luận như trên.
Thứ nhất, một số học giả cho rằng căn cứ xác định của Cục Văn vật Hà Nam chưa đầy đủ. Học giả Viên Tế Hỉ, Phó viện trưởng Quốc học, Đại học Nhân dân Trung Quốc, chuyên gia nghiên cứu văn học Nam Bắc Triều cho rằng: “Các chứng cứ đó đều không phải là đầu tay (tức tìm được qua tay người khác), chưa đủ sức thuyết phục.
Nhưng nhà khảo cổ Tôn Tân Dân lại bác bỏ điều này, nói trong 8 bản đá có khắc chữ “Ngụ Vũ vương” thì 7 cái là được đào lên từ trong mộ, chỉ có 1 cái thu lại từ tay kẻ trộm mộ.
Thứ hai, trong lịch sử, ngoài Tào Tháo thì Diêu Nhượng và Nhiễm Mẫn thời Thập Lục quốc đều có hiệu xưng là “Ngụy Vũ vương”; thế nhưng đơn vị khảo cổ chỉ hướng 8 bản đá có khắc chữ “Ngụy Vũ vương” vào Tào Tháo khiến người ta nghi ngờ. Có học giả nghi ngờ: tang lễ Tào Tháo do Tào Phi chủ trì, khi đó Tào Phi là Ngụy vương, về mặt lý sẽ không gọi cha là “Ngụy Vũ vương”, mà chỉ là “Vũ vương”; nếu sử dụng tên đầy đủ thì phải là “Hán Ngụy Vũ vương”; do đó họ đoan chắc ngôi mộ này không phải là mộ Tào Tháo.
Thứ ba, tại điểm khai quật này không thấy có di cốt của vợ Tào Tháo là Biện hoàng hậu, người thọ 70 tuổi. Biện Hoàng hậu lấy Tào Tháo khi hơn 20 tuổi, là mẹ đẻ Tào Phi, Tào Phi chỉ hưởng dương 40 tuổi, khi đó Biện Hoàng hậu đã ngoài 60, bà qua đời năm Thái Hòa thứ 4, thọ 70 tuổi, rồi hợp táng với Tào Tháo.
Thứ tư, Tào Thực cũng là con do Biện Hoàng hậu sinh ra, khi an táng mẹ ông có mặt và ghi lại trong “Biện Thái hậu lụy”, có chi tiết: Mở huyệt mộ để hợp táng cùng với Tào Tháo. Thế nhưng khi Hà Nam khai quật mộ ở thôn Tây Cao Huyệt lại không thấy hài cốt bà, điều này cho thấy đây không phải mộ Tào Tháo.
Thứ năm, theo “Tấn thư. Lễ trí”, Tào Phi cho xây một “thạch thất” (buồng đá) trong mộ Tào Tháo để đặt “Kim tỉ” (ấn vàng); nhưng khi Hà Nam khai quật mộ này thì không tìm thấy Kim tỉ, ngay “thạch thất” cũng không thấy.
Thứ sáu, Theo “Tam Quốc chí. Vũ Đế kỷ”, Tào Tháo được vua Hán ban thưởng Cửu tích, trong đó có các binh khí như cung tên, đao búa,,,tượng trưng cho công lao chinh phạt như Chu Công, nhưng trong ngôi mộ không có những thứ quan trọng đó.
Thứ bảy, cũng theo “Tam Quốc chí. Vũ Đế kỷ”, Tào Tháo giỏi dùng kiếm, từng nửa đêm dùng kiếm chém chết cả chục người, về sau được vua Hán ban cho được phép đeo kiếm lên điện, cho thấy kiếm là thứ ông thường dùng, nhưng trong ngôi mộ lại không thấy có cây kiếm Tào Tháo luôn mang bên mình.
Những bản đá có ghi chữ Ngụy Vũ vương |
Thứ tám, ông Lý Kính Trạch, nhà bình luận văn học nổi tiếng kiêm chủ bút tạp chí Văn học nhân dân công khai bày tỏ: “Tôi cho rằng đây là mộ giả và không loại trừ họ muốn lợi dụng Tào Tháo để làm kinh tế cho địa phương”.
Phóng viên tờ Tân Hoa tiêu điểm ngày 6/1/2010 thậm chí tiết lộ “tin mật hậu trường”: Nếu được thừa nhận là mộ Tào Tháo thì Cục Văn vật Hà Nam sẽ được đầu tư trên 400 triệu NDT để xây dựng khu du tích mộ Tào Tháo, một nơi rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Những thông tin này càng khiến dư luận hoài nghi việc tỉnh Hà Nam công bố đã tìm thấy mộ Tào Tháo là nhằm mục đích thương mại.
Chính vì vậy, mặc dù chính phủ Trung Quốc đã công nhận đây chính là mộ thật của Tào Tháo nhưng sự hoài nghi trong dư luận vẫn chưa dứt, vẫn còn những người không tin và tiếp tục tìm kiếm “mộ Tào Tháo thật”.../.