Quốc tế ca ngợi cách bảo tồn và phát triển hệ sinh thái Cù Lao Chàm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cách Hội An khoảng 20km, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách bởi hệ động thực vật phong phú và những di tích lịch sử hàng trăm năm trước. Qua 15 năm bảo tồn và phát triển, hệ sinh thái Cù Lao Chàm không chỉ được phục hồi tương đối nguyên vẹn mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch cả nước. Nơi này còn được báo chí quốc tế khen ngợi về công tác bảo tồn hệ sinh thái.
Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Cù Lao Chàm được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Cù lao Chàm thuộc xã Tân Hiệp, TP Hội An (Quảng Nam) còn được biết đến với các tên gọi khác là Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La, Pa-lau-cham. Nằm cách bãi biển Cửa Đại khoảng 15km đường biển, Cù Lao Chàm rộng khoảng 15km2 với hơn 2.900 dân sinh sống. Với 8 hòn đảo nhỏ, Cù Lao Chàm được thiên nhiên ưu ái có khí hậu quanh năm mát mẻ, cây cối bốn mùa phủ xanh trên các hòn đảo. Với 1.549ha rừng tự nhiên và 6.716ha mặt nước, Cù Lao Chàm mang trong mình sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú.

Bên cạnh một hệ sinh thái phong phú, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm còn chứa trong mình các hệ văn hóa từ xa xưa để lại (như: Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt), cùng với các di tích đã chứng minh mối quan hệ giao lưu giữa Cù Lao Chàm với các nước trong khu vực và là điểm neo đậu của các thương thuyền quốc tế trong hành trình con đường tơ lụa trên biển. Qua các nghiên cứu khảo cổ học cho thấy cách đây trên 3.000 năm, nơi đây còn là nơi sinh sống của các cư dân cổ xưa. Đây thật sự là một địa điểm lý tưởng để khám phá.

Cù Lao Chàm còn tồn tại khá đầy đủ thiết chế văn hóa tín ngưỡng truyền thống của làng xã miền Trung nước ta. Các di tích tín ngưỡng hiện còn ở Cù Lao Chàm được xây dựng chủ yếu vào khoảng thế kỷ 17 - 18 như: đình Đại Càn, miếu thờ Thành hoàng, miếu Tiền hiền, miếu Thần nông, miếu Tổ nghề yến, lăng Ông Ngư, lăng Cô, giếng Xóm Cấm, chùa Hải Tạng… là những địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.

Cũng nhờ những yếu tố này, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An được Ủy ban điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển thế giới của UNESCO công nhận vào ngày 26/5/2009, bởi những giá trị độc đáo, đặc trưng và duy nhất trong hệ thống 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam hiện nay.

Theo nhận định của UNESCO, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là một minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự kết nối, hài hòa giữa thiên nhiên và con người, đúng như sứ mệnh và tên gọi Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO.

Các giá trị đặc trưng, nổi trội đó là: Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm được thiết lập năm 2006 thuộc Hệ thống các các khu bảo tồn cấp quốc gia; phố cổ Hội An - Di sản văn hóa của UNESCO được công nhận năm 1999; rừng ngập mặn với đặc trưng là Hệ sinh thái rừng dừa nước tại vùng cửa sông Thu Bồn; rừng đặc dụng trên đảo Cù Lao Chàm; hệ thống rừng phòng hộ ven biển; các làng nghề truyền thống cùng với những giá trị nổi trội về văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với mảnh đất và con người Hội An qua bao thời kỳ lịch sử.

Chính quyền và người dân chung tay bảo vệ các rạn san hô

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, Trưởng Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, sau 15 năm, từ một xã đảo Tân Hiệp nghèo khó, thiếu thốn mọi mặt từ cơ sở vật chất, tài nguyên trên rừng, dưới biển bị khai thác không kiểm soát, rác thải khắp mọi nơi trên đảo và mỗi năm xã đảo phải tiếp nhận hàng cứu trợ vào cuối năm, đến nay, Cù Lao Chàm đã chuyển mình toàn diện, không những thoát nghèo thành công mà còn vươn lên dẫn đầu cả tỉnh về mức thu nhập; công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học đạt được nhiều thành tựu và trở thành viên ngọc quý tỏa sáng trong hành trình của du khách thập phương.

Chuyên gia James Borton (hàng trên thứ 3 từ trái sang) thực hiện một bộ phim tài liệu về Cù Lao Chàm.

Chuyên gia James Borton (hàng trên thứ 3 từ trái sang) thực hiện một bộ phim tài liệu về Cù Lao Chàm.

