Hiệu quả từ đợt thanh tra kinh phí bảo trì chung cư

(PLVN) - 250 tỷ đồng là con số kinh phí bảo trì mà Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu và các chủ đầu tư đã chuyển trả cho ban quản trị nhà chung cư, thông qua 15 kết luận vừa được ban hành.
Ảnh minh họa.

Phí bảo trì chung cư là một trong những vấn đề vô cùng nóng tại nhiều cuộc tranh chấp "nổ" ra những năm gần đây. Không ít "cuộc chiến" bảo trì diễn ra gay gắt, cư dân bức xúc phải treo băng rôn, biểu ngữ.

Tại một loạt kết luận thanh tra do Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ký ban hành, rất nhiều vi phạm, thiếu sót, tồn tại trong lĩnh vực quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu nhà chung cư được nêu rõ.

Theo đó, 250 tỷ đồng là con số kinh phí bảo trì 2% mà Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu và các chủ đầu tư đã chuyển trả cho ban quản trị nhà chung cư thông qua 15 kết luận được ban hành.

Thanh tra cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 chủ đầu tư với số tiền là 820 triệu đồng và buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ ngay phần lấn chiếm không gian sử dụng chung để trả lại cho cư dân.

Trả lời báo chí, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, năm 2020, Thanh tra Bộ đã thực hiện hoàn thành 11 đoàn thanh tra theo kế hoạch và đột xuất, giải quyết triệt để các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đôn đốc kiểm tra bảo đảm thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra.

Ông Tuấn nhấn mạnh, cuộc thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung tại 22 nhà chung cư là tiếng chuông cảnh tỉnh với các chủ đầu tư. Những chủ đầu tư đang có ý định "găm giữ" quỹ bảo trì 2% và chiếm dụng không gian sở hữu chung nhà chung cư sẽ bị xử lý nghiêm và buộc trả lại phần lấn chiếm.

Thanh tra Bộ cũng sẽ tiếp tục báo cáo Bộ trưởng Xây dựng để thanh tra những vấn đề nóng, phức tạp về xây dựng qua phản ảnh của dư luận và báo chí.

Theo Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 9/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật sẽ bị điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm.

Ông Đinh Quang Tuấn, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng, cho biết, có nhiều nguyên nhân, vi phạm tồn tại dẫn đến xuất hiện các "điểm nóng" trong tranh chấp chung cư vừa qua.

Một số chủ đầu tư chậm chuyển giao kinh phí bảo trì vào tài khoản của ban quản trị đã mở. Có những chung cư chậm từ 1 đến 3 năm với số tiền chậm chuyển lên tới 250 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, quá trình làm việc đa phần các nhà chung cư chưa quyết toán số liệu kinh phí bảo trì. Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ rõ đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc tranh chấp khiếu nại kéo dài, trong đó trách nhiệm thuộc chủ đầu tư và ban quản trị...

Việc chưa thống nhất số liệu quyết toán có nhiều nguyên nhân nhưng tập chung chủ yếu ở nguyên nhân nhận thức pháp luật, cách thức, thái độ làm việc để tìm được tiếng nói chung để đi đến thống nhất, việc phân chia diện tích chung - riêng, diện tích mà chủ đầu tư được giữ lại... Thanh tra đã chỉ rõ đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc tranh chấp khiếu nại kéo dài, trong đó trách nhiệm thuộc chủ đầu tư và ban quản trị.

Nhiều chủ đầu tư chưa mở tài khoản kinh phí bảo trì trong thời gian 7 ngày kể từ ngày thu kinh phí của khách hàng để tạm quản lý, hoặc mở tài khoản nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở chung cư đó biết là vi phạm Điều 109 Luật Nhà ở năm 2014; trong đó, chậm mở tài khoản kinh phí bảo trì từ 12 đến 24 tháng.

Nhiều chung cư lấn chiếm, sử dụng không gian thuộc sở hữu chung sử dụng vào mục đích riêng của các chủ sở hữu dưới mọi hình thức. Thanh tra đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc áp dụng các biện pháp khắc phục lại nguyên trạng hơn 1.000m2 bị lấn chiếm.

Trước đó, Bộ Xây dựng ban hành kế hoạch thanh tra năm 2020 tại Quyết định số 980 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà ký. Theo đó, danh sách Hà Nội có các chủ đầu tư dự án thanh tra về công tác quản lý sử dụng kinh phí bảo trì.

Đọc thêm