Có thể nói, trong hầu hết các lĩnh vực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều để lại những di sản quý báu, có giá trị lý luận và thực tiễn cao. Dưới sự lãnh đạo của ông, lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022). Đây được xem như “kim chỉ nam” để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và đón nhận Huân chương Độc lập. |
Để thực hiện một cách đồng bộ, với hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định trong Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, cùng với những địa phương khác, Giám đốc Sở Tư pháp Tuyên Quang Nguyễn Thị Thược cho biết, ngành Tư pháp đã khẩn trương tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình hành động, lồng ghép các nội dung vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm để chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bảo đảm chất lượng.
Giám đốc Sở Tư pháp Tuyên Quang Nguyễn Thị Thược. |
Thời gian tới, Tư pháp Tuyên Quang sẽ tập trung vào các nhiệm vụ như: chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến hành cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên địa bàn tỉnh; tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn các cơ quan đăng ký hộ tịch khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch phục vụ giải quyết thủ tục hành chính; chủ động hướng dẫn chuyên môn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến các lĩnh vực quản lý của ngành tại địa phương…
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, giữa năm 2023, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động, trong đó có nội dung tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí. Trước đó, Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị 04-CT/TW tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Các văn bản này là cơ sở pháp lý quan trọng để công tác THADS tiếp tục phát triển, trong đó có sự đóng góp của mỗi địa phương.
Cục trưởng Cục THADS Lâm Đồng Đặng Đình Quyền |
Tại tỉnh Lâm Đồng thời gian qua, ông Đặng Đình Quyền, Cục trưởng Cục THADS cho biết, Cục THADS đã tham mưu Ban thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng một số nội dung liên quan đến công tác thi hành án dân sự.Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh đó, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản về tăng cường công tác thi hành án dân và phối hợp thực hiện đợt thi hành án dân sự cao điểm năm 2024. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự phối hợp của các cấp, ngành và nỗ lực trong hệ thống, Cục trưởng Quyền cho biết 9 tháng đầu năm, Lâm Đồng đã thi hành xong: 7.825 việc trên số việc có điều kiện thi hành, tăng gần 1200 việc (tăng 18%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 66,90; số tiền thi hành xong là trên 1.340 tỷ đồng trên số tiền có điều kiện thi hành, tăng hơn 700 tỷ (tăng 109,41%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ trên 40%.
Thời gian tới, Cục THADS sẽ tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm về THADS trong năm 2024 và các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để đẩy nhanh tiến độ thi hành án, phấn đấu hết năm 2024 hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu về việc và tiền Tổng cục giao.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thi hành án các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tập trung chỉ đạo, thực hiện, tổ chức thi hành án. Trong đó yêu cầu các Chấp hành viên tiếp tục sâu sát công việc, tăng cường đi cơ sở, địa bàn để đôn đốc, giải quyết án, đảm bảo việc xác minh, phân loại án chính xác, đưa ra thi hành dứt điểm những việc có điều kiện thi hành trên một năm chưa thi hành xong.
Một trong những dấu ấn sâu đậm mà Tổng Bí thư đã để lại đó là việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên Phạm Đình Quế. |
Thấm nhuần những tư tưởng, quan điểm của Tổng Bí Thư cùng sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, cấp ủy, chính quyền địa phương, Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên Phạm Đình Quế cam kết, ngành Tư pháp Điện Biên sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương pháp lãnh đạo, điều hành; tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí hành chính gắn với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở…để phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Còn từ Sở Tư pháp Bạc Liêu, theo Giám đốc Vưu Ngự Bình, trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành Tư pháp Bạc Liêu đã thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cơ bản đạt theo cầu theo chương trình, kế hoạch đề ra; chất lượng và tiến độ thực hiện công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng nâng lên; công tác theo dõi thi hành pháp luật, thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được chú trọng và tăng cường; công tác hành chính và bổ trợ tư phápđược quan tâm hơn, cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới và ngày càng hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường... các nhiệm vụ khác được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đạt hiệu quả, có theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện.
Giám đốc Sở Tư pháp Bạc Liêu Vưu Ngự Bình |
Từ nay đến cuối năm, Sở Tư pháp Bạc Liêu sẽ chú trọng, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính ổn định, khả thi của văn bản. Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tập trung kiểm tra vào các lĩnh vực trọng tâm đã được xác định. Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Quan tâm nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật; tổ chức các hoạt động phù hợp hưởng ứng Ngày Pháp luật. Đẩy mạnh hiện đại hóa lĩnh vực hành chính tư pháp để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm và các hoạt động bổ trợ tư pháp.
Giám đốc Sở Tư pháp Cà Mau Võ Thanh Tòng. |
Với mục tiêu quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2024 và sự chủ động của lãnh đạo Sở, toàn ngành Tư pháp Cà Mau đã bám sát và tổ chức thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các nhiệm vụ đột xuất thuộc lĩnh vực quản lý được Sở, ngành Tư pháp thực hiện một cách chủ động, với tinh thần trách nhiệm cao. Với nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều và nặng nề hơn, toàn Ngành đã tập trung giải quyết, xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh được giao, các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện, đồng bộ và đạt những kết quả tích cực, nổi bật.
