- Ông có thể làm rõ hơn khái niệm luật sư công, sự cần thiết hình thành thiết chế luật sư công hiện nay?
Tại Việt Nam hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật chưa có khái niệm chính thức về luật sư công nhưng khái niệm và hình thức hành nghề luật sư công đã hình thành và phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới như Singapore, Vương quốc Anh, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trong đó, theo quy định của các quốc gia này đặc điểm lớn nhất, khác biệt nhất của luật sư công so với các luật sư khác là hình thức Nhà nước trả tiền lương/ tiền thù lao cho luật sư khi những luật sư cung cấp các dịch vu pháp lý cho các nhóm đối tượng được bảo hộ hay hiểu đơn giản luật sư công là công chức nhà nước.
Tuy nhiên, tại Việt Nam tuy chưa có khái niệm luật sư công nhưng khi nhắc tới khái niệm/từ luật sư công nhiều người liên tưởng ngay đến những người làm công tác trợ giúp pháp lý cho nhóm những đối tượng yếu thế trong xã hội như người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em, người dân tộc thiểu số… khi những đối tượng này đối diện với các vấn đề pháp lý. Hiện nay, công tác trợ giúp pháp lý tại Việt Nam được thực hiện thông qua các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý gồm: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý nhà nước, các tổ chức này có thể là tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp lý…
Theo một cuộc khảo sát gần đây về quyền tiếp cận công lý tại Việt Nam, chỉ có 6% số người được phỏng vấn đã tiếp cận tòa án, 4% đã từng có liên hệ với các trung tâm tư vấn pháp luật, và 6% đã sử dụng dịch vụ luật sư. Cuộc điều tra cũng cho thấy, người nghèo và những người sống ở các vùng nông thôn và miền núi có trình độ nhận thức thấp hơn nhiều và giới hạn truy cập thông tin pháp lý và cơ sở pháp lý. Vì vậy, mục tiêu cần nỗ lực hơn nữa để tăng cơ hội của người dân tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý.
|
Luật sư Nguyễn Hồng Bách phát biểu tại Hội thảo bàn về phòng chống tham Nhũng trong lĩnh vực tư nhân do ban nội chính trung ương tổ chức. |
Đồng thời, xuất phát từ thực tế, tại Việt Nam không phải đối tượng nào cũng có điều kiện nhờ luật sư khi gặp, đối diện với các vấn đề pháp lý, đặc biệt là các đối tượng yêu thế trong xã hội gặp phải các vấn đề hình sự và phi hình sự. Hiện nay, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội còn lớn, nhất là khu vực nông thôn, miền núi đã tạo ra sự không ngang bằng trong việc tiếp cận với các điều kiện giáo dục, y tế, văn hóa… và đặc biệt là tiếp cận với các dịch vụ pháp lý còn có khoảng cách đáng kể.
Do vậy, để thực hiện mục tiêu mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mục tiêu đảm bảo công bằng trong xã hội và đảm bảo quyền con người quyền công dân và mục tiêu đảm bảo thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết nên tại Việt Nam Đảng và Nhà nước đã kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách quan tâm, hỗ trợ những đối tượng chính sách đặc biệt khi những đối tượng này gặp các vấn đề pháp lý.
Qua thực tiễn cho thấy, công tác trợ giúp pháp lý là chính sách hợp lòng dân, giúp cho các đối tượng yếu thế trong xã hội được tiếp cận, được am hiểu kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp; tạo lập, củng cố và duy trì lòng tin của nhân dân vào đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
- Ông có thể khái quát việc xây dựng cơ chế, chính sách về trợ giúp pháp lý ?
Xuất phát từ yêu cầu đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đảm bảo mục tiêu công bằng xã hội, tại Việt Nam công tác về trợ giúp pháp lý đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Cụ thể:
Trước năm 1997, chưa có một văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách. Ở Việt Nam, thuật ngữ “trợ giúp pháp lý” bắt đầu được sử dụng từ năm 1995 trong nghiên cứu khoa học. Đến năm 1997 thì thuật ngữ “trợ giúp pháp lý” được sử dụng một cách chính thức trong văn bản pháp luật khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 734/TTg ngày 06/9/1997 về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách.
Sau đó, thuật ngữ “trợ giúp pháp lý” đã được chính thức sử dụng trong các văn bản triển khai thực hiện Quyết định 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Đến Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 đã quy định khái niệm trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật” (Điều 3).
