Hiệu quả tích cực từ chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại

(PLVN) - Ở cả 2 chiều xuất khẩu và nhập khẩu, công tác ứng phó với phòng vệ thương mại đều đã mang lại những kết quả tích cực khi doanh nghiệp chủ động ứng phó.
Thủy sản là ngành “va chạm” với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài từ sớm. (Ảnh: TTXVN).

Bảo vệ tốt thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước

Đại diện Cục Phòng vệ thương mại (PVTM - Bộ Công Thương) thông tin, đến hết tháng 9/2024, Việt Nam đã tiến hành 30 cuộc điều tra (PVTM) và đang duy trì áp dụng 22 biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu. Tổng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước tham gia các vụ việc PVTM ước đạt 475 nghìn tỷ đồng. Số lao động trực tiếp làm việc tại các DN khoảng trên 36.000 người. Thu ngân sách hàng năm từ thuế PVTM đạt từ 1.200 - 1.500 tỷ đồng.

Ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký (TTK) Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, ngành thép là ngành hàng có tính cạnh tranh cao nhưng luôn có tình trạng dư cung trên toàn cầu nên dễ xảy ra hiện tượng DN nước ngoài bán phá giá để giải quyết lượng tồn kho, đặc biệt trong những giai đoạn mà thị trường tại nước xuất khẩu (XK) gặp khó khăn. Chính vì vậy, thép là một trong những ngành hàng có số lượng các vụ việc điều tra PVTM lớn nhất, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Theo ông Thái, nhờ có các biện pháp PVTM, ngành thép Việt Nam đã có cơ hội phát triển, đủ sức cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu ở thị trường trong nước. Đồng thời, ngành thép cũng đã xây dựng được chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ thép cán nóng, thép cán nguội, thép mạ, đủ năng lực để mở rộng XK sang các thị trường khác.

Ông Trần Vĩnh Chung - TTK Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cũng cho biết, kể từ khi thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng với đường nhập khẩu từ Thái Lan, sản lượng đường sản xuất trong nước đã tăng từ xấp xỉ 700.000 tấn niên vụ 2020 - 2021 lên gần 1,2 triệu tấn niên vụ 2023 và đến tháng 9/2024 tăng 161%. Doanh thu của các nhà máy đường đã tăng gấp đôi trong cùng giai đoạn.

“Tác động của biện pháp PVTM không chỉ giới hạn ở kết quả hoạt động kinh doanh của các nhà máy đường mà còn thể hiện qua sự cải thiện trong thu nhập của người nông dân trồng mía. Giá mua mía trung bình đã tăng từ 850.000 đồng/tấn mía niên vụ 2020 - 2021 lên xấp xỉ 1,2 triệu đồng/tấn mía niên vụ 2023 - 2024, tăng 152%. Người nông dân đã yên tâm gắn bó hơn với cây mía, diện tích trồng mía tiếp tục được mở rộng” - ông Chung nói.

Sự chủ động đóng vai trò quan trọng

Tính đến nay, hàng XK của Việt Nam đã phải đối mặt với 263 vụ việc điều tra PVTM từ 25 thị trường. Trong đó, đứng đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (144 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (53 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp PVTM (38 vụ việc) và chống trợ cấp (28 vụ việc).

Theo đánh giá của các hiệp hội, tuy số lượng các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa XK của Việt Nam có xu hướng tăng lên nhưng nhờ có sự chủ động của các DN cũng như sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, nhiều vụ việc đã đạt được kết quả tương đối tích cực như DN không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, từ đó tiếp tục giữ được thị trường XK.

Ông Cao Xuân Thanh - Chánh Văn phòng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, ngành gỗ đã phải xử lý một số vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Kinh nghiệm trong việc xử lý các vụ việc này cho thấy sự chủ động của các DN đóng vai trò hết sức quan trọng. Các DN cần đánh giá nguy cơ, rủi ro từ sớm để có chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Trong quá trình xử lý vụ việc, các DN cần hợp tác, cung cấp dữ liệu đầy đủ, chính xác, thống nhất cho cơ quan điều tra. Ngoài ra, DN cũng cần nỗ lực tối đa trong quá trình cung cấp thông tin do khối lượng thông tin, dữ liệu mà cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp là rất lớn trong khi thời gian yêu cầu cung cấp lại hạn chế. “DN cần phải đầu tư thời gian để hoàn thiện các hồ sơ bởi những nỗ lực đầu tư này có thể đem lại những thành quả xứng đáng. Đó không chỉ là việc các doanh nghiệp duy trì được thị trường XK mà còn có cơ hội tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng theo hướng bền vững và gia tăng tỷ lệ sử dụng các nguyên vật liệu trong nước” - ông Thanh nói.

Ông Trương Đình Hòe - TTK Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam chia sẻ, thủy sản là ngành va chạm với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài từ sớm với các vụ việc điều tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với cá tra, basa và tôm từ năm 2002. Đến nay, mặc dù các mặt hàng này vẫn tiếp tục bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá nhưng nhiều DN Việt Nam đã có thuế suất 0% và duy trì được lượng XK ổn định sang thị trường Hoa Kỳ. Theo ông Hòe, kết quả này là nhờ có sự kiên trì và chủ động của các DN, sự tích cực của Hiệp hội và sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đọc thêm