Hết cao điểm, ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi sẽ ra sao?

(PLO) - Người đứng đầu ngành nông nghiệp yêu cầu năm 2016 phải xử lý triệt để chất cấm, tăng cường kiểm tra tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả nhưng liệu có thực hiện được không?
Dư luận lo ngại sau đợt cao điểm tình trạng sử dụng chất cấm lại bùng phát. Ảnh minh họa
Dư luận lo ngại sau đợt cao điểm tình trạng sử dụng chất cấm lại bùng phát. Ảnh minh họa

Vượt tầm kiểm soát?

Tổng kết đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp (từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2016), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay đã phát hiện xử phạt nhiều trường hợp sử dụng các loại chất cấm như Salbutamol, Vàng ô trộn vào thức ăn chăn nuôi với số lượng lên tới hàng trăm nghìn tấn, thu nộp ngân sách khoảng 1,3 tỷ đồng. Cơ quan chức năng cũng đã phát hiện 1.663 mẫu rau, quả, thịt, cá có chứa chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh vượt quá mức cho phép…

Báo cáo còn cho thấy công tác thanh tra đột xuất và điều tra  nguồn tin từ đường dây nóng và cơ sở đã tạo sự chuyển biến lớn trong kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, đến cuối đợt cao điểm, lực lượng liên ngành đã lấy 207 mẫu thức ăn chăn nuôi của 32 công ty sản xuất tại 10 tỉnh, thành phố để phân tích chất cấm, kết quả cho thấy không phát hiện mẫu nào dương tính với các loại chất cấm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại mặc dù đạt nhiều kết quả trong chấn chỉnh tình trạng mất an toàn thực phẩm trong nông nghiệp, kiểm soát chất cấm nhưng nếu cơ quan chức năng lơ là, tình trạng tái sử dụng hoàn toàn có thể sẽ bùng nổ trở lại. Lo ngại đó là dễ hiểu khi khả năng kiểm soát chất cấm trong lĩnh vực nông nghiệp của cơ quan quản lý dường như đang tỷ lệ nghịch với  sự lan tràn như một bệnh dịch của vấn nạn này trong thực tế.  

Trong một báo cáo mới đây của cơ quan chuyên ngành là Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho thấy những con số không hề phản ánh đúng tính nghiêm trọng của tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi như là một vấn đề nhức nhối của xã hội. 

Theo cơ quan này, triển khai chương trình kiểm tra trọng điểm chất lượng thức ăn chăn nuôi triển khai tại 6 tỉnh: Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vĩnh Long trong năm 2015, Cục này đã đưa ra một kết quả tổng hợp tương đối lạc quan: Tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi ở các địa phương, đã tiến hành lấy mẫu thức ăn tại các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Kết quả phát hiện 02/238 mẫu thức ăn dương tính với chất Sabutamol (chiếm 0,8%).

Trong khi đó, tại các cơ sở chăn nuôi lợn thịt, chỉ  có 2/30 mẫu (chiếm 6,7%) thức ăn được lấy tại trang trại dương tính với chất Salbutamol (tại Đồng Nai 1, Vĩnh Long 1), 64/819 mẫu nước tiểu (chiếm 7,8%) dương tính với chất Salbutamol (An Giang 1/4, Đồng Nai 21/94, Tây Ninh 1/6, Tiền Giang 35/525, Vĩnh Long 6/68 mẫu). 

Tuy nhiên tại cơ sở giết mổ, báo cáo kết quả dương tính với chất cấm Salbutamol được phát hiện tại các địa phương có chiều hướng tăng lên. Theo Cục này, có 109/654 mẫu nước tiểu (chiếm 16,7%) dương tính với chất Salbutamol (Đăk Nông 3/54, Đồng Nai 3/6, TP HCM 95/516, Tây Ninh 5/9, Tiền Giang 3/9 mẫu). 

Khống chế bằng cách nào?

Để khống chế vấn nạn này, nhiều biện pháp đã được đưa ra. Báo cáo của Sở NN &PTNT TP Hồ Chí Minh kiểm tra 14 cơ sở giết mổ lợn đưa về từ các địa phương lân cận (Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa, Vĩnh Long), nồng độ chất Salbutamol trong các mẫu nước tiểu đạt mức rất cao (cao nhất là 665ppb). Vì vậy, lò mổ sẽ là một trong những tâm điểm chính để cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện chất cấm. 

Cùng với đó là việc chỉnh sửa kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật như: bổ sung danh mục một số chất cấm sử dụng trong lĩnh vực chăn nuôi, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 để bổ sung quy định xử lý hình sự đối với các đối tượng có sử dụng chất cấm. 

Một số địa phương cho rằng, về lâu dài cần phải xây dựng các chuỗi nông sản an toàn thực phẩm. Vì thế, cần phải tổ chức lại sản xuất, có cơ chế chính sách cơ chế khuyến khích nông dân và doanh nghiệp cùng tham gia. 

“Muốn có sản phẩm có nguồn gốc đảm bảo, chúng ta phải tổ chức các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Hiện nay khâu hướng dẫn tiêu thụ đang yếu, cũng đã có nhiều chính sách về hỗ trợ sản xuất và chế biến nhưng hỗ trợ chỉ dẫn thế nào những sản phẩm nông sản an toàn đối với người tiêu dùng lại còn hạn chế.

Nếu chúng ta xác định theo chuỗi sẽ kiểm soát được an toàn thực phẩm với những nông sản được chứng nhận an toàn phục vụ người tiêu dùng thì ngoài những chính sách đã có, đề nghị phải bổ sung thêm chính sách cho khâu này.”- ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất.  

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, trong 4 tháng tới sẽ tập trung kiểm soát việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, vấn đề này phức tạp nhưng với kinh nghiệm trong xử lý chất cấm, nếu cùng phối hợp tập trung chỉ đạo có thể làm được; tiếp đến là xử lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, quả. Bộ NN&PTNT sẽ cùng với các địa phương hành động quyết liệt kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật, thuốc giả, kém chất lượng. 

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu trong vòng 2 tháng tới, Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt và Tổng cục Thủy sản phải hoàn thành sửa đổi Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt - 

VietGAP để khuyến khích nông dân sản xuất nông sản có xác nhận an toàn; đồng thời đề nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến mức tồn dư tối thiểu các loại kháng sinh để từ đó Bộ NN&PTNT cũng như địa phương có cơ sở để giám sát và xử lý vi phạm.

Đọc thêm