Hiện nay, khái niệm trợ giúp pháp lý được hiểu thống nhất là “việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật” (Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017).
|
Luật sư Nguyễn Hồng Bách. |
Từ năm 1996 trở về trước, hoạt động dịch vụ pháp lý miễn phí phát triển gắn liền với hoạt động của luật sư và của các cơ quan tư pháp. Ngày 18/5/1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng tại phiên họp bàn về vấn đề tạo môi trường, hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức luật sư, tư vấn pháp luật nước ngoài góp phần vào việc thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế đối ngoại của nước ta trong thời kỳ đổi mới, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười có quan điểm: “Chúng ta cần chú ý đến các biện pháp để tăng cường hoạt động pháp lý mang tính kinh doanh, dịch vụ phục vụ đầu tư nhưng cũng cần chú trọng công tác tư vấn, hướng dẫn pháp luật cho nhân dân, mà đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc ít người. Công tác này chưa được quan tâm đúng mức.
Đây là một vấn đề cần được nghiên cứu và làm ngay trong thời gian tới”. Văn phòng Trung ương ngày 31/5/1995 đã có Văn bản số 485/CV-VPTW thông báo ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư gửi Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp cần xây dựng cơ chế giúp đỡ pháp lý, chú trọng việc “xác định phạm vi thích hợp hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân, trước hết chú trọng tổ chức tư vấn pháp luật của nhà nước… cần nghiên cứu lập hệ thống dịch vụ tư vấn pháp luật không lấy tiền để hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật”.
Đồng thời, trong thư ngày 20/12/1995 gửi cán bộ, nhân viên ngành Tư pháp nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ngành, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười một lần nữa nhấn mạnh: “Nhà nước phải nghiên cứu sớm thành lập một hệ thống các tổ chức tư vấn pháp luật không mất tiền dành cho người nghèo, các gia đình thuộc diện chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số”. Các chỉ đạo này đã đặt dấu ấn quan trọng cho quá trình chuyển biến sâu sắc, mạnh mẽ và toàn diện trong nhận thức và hoạt động của đời sống pháp luật, tạo tiền đề chính trị và nhận thức cho sự ra đời và phát triển của công tác trợ giúp pháp lý.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) đã chủ động nghiên cứu, triển khai thí điểm thành lập các Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước tại Cần Thơ (7/1996) và Hà Tây (01/1997). Việc thí điểm triển khai trợ giúp pháp lý ở 02 địa phương cho thấy, nhân dân địa phương đón nhận hoạt động này như một chính sách xã hội rộng lớn của Đảng và Nhà nước.
Trên cơ sở kết quả thí điểm, nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý của các nước trên thế giới, Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức Chính phủ đã hoàn thiện Đề án về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý và báo cáo xin ý kiến Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đối với việc thành lập hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.
Từ năm 2007 đến hết năm 2015, các tổ chức thực hiện TGPL đã giải quyết1.055.294 vụ việc với 1.130.609 lượt người được TGPL, trong đó có 61.120 vụ việc tham gia tố tụng, 982.442 vụ việc tư vấn pháp luật (tư vấn pháp luật thông qua các đợt TGPL lưu động là 499.495 vụ), 11.732 vụ việc khác. Hệ thống tổ chức thực hiện TGPL đã được hình thành trên toàn quốc với 63 Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) trực thuộc Sở Tư pháp, 202 Chi nhánh của Trung tâm (Chi nhánh) ở cấp huyện và liên huyện, 364 tổ chức tham gia TGPL. Đội ngũ người thực hiện TGPL được củng cố với 595 Trợ giúp viên pháp lý, 1.239 cộng tác viên TGPL là luật sư, 10.632 cộng tác viên khác tham gia TGPL.
Tuy nhiên, đứng trước các yêu cầu về đổi mới, cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các chủ trương chính sách, các mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội các số liệu nêu trên cho thấy còn nhiều hạn chế, cần phải tăng cường hơn nữa chất lượng của đội ngũ Trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.
Như vậy, nếu hình thành thiết chế Luật sư công với vai trò là công chức Nhà nước hoặc được Nhà nước tuyển dụng vào làm việc tại tổ chức trợ giúp pháp lý sẽ tăng thêm nguồn nhân lực có chất lượng nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
-Xin cám ơn ông!