Hiệu quả triển khai thí điểm sử dụng bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử

(PLVN) - Triển khai cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử và tích hợp trả kết quả điện tử trên phần mềm dịch vụ công liên thông đã hạn chế tối đa nhầm lẫn; tạo thuận lợi cho người dân và giảm thời gian, chi phí.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cùng đoàn công tác kiểm tra công tác triển khai cấp bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử tại xã Liêm Tuyền (Hà Nam).

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo, Bộ Tư pháp đã thực hiện nâng cấp, bổ sung tính năng tạo lập bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử của Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, gửi cho Phần mềm dịch vụ công liên thông, thực hiện liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến đăng ký khai sinh (ĐKKS), đăng ký khai tử (ĐKKT) và triển khai thí điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam từ ngày 17/4/2023.

Quá trình thí điểm, Bộ Tư pháp luôn bám sát, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện, tổ chức Đoàn công tác liên ngành kiểm tra trực tiếp, đánh giá tình hình sử dụng bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử phục vụ liên thông 2 nhóm TTHC tại thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam. Qua hơn 01 tháng triển khai thí điểm, thành phố Hà Nội đã cấp hơn 9.500 bản điện tử Giấy khai sinh, 710 bản điện tử Trích lục khai tử; tỉnh Hà Nam cấp hơn 1.600 bản điện tử Giấy khai sinh, 450 bản điện tử Trích lục khai tử.

Việc cấp bản điện tử đã hỗ trợ công chức xử lý hồ sơ liên thông nhanh, gọn hơn, ngay sau khi đăng ký thành công, được cấp số định danh là có thể gửi liên thông sang cơ quan Bảo hiểm và Công an, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Công nghệ thông tin) đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh.

Đặc biệt, đối với cán bộ thực hiện, từ khi triển khai cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử và tích hợp trả kết quả điện tử trên phần mềm dịch vụ công liên thông đã giảm bớt được thời gian hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ và quá trình thao tác xử lý hồ sơ, hạn chế tối đa nhầm lẫn; tạo thuận lợi cho người dân khi giảm thời gian, chi phí sao chụp, thiết lập hồ sơ so với thực hiện các thủ tục đơn lẻ, phần lớn kết quả được trả trước hạn. Điều này cũng tạo thuận lợi cho cán bộ hộ tịch trong việc giải quyết hồ sơ, việc đính kèm kết quả hộ tịch đin tử QR Code được thực hiện một cách nhanh chóng, thao tác đơn giản.

Để các địa phương chuẩn bị tốt điều kiện về kỹ thuật, thiết bị và nhân lực triển khai việc liên thông TTHC, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, kỹ thuật, bố trí trang thiết bị cần thiết để thực hiện ký số bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử (USB ký số). Đồng thời phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, BHXHVN thực hiện việc tập huấn trực tuyến cho các địa phương về nghiệp vụ triển khai 02 nhóm TTHC liên thông Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 06 tuổi; Đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng. Bộ Tư pháp cũng tổ chức buổi tập huấn trực tuyến cho các địa phương về nghiệp vụ triển khai 02 nhóm TTHC liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử nêu trên.

Mặc dù vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm, nhưng để triển khai việc liên thông 02 nhóm TTHC liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử đúng quy định pháp luật, bảo đảm khả thi, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nâng cấp, chỉnh lý Phần mềm đối với Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch, hoàn thiện bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin, dữ liệu; đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hiện TTHC trực tuyến, thực hiện liên thông TTHC; huy động các nguồn lực tại chỗ phù hợp để hỗ trợ người dân thực hiện TTHC.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ chỉ đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an điều chỉnh, hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với quy trình liên thông TTHC cũng như phần mềm dịch vụ công liên thông, bảo đảm phù hợp với quy trình một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận hồ sơ hành chính. Bộ Công an tạo điều kiện tốt nhất việccấp số định danh cá nhân, kịpthời giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh cũng như các thủ tục hành chính liên thông.

UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm bố trí trang thiết bị, cơ sở vật chất tại cơ quan đăng ký hộ tịch cấp huyện, cấp xã để đáp ứng yêu cầu thực hiện việc liên thông TTHC, như: máy scan, ký số để ký số bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử. Các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc thực hiện TTHC trực tuyến, thực hiện liên thông TTHC; huy động các nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ người dân thực hiện TTHC trên môi trường điện tử…

Đọc thêm