Theo báo Hong Kong SCMP, đảo Cù Lao Chàm có 277 loài san hô, 250 loài cá, động vật giáp xác và 97 loại động vật thân mềm đang sinh sống xung quanh hòn đảo. Kỳ tích bảo tồn đảo có thể thực hiện được nhờ sự tham gia của người dân địa phương - những người đã làm sạch ô nhiễm nhựa và nghiêm túc trong việc triển khai hoạt động đánh bắt cá ở đảo.

Nhà khoa học môi trường Lê Ngọc Thảo, Giám đốc Khu bảo tồn biển (MPA) ở đảo Cù Lao Chàm nói với SCMP - nhật báo Hong Kong (Trung Quốc): “Không dễ để khiến ngư dân đồng ý ngừng đánh bắt ở rạn san hô và chấp nhận các khu vực đánh bắt bền vững. Chúng tôi phải thuyết phục người dân rằng họ có thể có thu nhập tốt hơn nhiều nếu họ đưa khách du lịch đi lặn biển xem một rạn san hô nguyên sơ tràn ngập cá”. Cùng nhờ sự hợp tác giữa người dân với chính quyền địa phương đồng ý dùng thuyền chở khách du lịch. Nhờ vậy, MPA có thể bảo vệ các rạn san hô, vốn đang phải đối mặt với mối đe dọa toàn cầu về tình trạng nước ấm lên.

Để thực hiện việc dọn vệ sinh đáy biển bảo vệ rạn san hô Cù Lao Chàm an toàn và hiệu quả, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã lựa chọn những tình nguyện viên trong lực lượng bảo tồn biển, có sức khỏe tốt, bơi lội giỏi để làm việc trong nhiều ngày. Theo đó, các tình nguyện viên tiến hành vệ sinh rạn san hô khu vực tại Bãi Tra, Bãi Nần, Bãi Xếp và Bãi Bắc.

Lực lượng bảo tồn biển cùng người dân trên đảo và doanh nghiệp thu gom lưới bị hỏng, dây cước, bao tải, chất thải chìm dưới đáy biển nơi các loài san hô sinh sống, đồng thời tiến hành việc bắt sao biển gai, một loại thiên địch nguy hại cho rạn san hô tại khu vực khoanh nuôi, bảo tồn san hô Cù Lao Chàm.

Tom Fawthrop, nhà làm phim người Anh gọi đây là "kỳ tích bảo tồn" của người dân địa phương. Hệ sinh thái tự nhiên vẫn được bảo tồn nhờ sự phối hợp của người dân địa phương. Họ làm sạch biển, tránh ô nhiễm nhựa và không đánh bắt quá mức ở vùng nước quanh đảo.

Một hoạt động kiểm tra các rạn san hô ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. (Ảnh: handout)

Một hoạt động kiểm tra các rạn san hô ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. (Ảnh: handout)

Ông James Borton, Chuyên gia cao cấp của Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học John Hopkins Mỹ cũng thực hiện một bộ phim tài liệu về những ấn tượng sâu sắc nhất của ông về những người dân hiền hòa ở Cù Lao Chàm. “Lần đầu tiên đến Cù Lao Chàm, tôi đã biết đây thực sự là một nơi đặc biệt, bởi khung cảnh vô cùng đẹp đẽ cùng rạn san hô được bảo vệ kỹ lưỡng. Người dân nơi đây cũng rất thân thiện chào đón các du khách. Bộ phim này tôi cũng đã có ý tưởng thực hiện được một vài năm rồi. Theo tôi, thế giới cần phải bảo vệ các rạn san hô nhiều hơn, chúng ta cần có những thánh địa dưới biển. Những người dân ở Cù Lao Chàm lại đang làm được những điều vô cùng ấn tượng trong việc bảo vệ biển. Đó cũng là lý do vì sao tôi tìm hiểu và muốn giới thiệu về mô hình rất thành công ở Cù Lao Chàm”, ông chia sẻ.

Cùng với việc dọn vệ sinh, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm còn triển khai chương trình đo đạc hệ sinh thái biển và đánh giá thảm thực vật nhằm đưa ra giải pháp cụ thể trong việc bảo vệ các rạn san hô...

Theo SCMP, đây cũng là địa điểm duy nhất ở Việt Nam không sử dụng túi nhựa và chương trình “3R” (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế) kể từ năm 2011, cũng như chống nạn đánh bắt quá mức trong nhiều thập kỷ. Những quy định nghiêm ngặt đã được áp dụng để tránh việc khai thác cua đất quá mức trên đảo - một trụ cột của hệ sinh thái đảo, nơi số lượng cua đã tăng lên 75%. Sau đó, để đối phó với tình trạng quá tải du lịch, chính quyền địa phương đã cung cấp quy định giới hạn số lượng du khách ghé thăm chỉ khoảng 3.000 người mỗi ngày. Dần dần, công tác bảo tồn và phương pháp tiếp cận du lịch điều độ đã được đền đáp.