Bất bình đẳng ngay trên quê nhà
Hệ sinh thái số Việt Nam đang thu hút rất nhiều người chơi, từ các startup non trẻ, cho tới những DN đã thành danh. Tuy nhiên, do luật chơi chưa rõ ràng và đầy đủ, nên hệ sinh thái số đó vẫn chưa đủ mạnh và gắn kết để có thể tạo thành thế đối trọng với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, vốn áp đảo về tiềm lực lẫn kinh nghiệm.
Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ hệ sinh thái số “Made by Việt Nam” sẽ không cạnh tranh được với hệ sinh thái số do các DN nước ngoài cung cấp tại Việt Nam, thậm chí bị lệ thuộc hoàn toàn.
Tại Tọa đàm “Hệ sinh thái số Việt Nam - người chơi và luật chơi” diễn ra cách đây chưa lâu, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định, sự phát triển bùng nổ của công nghệ nói chung, Internet nói riêng đã mang đến các mô hình kinh doanh mới.
“Việt Nam trở thành một điểm đến thu hút rất nhiều DN công nghệ nước ngoài vào đầu tư kinh doanh, hoạt động xuyên biên giới. Cái mà chúng ta đang còn lúng túng chính là “luật chơi”, ông Hưng nói.
Nhiều DN đã nêu vấn đề bức xúc hiện nay là DN nước ngoài thì được “thả” mặc sức hoạt động, thậm chí được “bảo hộ ngược”, trong khi DN trong nước bị quản chặt, đã khiến thị trường méo mó, bất bình đẳng, khiến các DN Việt teo tóp dần.
“Trên thị trường có những DN nước ngoài làm trung gian thanh toán có hàng triệu khách hàng, doanh thu hàng ngàn tỷ đồng qua hệ thống trong nhiều năm liền không cơ quan nhà nước nào quản lý. Ngược lại, các DN Việt Nam phải mất rất nhiều công sức và nhiều năm xin phép mới được cấp phép, nhưng nếu sơ sảy một chút thì bị phạt rất nặng. DN Việt mà ấm ức phản ánh thì lại bị nói là chơi xấu…”, ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch NextTech Group, nói.
“Chúng tôi đã hoạt động ở bảy thị trường nước ngoài, có một điều dễ nhận thấy là luật của họ rất bảo hộ cho DN sở tại. Ở Việt Nam, chúng tôi không cần Nhà nước phải bảo hộ, mà chỉ cần có một luật chơi công bằng”, ông Bình tâm sự.
Nhu cầu cấp bách nhất hiện nay
Có thể thấy rằng, việc xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam là một yêu cầu mang tính thời sự và cấp thiết để có thể phát huy, liên kết được nguồn lực khoa học - công nghệ - trí tuệ nội địa, đảm bảo sự phát triển bền vững, có giá trị lâu dài và tương xứng cho Việt Nam. Các DN cho rằng, hoàn thiện luật chơi chính là nhu cầu cấp bách nhất hiện nay để tiến tới một hệ sinh thái số Việt Nam mạnh mẽ và bền vững.
Luật chơi của hệ sinh thái số Việt Nam nên được xây dựng dựa trên hướng tiếp cận cởi mở, phù hợp với tinh thần 4.0. Việt Nam không nên ngăn cấm các mô hình kinh doanh mới, không ngăn cấm các DN công nghệ quốc tế tham gia thị trường.
Thay vào đó, các hành lang pháp lý và cơ chế chính sách nên “cởi trói” bớt cho các DN trong nước về thuế, về điều kiện kinh doanh, thủ tục cấp phép, thanh kiểm tra… tạo điều kiện cho họ được kinh doanh, đầu tư và mở rộng theo cách mà các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đang được hưởng.
“Trong “cuộc chiến” với các DN nước ngoài vượt trội về vốn, kinh nghiệm, nguồn lực thì hợp tác, kết nối để tổng hợp sức mạnh giữa các DN Việt là rất quan trọng”, ông Nguyễn Hòa Bình nói, “Tôi từng đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông là có thể phát động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng dịch vụ số Việt Nam, tương tự như phong trào khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Điều đó sẽ tiếp sức rất tốt cho DN Việt, tạo cho họ một lợi thế sân nhà trong bối cảnh đang yếu thế rất nhiều so với các đối thủ nước ngoài”.
“Một khi người dùng tham gia vào hệ sinh thái số thì đó chính là người chơi quan trọng nhất. Và việc tạo ra sân chơi công bằng cho các DN trong và ngoài nước là quan trọng nhất. Chỉ khi có một sân chơi công bằng thì người dùng mới được hưởng lợi nhiều nhất”, ông Nguyễn Minh Đức, sáng lập kiêm CEO công ty CyRadar chia sẻ.
“Trong lĩnh vực nội dung số hiện nay hiện đang được quản lý chủ yếu theo cách thức cấp phép, nhưng bản chất cấp phép là gò bó, nếu làm sai giấy phép thì DN chết ngay. Trong khi đó, lĩnh vực nội dung số đòi hỏi phải thay đổi liên tục, sáng tạo liên tục, cập nhật xu thế mới liên tục thì mới cạnh tranh được.
Lấy thí dụ, ngày xưa xin cấp phép 1 website thì chỉ đăng tải bài viết. Sau đó ngoài bài viết ta phải up cả video. Giờ thì không chỉ video mà cả livestream. Nhưng nếu giấy phép ban đầu chỉ cho bài viết thì các hình thức khác là sai giấy phép hết. Cho nên, tháo gỡ cơ chế, bỏ bớt quy định, giảm bớt tư duy quản lý bằng cấp phép là rất quan trọng”.
Ông Nguyễn Thế Tân - Tổng Giám đốc VCCorp
“Trong lĩnh vực điện tử hóa, rất nhiều lĩnh vực mới cần hành lang pháp lý để hoạt động thì hiện nay đa phần đều chưa có hành lang pháp lý. Hiện tại, chúng ta vẫn lúng túng trong một số lĩnh vực như fintech, Trung gian thanh toán, chia sẻ xe….
Đó đều đang là lĩnh vực “thí điểm” nhưng sau thí điểm sẽ quản lý như thế nào, hành lang pháp lý ra sao thì vẫn chưa có. Các cơ chế cho DN Việt thí điểm triển khai trước cũng cần được xây dựng”.
Ông Nguyễn Hòa Bình - CEO Tập đoàn NextTech