Hẹn nhau ở 'thiên đường mây' Tà Xùa

(PLVN) - Tháng 10 này, thêm một đỉnh núi sẽ được các nhà báo chinh phục khi tham gia mùa 2 “Bước chân trên mây” - giải leo núi do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức. “Thiên đường mây” Tà Xùa chờ đón bước chân của những nhà báo - những người yêu thích khám phá, thử thách bản thân và lan tỏa điều tốt đẹp tại những nơi mình đến.
Chinh phục đầu rùa khổng lồ tại Tà Xùa.

“Bước chân trên mây” - không chỉ là niềm vui của người chinh phục đỉnh cao

Tháng 10 năm 2023, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức một sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên - Giải leo núi “Bước chân trên mây - Chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù” dành cho các nhà báo. Giải đã quy tụ hơn 100 nhà báo đến từ nhiều cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Hoa Đỗ Quyên nở rộ.

Đích đến của mùa giải đầu tiên là chinh phục đỉnh núi Tà Chì Nhù cao 2.979m. Đây là một trong những đỉnh núi cao nhất vùng Tây Bắc Việt Nam, nằm ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Tà Chì Nhù nổi tiếng với cảnh quan hùng vĩ và là điểm đến hấp dẫn cho những người yêu thích leo núi và khám phá thiên nhiên. Thông qua sự kiện đã mang tới những giá trị to lớn cho cộng đồng và xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.

Về phía thành viên tham gia giải leo núi, đây không chỉ là cơ hội để các nhà báo thử thách bản thân, cảm nhận những xúc cảm tuyệt vời khi được chạm vào gió núi mây ngàn, tận hưởng bầu không khí khoáng đạt, tự do, cảm xúc tự hào trào dâng khi thu gọn trong tầm mắt của mình một phần non sông gấm vóc tươi đẹp… giải leo núi còn là cơ hội để họ cảm nhận được nhiều giá trị của cuộc sống mà nhiều khi lãng quên bởi những bộn bề thường nhật, là dịp để đông đảo những người cầm bút gặp gỡ, chia sẻ, giao lưu và củng cố tình đồng đội, tình đoàn kết.

Phó Tổng Biên tập Trần Ngọc Hà khảo sát đỉnh Tà Xùa, chuẩn bị cho Giải leo núi “Bước chân trên mây” mùa 2.

Có lẽ cũng bởi những xúc cảm tuyệt vời đó, nên sau chuyến đi, hình ảnh về vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của Tà Chì Nhù, hình ảnh về chuyến leo núi đã được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Những tác phẩm báo chí, những chia sẻ cảm xúc của nhà báo trên các trang mạng xã hội đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, khám phá Tà Chì Nhù. Hiệu ứng của Giải leo núi không chỉ giúp phát triển du lịch mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho người dân Trạm Tấu khi nông sản được tiêu thụ mạnh mẽ, người dân có thêm thu nhập từ việc làm dịch vụ du lịch.

Đoàn công tác của Báo Pháp luật Việt Nam chinh phục đỉnh Tà Xùa.

Ông Khang A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu chia sẻ: “Sau giải leo núi, hiệu ứng truyền thông về Trạm Tấu rất lớn. Nhiều bài viết rất chất lượng về Trạm Tấu, về Tà Chì Nhù đã được đăng tải trên nhiều tờ báo lớn từ trung ương đến địa phương. Không chỉ trên các ấn phẩm báo chí, các trang mạng xã hội cũng đều đề cập đến Trạm Tấu, lan tỏa thông tin tích cực. Giải leo núi do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của Tà Chì Nhù nói riêng và Trạm Tấu nói chung, góp phần mang lại sự thay đổi đáng kể cho địa phương”.

Hẹn gặp ở “thiên đường mây” Tà Xùa

Tiếp nối thành công của Giải leo núi “Bước chân trên mây - chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù”, Báo Pháp luật Việt Nam dự kiến tổ chức chương trình leo núi mùa 2 - Chinh phục “thiên đường mây” Tà Xùa vào tháng 10 tới đây. Đây sẽ là dịp để các nhà báo yêu thích leo núi tiếp tục thử thách bản thân, khám phá những điều mới mẻ và tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ.

“Thiên đường mây” Tà Xùa có độ cao 2.875 mét so với mực nước biển, là một trong ba “thiên đường” của mây ở Tây Bắc bên cạnh đỉnh Lảo Thẩn và Bạch Mộc Lương Tử ở Lào Cai. Thời điểm săn mây đẹp nhất ở Tà Xùa kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Nếu đỉnh Tà Chì Nhù hấp dẫn du khách ở những triền núi miên man hoa Chi Pâu, những đàn ngựa trời tha thẩn gặm cỏ, những con dốc hun hút như vô cực… thì với đỉnh Tà Xùa, du khách sẽ được trải qua cảm giác thú vị với khu rừng cổ thụ rêu phủ mang vẻ đẹp liêu trai của miền cổ tích hoang sơ; những con đường mòn mỏng manh như sống dao, “sống lưng rồng trời” tạo cảm giác như đang bước đi trên một bức tường chênh vênh với 2 bên là vực thẳm hun hút; những tảng đá nguyên khối với các hình thù kỳ dị…

Đặc biệt, ở Tà Xùa - nơi được mệnh danh là “thiên đường mây”, bạn sẽ được chạm tay vào những áng mây bồng bềnh, cảm giác như mình đang ở chốn bồng lai tiên cảnh…

Tà Xùa không chỉ hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông sinh sống nơi đây. Du khách có thể tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, tìm hiểu phong tục, tập quán của người Mông, thưởng thức những món ăn đặc sản độc đáo. Những trải nghiệm này không chỉ giúp các nhà báo hiểu hơn về đời sống, văn hóa của người dân địa phương mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

“Hẹn gặp nhau ở thiên đường mây Tà Xùa” - nơi chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua những chặng đường gian nan, cùng nhau ngắm nhìn biển mây huyền ảo, cùng nhau tạo nên những khoảnh khắc khó quên.

Với các nhà báo, mỗi bước chân đi, mỗi nơi chúng ta đến, không phải chỉ là để tận hưởng những giá trị cho bản thân mình. “Thiên đường mây” Tà Xùa đang chờ đón các nhà báo để trao tặng những điều kỳ diệu và cũng đón chờ những điều kỳ diệu từ các nhà leo núi mang sứ mệnh đặc biệt - cùng những người làm báo Pháp luật Việt Nam thực hiện khát vọng lớn hơn - đó là góp phần biến những vùng đất cằn cỗi, nghèo khó, những đỉnh núi cao vốn chỉ làm bạn với mây mù trở thành động lực, bàn đạp cho phát triển du lịch bền vững, góp phần để đời sống cư dân địa phương ấm no hơn; người dân biết vượt qua chính mình bằng sức mạnh và nguồn lực nội sinh để làm chủ cuộc sống; từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.