Hiệp định FTA chỉ thành công khi EU đàm phán trong thiện chí

"Việt Nam là nước đang phát triển, tất cả các tiêu chuẩn đều chưa thể đạt như các nước EU, do đó, Hiệp định FTA chỉ thành công khi EU thấu hiểu điều kiện của Việt Nam và mềm dẻo, thiện chí trong quá trình đàm phán".
"Việt Nam là nước đang phát triển, tất cả các tiêu chuẩn đều chưa thể đạt như các nước EU, do đó, Hiệp định FTA chỉ thành công khi EU thấu hiểu điều kiện của Việt Nam và mềm dẻo, thiện chí trong quá trình đàm phán".

Cơ hội tăng cường xuất khẩu

Với hơn 500 triệu người tiêu dùng, EU là nhà nhập khẩu và xuất khẩu lớn nhất thế giới, chiếm trên 20% tổng GDP toàn cầu trong năm 2010. Trong vòng thập kỷ qua, EU đã trở thành đối tác thương mại – đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam . Kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2010 đạt 15,5 tỉ USD (số liệu từ cơ quan Hải quan của Việt Nam), tương đương 13,164 tỉ euro. Trong đó, da giầy đạt giá trị xuất khẩu 1,75 tỉ Euro, may mặc đạt 1,43 tỉ euro, cà phê đạt 794,5 triệu Euro, thủy sản đạt 739,2 triệu euro và đồ gỗ đạt 720,5 triệu euro. Cán cân thuơng mại của Việt Nam có dấu hiệu khả quan, năm 2010, Việt Nam đạt thặng dư thuơng mại với EU là 5 tỷ USD (với Mỹ là 10,5 tỷ USD).

kt.jpg

"Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU sẽ mang lợi cho hai phía. Người tiêu dùng 27 nước EU có thêm lựa chọn với hàng hóa giá rẻ của chúng tôi, đổi lại, chúng tôi có điều kiện tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, rồi nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến của EU với giá hợp lý. Tôi mong Hiệp định được ký càng sớm càng tốt. Chỉ lưu ý, EU nên xem xét các quy định về nguồn gốc xuất xứ, và vì EU là thị trường khó tính mà đòi hỏi doanh nghiệp Vịêt Nam phải đạt các tiêu chuẩn kĩ thuật EU ngay, là rất khó", ông Nguyễn Hữu Phải - Tổng giám đốc Cty cổ phần May Bắc Giang cho biết.

Vị giám đốc này tin rằng, sau khi các hiệp định thương mại được ký kết, ngành dệt may đều được lợi. Ví dụ, hiệp định giữa Việt Nam và Hàn Quốc ký năm 2006, đến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu đã ăng gấp 3,68 lần; hiệp định giữa Vịêt Nam và Nhật Bản ký năm 2008, đến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu tăng 1,75 lần. "Hàng dệt may của chúng tôi vào EU rất nhiều, song hiện thuế quan EU áp cho ngành dệt may và da giày quá cao,  bình quân 20%", ông Phải nói. 

Đảm bảo nguyên lý "win-win"

Từ phía đối tác, ông Juan – Jose Almagro Herrador - Cố vấn Kinh tế và chính trị, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Vịêt Nam khẳng định, Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU  được ký kết - khi đó  EU sẽ hạ thấp thuế quan - Việt Nam sẽ có cơ hội tăng cường xuất khẩu vào EU, đặc biệt là những lĩnh vực chủ chốt như dệt may, thủy sản, da giày. Ngược lại, EU sẽ xuất khẩu các sản phẩm, công nghệ và dịch vụ chất lượng cao sang Việt Nam, và nếu biết tận dụng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ nâng cao được sức cạnh tranh về dài hạn…

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: phạm vi của Hiệp định FTA về thương mại hàng hóa là xóa bỏ nghĩa vụ thuế quan và các quy định thương mại khác. Các vấn đề sẽ được đưa ra đàm phán gồm: các thuế quan và các hạn chế về mặt định lượng sẽ được xóa bỏ (có thể sẽ áp dụng cho ít nhất 90 đến 95% các dòng thuế); các quy định về nguồn gốc (ROO); nâng cao các nghĩa vụ về sự minh bạch, sự công nhận lẫn nhau; hài hòa hóa quy định; đối thoại về quy định và hỗ trợ kỹ thuật.

Theo đó, EU sẽ yêu cầu có các quy định mạnh mẽ hơn để thúc đẩy đầu tư và bảo vệ các nhà đầu tư, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và thuận lợi thương mại; các tiêu chuẩn về lao động và môi trường… Tất cả các quy định này rất khó khăn và khắt khe, cho nên vấn đề đặt ra là làm sao để bảo vệ lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp nội địa và của cả nền kinh tế, hạn chế thấp nhất các rủi ro, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp yếu thế trong nước.

"Việt Nam là nước đang phát triển, tất cả các tiêu chuẩn đều chưa thể đạt như các nước EU, do đó, Hiệp định FTA chỉ thành công khi EU thấu hiểu điều kiện của Việt Nam và mềm dẻo, thiện chí trong quá trình đàm phán", bà Trang lưu ý.

Ông Lê Quang Lân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, một hiệp định thương mại thành công phải đảm bảo nguyên lý "win - win" - hai bên cùng có lợi; nâng tầm quan hệ kinh tế - chính trị giữa Việt Nam và EU, bổ sung cho nhau về cấu trúc kinh tế….

Mai Hoa

 

 

 

Đọc thêm