Hiệp định EVFTA - Hiện thực hóa triển vọng: Kỳ 1 - Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt nhất cơ hội từ EVFTA

(PLVN) - Ngày 1/8/2020, Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - châu Âu (EVFTA) sẽ đi vào thực thi. Đây là Hiệp định được chờ đợi nhất của Việt Nam. Để hiện thực hóa những triển vọng kinh tế đã được dự báo, Việt Nam cần phải làm gì? 
Hà Nội sẽ xây thêm 43 cụm công nghiệp để giúp doanh nghiệp tận dụng EVFTA
Hà Nội sẽ xây thêm 43 cụm công nghiệp để giúp doanh nghiệp tận dụng EVFTA

Số lượng doanh nghiệp đóng trên địa bàn 2 thành phố lớn nhất cả nước (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) chiếm phần lớn số doanh nghiệp của Việt Nam. Chính quyền 2 thành phố đã chuẩn bị những gì để giúp doanh nghiệp trên địa bàn tận dụng tốt nhất Hiệp định này? 

Hà Nội xây dựng thêm 43 cụm công nghiệp 

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới trên địa bàn Thủ đô liên tục tăng. Tính đến 31/5/2020, tổng số DN trên địa bàn lên khoảng 288 nghìn DN, trong số đó chủ yếu là DN quy mô nhỏ và vừa (DNNVV). 

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, với tinh thần đồng hành cùng DN, xác định DN là động lực phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố (TP) Hà Nội coi công tác hỗ trợ DN nói chung và DNNVV nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm.TP luôn áp dụng mức hỗ trợ tối đa cho DN theo quy định khung của Chính phủ.

Ông Thăng cũng cho biết, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thực EVFTA, Hà Nội đã xây dựng “Kế hoạch Thực hiện EVFTA của TP Hà Nội giai đoạn 2020-2025”. Qua đó từng sở, ngành, quận, huyện căn cứ xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể hoặc lồng ghép trong các kế hoạch triển khai các nhiệm vụ kinh tế- xã hội của ngành, lĩnh vực và địa phương mình với các nhóm giải pháp cơ bản. 

Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU cho các DNNVV trên địa bàn. Ngay từ năm 2019, Hà Nội đã tập trung phổ biến những nội dung như đặc điểm thị trường các nước trong EVFTA; cơ hội và thách thức khi thực hiện EVFTA; các cam kết chuyên sâu về đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, nông, lâm, ngư nghiệp, lao động, môi trường; các rào cản phi thuế quan, rào cản kỹ thuật trong EVFTA… đến cộng đồng DN.

Ngoài ra, Hà Nội cũng chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV để thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA như ban hành các chính sách hỗ trợ DN, chú trọng đến DNNVV; Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN về thủ tục, hỗ trợ tiếp cận tín dụng, vay từ Quỹ Đầu tư phát triển TP.

“Đặc biệt TP đã tạo điều kiện tối đa về mặt bằng sản xuất kinh doanh cho DNNVV khi đã dành khoảng 800 ha đất đầu tư 43 cụm công nghiệp và sẽ cố gắng khởi công 1/2 diện tích này trong nửa cuối năm 2020 để đáp ứng yêu cầu của DN sản xuất phục vụ xuất khẩu (XK)”, ông Thăng thông tin.

TP Hồ Chí Minh sẽ chú trọng dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu

Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo bà Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương, EU hiện là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam; đồng thời là thị trường xuất siêu truyền thống của TP Hồ Chí Minh. EU là đối tác XK lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc) và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 của TP (sau Trung Quốc).

Hiện nay, kim ngạch XK sang EU chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng kim ngạch XK của TP Hồ Chí Minh. Do vậy, với tinh thần chờ EVFTA có hiệu lực, trong các năm qua TP luôn chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ DNNVV trên địa bàn.

Bà Tú cũng thông tin, hiện TP đang tập trung xây dựng Đề án Phát triển XK đến năm 2025, định hướng năm 2030 để định hướng hoạt động XK theo hướng chuyển dịch sang dịch vụ hỗ trợ XK. Theo đó, TP sẽ là trung tâm cung cấp dịch vụ XK cho các tỉnh, thành phía Nam và cơ cấu lại ngành hàng XK theo hướng chuyển sang XK sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao như phần mềm, sản phẩm nội dung số; nông sản được canh tác - tinh chế bằng công nghệ cao...

“Đó là định hướng để vừa giữ được tăng trưởng kim ngạch XK, vừa đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác về “chiều sâu” đối với các thị trường “khó tính” như EU”, bà Tú khẳng định.

Trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, TP Hồ Chí Minh cũng định hướng trở thành 1 trung tâm giao dịch, trung chuyển hàng hóa quan trọng ở Đông Nam Á. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án Phát triển ngành Logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, tạo nền tảng phát triển kinh tế và hỗ trợ hoạt động XK của DNNVV trên địa bàn TP. 

Do đó, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh kiến nghị cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai, thực thi khi Hiệp định có hiệu lực để giúp các DN nắm bắt thông tin và xây dựng kế hoạch xúc tiến XK hàng hóa sang thị trường EU; Đồng thời tăng cường công tác thông tin về các thị trường XK hàng hóa, đặc biệt là các thị trường trong Liên minh EU; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến XK, có chính sách hỗ trợ DNNVV XK hàng hóa vào thị trường EU.

Đọc thêm