Hiệp định EVIPA nâng cao vị thế Việt Nam

(PLVN) - Đó là nội dung được nhấn mạnh tại Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA) được Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV hôm qua (20/5).
Hiệp định EVIPA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Hiệp định EVIPA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Kiến nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định EVIPA 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, việc tham gia Hiệp định EVIPA phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc Quốc hội Việt Nam sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA đồng thời với Hiệp định EVFTA tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ tăng sự tin cậy; tạo tiền đề quan trọng để các nước thành viên EU sớm hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định EVIPA có hiệu lực. 

Bên cạnh những cơ hội, Hiệp định EVIPA cũng có một số thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của nhà đầu tư nước ngoài; hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, thẩm phán, luật sư, trọng tài viên quốc tế, doanh nghiệp để đáp ứng xử lý các tranh chấp đầu tư theo Hiệp định…

Căn cứ Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ, ý kiến thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định EVIPA và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA theo quy trình một phiên họp tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Quốc hội tăng cường hợp tác nghị viện với các nước thành viên EU để thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA.

Cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại từ châu Âu

Tại phiên họp thảo luận việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA chiều cùng ngày, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) thể hiện sự đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đề nghị Quốc hội sớm phê chuẩn Hiệp định EVFTA cũng như Hiệp định EVIPA. Theo Đại biểu, việc sớm thông qua 2 Hiệp định này sẽ đem lại cho Việt Nam chúng ta nhiều lợi ích, trước hết là thúc đẩy thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU. 

Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU chiếm khoảng 11% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, trong đó, chúng ta xuất khẩu vào thị trường châu Âu khoảng 41,7 tỉ USD, chiếm hơn 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khi Hiệp định được ký kết, các dòng thuế sẽ tiến về mức 0%, tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam có thể đi vào châu Âu nhiều hơn.

Bên cạnh đó, khi Hiệp định này được ký kết, người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận máy móc thiết bị với giá cả phải chăng, nhất là mỹ phẩm châu Âu. Việc ký sớm 2 Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA cũng sẽ giúp chúng ta thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài từ châu Âu; thông qua Hiệp định này giúp chúng ta có thể tiếp cận được các nhà đầu tư với công nghệ hiện đại từ châu Âu.

Tán thành với việc đề nghị Quốc hội sớm phê chuẩn 2 Hiệp định trên, Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) kiến nghị, để việc thực thi 2 Hiệp định đạt được những kết quả cao nhất, cần đổi mới thể chế kinh tế, hoàn thiện thể chế pháp luật theo các cam kết quốc tế, công khai, minh bạch; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, cải cách hành chính. Theo ông Sơn, cần hoàn thành tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, tăng cường năng lực cạnh tranh ở 3 cấp độ là quốc gia; doanh nghiệp và sản phẩm.             

Sáng cùng ngày, Quốc hội nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định  EVIPA. 

Phó Chủ tịch nước cho biết, những nội dung về bảo hộ, tự do hóa đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư đã được đàm phán như một phần của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu ÂU (EU) từ năm 2012. Tuy nhiên, sau đó nội bộ EU phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến phân định thẩm quyền phê chuẩn các FTA giữa EU và từng nước thành viên nên EU đề xuất tách Hiệp định Tự do thương mại tự do giữa Việt Nam – EU thành 2 Hiệp định riêng biệt gồm: Hiệp định Thương mại tự do EVFTA quy định các vấn đề thương mại và toàn bộ nội dung về tự do hóa đầu tư trực tiếp đã được hai bên thống nhất trước đây và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA gồm các quy định bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định có 4 chương, 92 điều và 13 phụ lục.

Đọc thêm