Trong đó, năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính của Sở Tư pháp đứng thứ nhất trong sếp hạng của các sở, ban, ngành tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh công bố và 5 năm liền, Sở Tư pháp được xếp hạng nhất, nhì và ba. Công tác hộ tịch, nuôi con nuôi, LLTP, luật sư, công chứng, giám định, tư vấn pháp luật, đấu giá tài sản, thừa phát lại,... tiếp tục được quan tâm, chú trọng, thông qua các kế hoạch thanh tra, kiểm tra và tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, kết quả đạt 85% chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Để hoàn thành xuất sắc công tác 6 tháng cuối năm, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thanh Tòng cho biết, toàn ngành sẽ tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; ngăn chặn các biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thêm; chủ động hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; điều chỉnh linh hoạt việc triển khai các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vẫn thực hiện được đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao
Nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự, hành chính
Từ quê hương cội nguồn cách mạng bày tỏ lòng biết ơn và tình cảm trân trọng đối với Tổng Bí thư, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng Bàn Thanh Hiền khẳng định: Quán triệt sâu sắc những quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong thời gian tới Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; trong đó chú trọng các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh. Chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các mặt công tác tư pháp theo Kế hoạch đề ra; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các Ban, ngành ot tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong công tác tư pháp.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng Bàn Thanh Hiền. |
Tăng cường quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức; bố trí đội ngũ công chức, viên chức phù hợp vị trí việc làm nhằm phát huy tốt năng lực công tác của từng cá nhân. Đồng thời, phát huy tính đoàn kết, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, gắn với kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục đổi mới tư duy, lề lối làm việc khoa học, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn; kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân nỗ lực, đạt kết quả cao trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao để đưa công tác Tư pháp tỉnh Cao Bằng ngày càng phát triển.
Ông Hiền cũng tin tưởng với những quan điểm, tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, công tác tư pháp trong thời gian tới sẽ ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân theo đúng tinh thần Nghị quyết 27 đã đề cập.
Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau Ngô Đức Bính: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gần dân, sát dân
Những cuốn sách thể hiện các quan điểm, đường lối của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng Đảng; đấu tranh phòng chống tham nhũng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam… đều được công chức, viên chức của Cà Mau nói chung và của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước nói riêng đọc, nghiên cứu làm cơ sở lý luận. Có lúc, chúng tôi còn đưa vào sinh hoạt chuyên đề theo hoạt động của ngành, của đơn vị.
Các quan điểm của Tổng Bí thư về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam rất phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng về hoạt động trợ giúp pháp lý, đó là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Chúng tôi nhận thấy rằng trong quan điểm của Tổng Bí thư, Nhà nước pháp quyền có nghĩa là mọi việc đều lấy pháp luật làm chuẩn, làm cơ sở lý luận cũng như để mọi người sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Khi nghe tin Tổng Bí thư mất, chúng tôi đều bùi ngùi, thương tiếc. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo dừng các hoạt động vui chơi, giải trí. Tại các cơ quan, trong đó có Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đều treo cờ rủ Quốc tang. Ngoài ra, trong hoạt động của ngành, đặc biệt là Hội nghị của Sở, trước khi vào Hội nghị đều có hoạt động mặc niệm nhớ đến Tổng Bí thư.
Tôi thấy nhiều nơi trên địa bàn Cà Mau, người dân tổ chức bàn thờ tưởng niệm Tổng Bí thư. Hoạt động tưởng niệm này đi vào từng ấp, xóm. Bởi trong lòng người dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gần dân, sát dân. Những ngày này, nhà nhà đều theo dõi thông tin về lễ tang, xót thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang Lư Thị Trang Đài:
Phải hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân!
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang Lư Thị Trang Đài cho biết, thấm nhuần những tư tưởng, quan điểm của Tổng Bí Thư về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân cùng sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27), bản thân bà đã đặt ra những mục tiêu và phương hướng thực hiện trong thời gian tới.
Cụ thể, nữ Phó Giám đốc Sở Tư pháp luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương pháp làm việc, cùng với tập thể lãnh đạo đơn vị đoàn kết thống nhất trong xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định trong Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27, đưa các nội dung thực hiện Nghị quyết số 27… vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị để chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bảo đảm chất lượng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong đó, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh quán triệt, tổ chức triển khai và thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ công tác tư pháp theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy và UBND tỉnh; Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát VBQPPL; công tác theo dõi thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính; tổ chức công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật theo hướng gắn kết chặt chẽ hơn với xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm; chú trọng truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục quan tâm PBGDPL cho đối tượng đặc thù.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bổ trợ tư pháp; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… Tập trung rà soát, đề xuất, thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định liên quan thuộc phạm vi quản lý của ngành Tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gắn với thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ về CCHC. Tiếp tục quan tâm công tác TGPL cho các đối tượng yếu thế tại địa phương nhằm đảm bảo quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn các địa phương. Nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Nữ Phó Giám đốc Sở Tư pháp cũng ngậm ngùi cho biết, khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, bà vô cùng đau buồn, tiếc thương vô hạn Người Cộng sản kiên trung, chân chính - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân! Với niềm tiếc thương, lòng biết ơn, kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà tự nhủ bản thân phải tích cực hành động cách mạng; trong mỗi suy nghĩ, việc làm phải hướng đến những điều chân - thiện - mỹ; hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân!