Hiệu quả chưa như mong đợi trong giúp đỡ nạn nhân BLGĐ

 Bảo đảm bình đẳng giới và lồng ghép giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL), trong đó có nội dung bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình là vấn đề được quan tâm thực hiện ngay từ khi các tổ chức TGPL được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 1997. Tuy nhiên, hiệu quả TGPL cho nhóm đối tượng này lại chưa đem lại hiệu quả cao.

Bảo đảm bình đẳng giới và lồng ghép giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL), trong đó có nội dung bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình là vấn đề được quan tâm thực hiện ngay từ khi các tổ chức TGPL được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 1997. Tuy nhiên, hiệu quả TGPL cho nhóm đối tượng này lại chưa đem lại hiệu quả cao.

Trên cơ sở các điều ước quốc tế và các văn bản pháp luật Việt Nam, Cục TGPL (Bộ Tư pháp) và các Trung tâm TGPL nhà nước đã  tổ chức triển khai thực hiện tất cả các hình thức hoạt động TGPL, trong đó có các hoạt động TGPL dành riêng cho các nhóm đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán, bị bạo lực gia đình.

Đặc biệt, từ năm 2005 trong khuôn khổ thực hiện Dự án “Hỗ trợ hệ thống TGPL ở Việt Nam 2005 - 2009” cùng với một số đối tượng khác, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình chính thức được hưởng TGPL miễn phí. Theo đó, các nạn nhân bạo lực gia đình được TGPL thông qua các hình thức cụ thể: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng…, được tiến hành qua các tổ chức như văn phòng TGPL, các Trung tâm TGPL nhà nước .

Theo số liệu thống kê, trong tổng số người được TGPL thì nữ chiếm trên 40%. Tỷ lệ vụ việc TGPL cho phụ nữ ở các Trung tâm tăng đều hàng năm. Điển hình tại các tỉnh tham gia thực hiện thí điểm lồng ghép giới như: Bến Tre, năm 2006 tỷ lệ người được TGPL là nữ chiếm 37,3%, năm tiếp theo tỷ lệ này tăng lên 51,4%; tại Thanh Hoá tỷ lệ là 35,6% năm 2006 .

Năm 2007, tại 5 tỉnh thực hiện thí điểm lồng ghép giới có 3.248 phụ nữ được TGPL, năm 2008 con số đã tăng lên 4.160. Theo báo cáo của các Trung tâm , trong tổng số vụ việc TGPL hàng năm, có trên 30% đối tượng TGPL là phụ nữ bị bạo hành, phụ nữ nghèo trong các vụ án ly hôn, tranh chấp dân sự, phụ nữ bị xâm hại tình dục hoặc là đại diện hợp pháp của trẻ em bị xâm hại tình dục.

Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi tình trạng bạo lực gia đình diễn ra phức tạp thì đối tượng là nạn nhân của bạo lực gia đình được tiếp cận và được TGPL miễn phí còn hạn chế. Nhiều tổ chức thực hiện TGPL chưa thực sự chú trọng tới việc truyền thông về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các giải pháp phòng ngừa bạo lực gia đình cho phụ nữ, trẻ em. Ngoài ra, tỷ lệ người thực hiện TGPL là nữ còn rất ít, lại chưa được trang bị kỹ năng tiếp xúc, tâm lý làm việc với phụ nữ... nên hiệu quả TGPL cho nhóm đối tượng này chưa cao.

Hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới và TGPL đã được triển khai thực hiện nhưng kết quả mới chỉ dừng lại ở một bộ phận rất nhỏ trong xã hội; chưa có tác động mạnh mẽ tương xứng đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cũng như các tổ chức xã hội có liên quan trong bình đẳng giới; việc thực hiện TGPL cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình mới chỉ được triển khai thí điểm ở một số địa phương trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế mà chưa mở rộng trong phạm vi toàn quốc.

Mặc dù mới đây, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 07/2011/TT-BTP ngày 31/3/2011 có nội dung hướng dẫn về TGPL cho nạn nhân bạo lực gia đình nhưng vấn đề quan trọng  là các địa phương sẽ tổ chức triển khai như thế nào để bảo đảm thực hiện các mục tiêu về lĩnh vực này, tăng chất lượng và số lượng vụ việc TGPL đối với họ.

Doãn Sơn

Đọc thêm