Các địa phương tích cực nâng cấp điểm đến du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều năm trở lại đây, ngành du lịch ở các tỉnh, địa phương có những bước phát triển mạnh mẽ ở cả lượng khách và tổng thu từ việc làm du lịch. Từ đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có được kết quả đó, ngoài làm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, công tác bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường luôn được coi là nhân tố quyết định.
Các địa phương đang tích cực nâng cấp các điểm đến du lịch để thu hút du khách tới nghỉ dưỡng, tham quan. (Ảnh minh họa: Hoàng Tuấn)
Các địa phương đang tích cực nâng cấp các điểm đến du lịch để thu hút du khách tới nghỉ dưỡng, tham quan. (Ảnh minh họa: Hoàng Tuấn)

Làm xanh - sạch - đẹp các địa điểm du lịch

Theo báo cáo của hai nền tảng du lịch Expedia và Booking cho thấy, trong những năm tới, du khách sẽ có sự thay đổi lớn trong hành vi du lịch. Cụ thể, du khách dần từ bỏ những chuyến đi xa hoa, các “điểm nóng” du lịch toàn cầu và hướng đến kỳ nghỉ ở những nơi ít người biết đến, yên tĩnh hơn.

Du lịch sinh thái, chữa lành, thiện nguyện,... thân thiện với môi trường, thiên nhiên, cảnh quan đang trở thành xu hướng hứa hẹn phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần. Hiện tại, nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã tích cực hưởng ứng trở thành “địa chỉ vàng” cho các tour du lịch xanh.

Như tại Huế, với mục tiêu xây dựng TP Huế trở thành địa điểm tham quan du lịch xanh, thông minh, thời gian gần đây, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng nhiều tuyến du lịch xanh thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm nhiều điểm du lịch sinh thái, cộng đồng hấp dẫn.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, khu vực lăng vua Gia Long đã bố trí hàng chục phương tiện như xe đạp, xe điện, ô tô điện thân thiện với môi trường để phục vụ du khách đến di tích tham quan.

Đặc biệt, trong những năm qua, người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực tham gia các phong trào giữ môi trường sạch đẹp do địa phương tổ chức. Lấy ví dụ, nhiều tổ, nhóm phụ nữ trên địa bàn TP Huế đã tổ chức các mô hình hay về thu gom, phân loại rác thải và tuyên truyền, lan tỏa phong trào “sống xanh” trong cộng đồng. Sự mẫu mực hành động của những người dân đã góp phần xây dựng hình ảnh Cố đô Huế xanh - sạch - đẹp, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN”...

Không chỉ hướng đến du lịch xanh, hiện nay, các điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam liên tục nâng cấp cơ sở vật chất. Ngành du lịch các địa phương đã chọn lọc, đầu tư bảo tồn di tích, điểm đến văn hóa, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên và tháo dỡ những công trình bất hợp lý.

Tại TP Phú Quốc (Kiên Giang), hiện nay một trong những nhiệm vụ trọng tâm là quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng. Phú Quốc đã tổ chức hàng loạt đợt ra quân xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng, lấn chiếm hành lang đường bộ.

Đây là một động thái quyết liệt nhằm chỉnh trang trật tự đô thị tại các tuyến đường và địa bàn trọng điểm, đặc biệt là tuyến đường đã có hàng loạt chiến dịch ra quân để tháo dỡ các công trình làm mất mỹ quan đô thị, cùng các công trình cộng đồng đang được Phú Quốc quyết liệt đầu tư, nhằm lấy lại cảnh quan cho đảo Ngọc.

Đây là những bước quan trọng để Phú Quốc nâng tầm điểm đến, khẳng định thương hiệu của một hòn đảo sinh thái, thành phố đảo du lịch xanh - sạch - đẹp, một điểm đến quốc tế có diện mạo xứng đáng là hòn đảo tuyệt vời thứ hai trên thế giới do Maldives do Travel Leisure vừa vinh danh.

Tiếp tục khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch

Thực tế, Việt Nam có nhiều tài nguyên du lịch, với đường biển dài hơn 3 nghìn kilomet với những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ. Đặc biệt, Việt Nam có hơn 40 nghìn di tích, khoảng 8 nghìn lễ hội, hàng trăm bảo tàng... Mặc dù nước ta hội tụ đủ lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người, nhưng chưa ngành du lịch vẫn chưa khai phá hết các tài nguyên.

Thời gian vừa qua, Bộ VH,TT&DL đã phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị triển khai điều tra tài nguyên du lịch năm 2024. Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh chủ trì Hội nghị. Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh, công tác điều tra tài nguyên du lịch là nhiệm vụ quan trọng có phạm vi triển khai rộng lớn trên cả nước.

Do đó, cần triển khai toàn diện, thực hiện bài bản và chi tiết đến từng địa bàn, từng loại tài nguyên để làm cơ sở dữ liệu sử dụng lâu dài. Việc tổ chức điều tra tài nguyên du lịch nhằm hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch, phục vụ công tác quản lý, lập quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch và các khu, điểm du lịch trên phạm vi cả nước.

Mới gần đây nhất, tỉnh Ninh Bình đã khai thác tài nguyên ẩm thực, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ hàng Việt Nam tại các khu điểm du lịch. Được biết, ngoài khung cảnh núi đá hùng vĩ và nhiều điểm đến tâm linh hấp dẫn, các món ăn ở Ninh Bình cũng rất đa dạng, phong phú.

Cụ thể, tính đến hết tháng 8/2024, toàn tỉnh có 186 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trong đó đa số là các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm và đồ uống, tiêu biểu có: thịt chưng mắm tép, bột rau má, cơm cháy, ruốc cá rô Tổng Trường, trà sơn kim cúc, trà Vũ Gia, rượu vang đào...

Ngoài ra, các cơ sở ăn uống của toàn tỉnh lên đến con số hàng trăm với nhiều chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để đẩy mạnh các tour du lịch ẩm thực, ở các điểm du lịch, các món ăn đặc sắc của Ninh Bình đã bắt đầu quảng bá, giới thiệu mạnh mẽ tới du khách tham quan. Lấy ví dụ, tại Khu du lịch sinh thái Tràng An đã có gian hàng giới thiệu và quảng bá các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của Ninh Bình đi vào hoạt động như: thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn, ruốc cá rô Tổng Trường, cơm cháy Cung Đình, trà hoa vàng Cúc Phương… đã thu hút sự chú ý của du khách khi đến tham quan tại đây.

Đọc thêm