Hiệu quả từ mô hình “thắp sáng và lũy tre vùng biên giới”

(PLVN) - Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đồng Tháp phối hợp với MTTQ, các sở, ban ngành, tổ chức chính trị xã hội địa phương vận động lắp được 910 hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Số đèn này đã thắp sáng 89% chiều dài đường tuần tra biên giới.

Tình quân dân

Chương trình Thắp sáng đường biên gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên khu vực biên giới.

Ánh sáng đèn đường giúp tăng hiệu quả tố giác tội phạm của người dân

Công trình được đưa vào sử dụng nhằm hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ biên phòng trong công tác tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm. Các đoạn đường tuần tra được thắp sáng, không chỉ giúp lực lượng biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc và trên hết là bảo vệ an toàn cuộc sống của Nhân dân. Ngược lại, ánh sáng đèn trải khắp giúp hiệu quả “tình báo”, tố giác tội phạm của người dân dễ dàng, chính xác hơn. Tuy hoa mỹ, nhưng rõ ràng có thể ví von rằng thắp sáng đường biên, ánh sáng văn minh bao phủ, bóng tối tội phạm lùi xa.

Ngoài ra, chương trình còn góp phần tuyên truyền với người dân khu vực biên giới hiểu được lợi ích của việc sử dụng pin năng lượng mặt trời, giảm tiêu thụ năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đường được thắp sáng còn giúp người dân khu vực biên giới di chuyển, hoạt động trên tuyến đường vào buổi tối được an toàn hơn.

Đồn biên phòng Thường Phước là đơn vị có đường biên thắp sáng tương đối dày với đoạn biên giới dài 7,2 km (trong đó có khoảng 1,1km biên giới trên sông), đường tuần tra biên giới dài khoảng 6km.

Trung tá Trương Văn Thi – Chính trị viên Đồn biên phòng Thường Phước

Trung tá Trương Văn Thi, Chính trị viên Đồn biên phòng Thường Phước thông tin: "Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thường Phước có 185 đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Các trụ đèn được chúng tôi quan sát bảo dưỡng và sử dụng rất hiệu quả. Hiện có 6 đèn cần thay mới trên đoạn biên giới khoảng 100m. Từ chốt dân quân đến chốt quản lý biên giới và phòng chống dịch số 2 chưa có đèn chiếu sáng. Đơn vị đề nghị BCH huy sửa chữa 6 đèn và cấp thêm 5 đèn để hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng đường tuần tra biên giới do đồn quản lý".

Đại diện Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Thắp sáng vùng biên là công trình đã được triển khai trên nhiều tuyến biên giới của nước ta, hiệu quả và giá trị đã được minh chứng rõ ràng. Đây là một cách làm hay, ý nghĩa và thiết thực, do đó thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn đẩy mạnh triển khai, xây dựng công trình này. Cụ thể, đơn vị tiếp tục phối hợp vận động đảm bảo bố trí 340 cụm đèn chiếu sáng/10km đường tuần tra biên giới trị giá 578 triệu đồng đảm bảo 100% đường tuần tra biên giới có đèn chiếu sáng.

Luỹ tre biên giới

Mô hình Luỹ tre biên giới có sự phối hợp cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, biên phòng và người dân.

Mô hình trồng và chăm sóc tre chống sạt lở đường tuần tra biên giới kết hợp quốc phòng – an ninh được biên phòng Đồng Tháp triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay. Một phần nguồn kinh phí của UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với MTTQ, các sở ban ngành các tổ chức chính trị xã hội trong và ngoài tỉnh vận động và trồng được hơn 22.900 cây tre/30,6 km đường biên giới, trừ những nơi nhà dân sát biên giới, đất sản xuất, những nơi không trồng được.

Với tổng kinh phí trị giá hơn 1,7 tỷ đồng (gồm cây giống, dụng cụ và công chăm sóc cây), hiện nay số lượng cây trồng đạt tỉ lệ sống và phát triển tốt. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục chăm sóc, trồng bổ sung đảm bảo tỷ lệ sống đạt được yêu cầu đề ra, góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh cũng như công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên biên giới.

Để mô hình được triển khai hiệu quả, các đồn biên phòng đã chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các nhà hảo tâm tuyên truyền, kêu gọi tài trợ tre giống và hỗ trợ người dân vùng biên trồng tre. Qua đó, tạo nên sự gắn bó giữa quân và dân, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới.

Ông Mai Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước cho biết: “Toàn thể lực lượng đoàn viên thanh niên của các cấp, ngành cùng người dân rất hào hứng khi kết hợp với biên phòng để thực hiện trồng tre dọc biên giới. Bởi lũy tre không chỉ phòng chống sạt lở, có giá trị chiến lược bảo vệ biên giới mà hơn hết là sự gắn kết, đồng lòng của toàn dân trong việc chung tay cùng lực lượng biên phòng giữ gìn biên cương tổ quốc”.

Sau khi trồng, tre sẽ do các hộ dân tự quản đường biên, cột mốc tiến hành trồng và chăm sóc, qua đó góp phần đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Ông Hà Văn Oai - Tổ trưởng Tổ đường biên mốc quốc giới số 2 cùng lực lượng biên phòng kiểm tra tre trên đường biên.

Ông Hà Văn Oai - Tổ trưởng Tổ đường biên mốc quốc giới số 2 (ấp 1, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự) hào hứng chia sẻ: “Tre này bộ đội trồng, tôi hỗ trợ quản lý chăm tưới. Từ năm 2020, tôi được giao quản lý khoảng 1600m bờ tre tương đương 1200 gốc tre, 56 hộ với 289 nhân khẩu. Người dân ở đây tình nguyện tham gia tổ đường biên cột mốc, không tính tiền bạc gì hết. Cái gì biên phòng giao, nhờ hỗ trợ tôi cũng nhận”.

Việc triển khai mô hình Luỹ tre biên giới không chỉ hình thành một vành đai xanh trên tuyến biên giới mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân sinh sống ở khu vực biên giới tích cực tham gia cùng BĐBP trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới...

Đọc thêm