Theo Tổng cục Thống kê, tháng 5/2012, CPI tăng 0,18%; năm 2013 giảm 0,06%; năm 2014 tăng 0,2%; năm 2015 tăng 0,16%; năm 2016 tăng 0,54% và gần nhất, tháng 5/ 2017 thì giảm 0,53%.
Mức tăng này có lực đẩy trực tiếp từ việc tăng giá của 9/11 nhóm hàng trong rổ tính CPI.
Cụ thể, nhóm giao thông tăng cao nhất với 1,72% so với tháng 4 khi trong tháng 5 có tới 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu (vào ngày 8/5 và 23/5). Tuy nhiên, do quyền số của nhóm này trong rổ tính không lớn nhất nên làm CPI chung tăng 0,16%, thấp hơn lực đẩy của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống dù nhóm này chỉ tăng ở mức 0,88% so với tháng trước.
Mức tăng kể trên của hàng ăn và dịch vụ ăn uống có nguyên nhân từ việc lương thực tăng 0,03% do giá gạo xuất khẩu tăng nhẹ; thực phẩm tăng 1,2% do giá heo hơi tăng mạnh 5,85%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ với quyền số cao, chỉ tăng 0,88% nhưng làm CPI chung tăng 0,25%.
Lực đẩy khác đến từ nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 0,34% trong tháng 5). Theo Tổng cục Thống kê, do thời tiết nắng nóng, sản lượng điện, nước tiêu thụ tăng nên giá của nhóm này tăng theo (giá điện sinh hoạt tăng 0,95%; giá nước sinh hoạt tăng 0,52%).
Các nhóm hàng còn lại như nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; đồ uống và thuốc lá; văn hóa, giải trí và du lịch; may mặc, mũ nón, giày dép... tăng ở mức rất nhẹ, dưới 0,1% và tác động nhẹ vào CPI chung.
Tính chung, CPI tháng 5 tăng 0,55% so với tháng 4, tăng 1,61% so với tháng 12/2017 và tăng 3,86% so với tháng 5/2017. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2018 tăng 3,01% so với cùng kỳ năm 2017.
Lạm phát cơ bản tháng 5/2018 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.