Hệ thống pháp luật “cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội”

(PLVN) -Đó là khẳng định của Bộ Chính trị khi tổng kết 15 năm triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Ảnh VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Những năm qua, thực hiện đường lối của Đảng, nhất là chủ trương coi hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược nhằm phát triển nhanh và bền vững đất nước, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đã rất nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và đã quan tâm tới công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Tổng kết 15 năm triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị đã khẳng định: hệ thống pháp luật hiện nay đã “cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Thành tựu trong xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực cơ bản như: Pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước không ngừng được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm sự vận hành thông suốt của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; Pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân được quan tâm hoàn thiện và có nhiều điểm tiến bộ; Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã mang nhiều đặc điểm của thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế; Pháp luật về giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; y tế; văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch; dân tộc, tôn giáo; dân số, gia đình, trẻ em; quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; Pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong các tình huống khẩn cấp nhanh chóng được ban hành với nhiều giải pháp, chính sách quyết liệt, đồng bộ

Công tác tổ chức thi hành pháp luật ngày càng được quan tâm thực hiện. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh được thực hiện nhanh hơn. Số lượng các luật, pháp lệnh còn nợ văn bản quy định chi tiết thi hành giảm đáng kể, trong đó có năm Chính phủ không nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, được Quốc hội ghi nhận. Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được triển khai thường xuyên, định kỳ và theo chuyên đề.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở; nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đã bám sát thực tiễn, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, phong phú phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, địa bàn.

Đặc biệt, việc hưởng ứng Ngày Pháp luật đã trở thành hoạt động thường niên được các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương triển khai sâu rộng, hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong toàn xã hội.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương ngày càng được kiện toàn, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiếp cận của người dân đối với hệ thống pháp luật, về cơ bản, các cơ quan này đều có trang thông tin phục vụ công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Hệ thống các dịch vụ bổ trợ tư pháp và trợ giúp pháp lý có bước phát triển mạnh, tạo điều kiện để người dân tiếp cận tốt hơn với hệ thống tư pháp, pháp luật và nâng cao năng lực quản trị rủi ro pháp lý trong đầu tư, kinh doanh.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật tiếp tục được tăng cường. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đã tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra các vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Cuộc chiến chống tham nhũng thu được nhiều thành tựu nổi bật. Việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc về tham nhũng, kinh tế đồng bộ, hiệu quả, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm, có sức cảnh báo, răn đe mạnh mẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội”.

Đọc thêm