Ngày 24/4, Ban Chỉ đạo chính sách nhà ở Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác chính sách nhà ở Quân đội năm 2017, xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 và những năm tiếp theo. Thượng tướng Trần Đơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo chính sách nhà ở Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Trung tướng Lê Văn Hoàng - Chính ủy Tổng cục Hậu cần, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chính sách nhà ở Bộ Quốc phòng.
Theo Báo cáo kết quả công tác chính sách nhà ở Quân đội năm 2017 của Cục Doanh trại Tổng cục Hậu cần - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chính sách nhà ở Bộ Quốc phòng, thời gian qua, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác chính sách nhà ở trong Quân đội; làm tốt công tác tham mưu, đề xuất thực hiện các nội dung chính sách nhà ở để Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý nhà ở, giai đoạn 2014-2016, Bộ Quốc phòng đã giao chỉ tiêu ngân sách 203 dự án nhà ở công vụ của các cơ quan, đơn vị. Tính đến tháng 3/2018, 180 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, đáp ứng nhu cầu thiết thực cho đội ngũ cán bộ quân đội. Việc quản lý, sử dụng theo đúng quy định của Nhà nước và Quân đội…
Từ năm 2014 trở về trước, số gia đình quân nhân các đơn vị trong Quân chủng Hải quân được cấp nhà ở, đất ở chiếm tỷ lệ chỉ khoảng 14%. Riêng khu vực Hải Phòng, số quân nhân hưởng lương được thụ hưởng nhà ở, đất ở là hơn 7.000 trường hợp nhưng hiện nay chỉ mới hơn 1.000 trường hợp được giải quyết. Còn toàn Quân chủng, số gia đình quân nhân có nhu cầu về nhà ở, đất ở lên đến hơn 30.000 trường hợp. Trong số này, nhiều trường hợp phải đi thuê nhà với giá cao, trung bình từ 3-5 triệu đồng/tháng nhất là gia đình quân nhân ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... Năm 2011, Vùng 3 Hải quân là đơn vị đầu tiên của Quân chủng có nhà công vụ cho cán bộ đơn vị thuê với số tiền tương đương 10% lương/tháng.
Trước những khó khăn về nhà ở, đất ở cho đối tượng hưởng lương, Quân chủng đã đề xuất với Bộ Quốc phòng và chủ động làm việc với các địa phương để chuyển đổi đất quốc phòng đang còn dôi dư sang đất ở, đồng thời thực hiện chủ trương xây nhà công vụ. Từ năm 2012 đến nay, dù gặp không ít khó khăn do quĩ đất có hạn, các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất luôn phức tạp nhưng Quân chủng và các đơn vị đã chủ động, kiên trì làm việc với các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và Quảng Ninh để tạo thêm quĩ đất. Đã có 5 địa phương đồng ý và phê duyệt qui hoạch theo đề nghị của Quân chủng. Riêng Vùng 3 và Vùng 5 đã được lãnh đạo địa phương sớm phê duyệt qui hoạch chi tiết. Hiện nay các đơn vị đã san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, các lô đất ở khu vực Hải Phòng còn vướng mắc do thành phố qui định phải đấu giá quyền sử dụng đất như các dự án phát triển nhà của thành phố. Nếu thực hiện theo phương án của TP Hải Phòng thì giá đất sẽ rất cao, tương đương với giá thị trường.
Song song với chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ năm 2010, Quân chủng Hải quân đã rà soát nhu cầu nhà công vụ ở các đơn vị và bố trí, qui hoạch gần 300 héc ta đất để xây nhà công vụ tại các địa bàn trọng điểm, khó khăn về nhà ở. Đến nay đã có 16/30 dự án nhà công vụ hoàn thành với 2.485 căn. Các đơn vị được đầu tư xây nhà công vụ giai đoạn này là nhà công vụ Vùng 3 Hải quân (220 căn), Khu đô thị Căn cứ Cam Ranh (916 căn), Lữ đoàn 681 (48 căn), Hải đoàn 129 (98 căn), Vùng 1 Hải quân (60 căn), Lữ đoàn 679 (48 căn), Lữ đoàn 126 (40 căn), Lữ đoàn 131 (44 căn), Nhà máy X28 (42 căn). Năm 2017 có thêm nhà công vụ Lữ đoàn 147 (40 căn) và nhà công vụ tại Phú Hữu, quận 9, TP Hồ Chí Minh (242 căn) đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai các dự án phát triển nhà ở cho cán bộ quân đội đang gặp nhiều khó khăn, bất cập trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư gắn với sắp xếp xử lý nhà đất theo các quyết định và nghị định của Chính phủ. Các đơn vị chưa chủ động đề nghị địa phương hỗ trợ quỹ đất phát triển nhà ở và tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cũng như thủ tục đầu tư. Công tác quản lý đầu tư xây dựng còn hạn chế, thiếu đồng bộ về hạ tầng, thiết kế kiến trúc; bố trí công năng sử dụng chưa phù hợp với mục tiêu dự án; việc quản lý, khai thác đã phát sinh các yếu tố phức tạp…
Thượng tướng Trần Đơn yêu cầu, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng phải phối hợp chặt chẽ, rà soát lại toàn bộ các nội dung trong thực hiện chính sách nhà ở cán bộ quân đội, nhất là những vấn đề bất cập và những giải pháp tháo gỡ, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo với Đảng, Nhà nước tạo cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho cán bộ quân đội thiết thực, khoa học, đáp ứng tốt nhu cầu của các cơ quan, đơn vị.