Hình thành thói quen phân loại rác tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số, rác thải sinh hoạt được sản sinh nhiều hơn, đặc biệt ở các thành phố lớn cả về số lượng và thành phần. Trong khí đó, bãi chôn lấp rác chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến tình trạng khu chôn lấp chỉ là nơi chứa rác, đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại với môi trường và sức khỏe con người.
Hình minh họa. (Ảnh: Live&Learn)
Hình minh họa. (Ảnh: Live&Learn)

Hành động nhỏ, tác dụng lớn

Hiện nay, mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt (thường gọi là rác thải), trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60%. Theo dự báo, đến năm 2025 tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng thêm 10 - 16%. Trong khi, tỷ lệ thu gom rác thải tại các đô thị bình quân trên cả nước chỉ đạt khoảng 70% - 85%.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Nguyên nhân là do bãi chôn lấp rác chưa được đầu tư đồng bộ, các công trình thu gom, xử lý rác vận hành không đúng quy trình kỹ thuật, dẫn đến tình trạng khu chôn lấp chỉ là nơi chứa rác.

Từ lâu, “bài toán” xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường đã và đang gây “đau đầu” với các địa phương, ở cả đô thị và nông thôn. Bởi lượng rác thải ra ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng quá tải tại các bãi rác, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư và vấn đề tìm vị trí thích hợp để quy hoạch bãi rác tập trung cũng không dễ.

Đồng thời, công tác thu, gom rác hiện tại chỉ mang tính thủ công, chưa thực hiện phân loại rác trong quá trình thu gom, vận chuyển mà thường bỏ chung tất cả rác vào phương tiện thu gom thô sơ chuyên chở về nơi tập trung. Việc không phân loại rác mà chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí như: tốn diện tích lớn cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp; gây quá tải cho các bãi rác; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...

Ngoài ra, các nguồn nguyên liệu có thể tái chế như: rác hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại… cũng bị vùi chôn trong đất mà theo tính toán phải mất hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy. Trong khi đó, việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Đặc biệt, với lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 - 70%), đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường.

Có thể thấy rằng, thực tế lượng rác thải sinh hoạt chưa được xử lý khá nhiều, là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực, chúng tác động đến cả môi trường đất, nước và không khí, cũng là nguyên nhân gây ra nhiều dịch bệnh cho con người. Do đó, việc phân loại rác thải sinh hoạt là rất quan trọng, để giảm nguồn chất thải phân loại và tái chế là điều cần thiết. Trong khi, hầu hết các loại chất thải được tạo ra có thể được phân loại ngay tại nhà. Hành động phân loại rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình tuy nhỏ nhưng sẽ góp phần giảm thiểu lượng rác và chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác...

Thói quen phân loại rác tại nhà

Nhiều năm qua, phân loại rác thải tại nguồn ở các thành phố lớn được khởi động với rất nhiều chương trình, phong trào, cuộc vận động. Tại nhiều địa phương, thí điểm chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác đã được triển khai. Theo đó, mỗi gia đình tự phân loại và đựng rác thải vào 3 thùng, túi riêng biệt. Đối với rác hữu cơ ngoài phương pháp chôn lấp, các hộ gia đình tận dụng làm phân bón. Các loại rác tái chế gồm chai, lọ nhựa, giấy, kim loại, một vài loại rác điện tử... được bỏ riêng để bán cho các đơn vị tái chế. Đối với rác thải vô cơ được tập kết, chờ xe thu gom rác của địa phương đến đưa đi xử lý.

Thông qua các mô hình tuy đơn giản nhưng lại đạt hiệu quả cao khi giúp nâng cao nhận thức về việc phân loại rác của người dân. Nếu như ban đầu các chất thải còn lại như thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… được người dân để chung một túi, cho vào thùng rác bỏ đi mà không quan tâm những chất thải đó hoàn toàn có thể phân loại rồi đưa vào tái chế, phục vụ cho cuộc sống con người. Hay vẫn còn nhiều người cho rằng việc phân loại rác là của đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Giờ đây phân loại rác đã trở thành thói quen của nhiều người dân, từ già trẻ lớn bé ai cũng thực hiện nghiêm túc.

Anh Đ.Long (35 tuổi, Hà Nội) cho biết, khoảng nửa năm nay gia đình anh đã bắt đầu thực hiện phân loại rác mỗi ngày. “Không biết từ bao giờ thói quen bỏ tất cả rác vào chung một thùng của gia đình tôi đã biến mất. Ban đầu nói thật là khi nghe địa phương phổ biến tôi rất ngại làm theo vì nghĩ lỉnh kỉnh nhà để tận 3 thùng rác. Nhưng khi thấy nhà nào cũng thực hiện mà nhà mình không làm thì xấu hổ lắm nên cũng bắt chước theo rồi quen dần lúc nào không hay. Giờ đây, cứ khi nào vứt rác tôi lại suy nghĩ xem rác này thì bỏ vào thùng nào, hữu cơ, vô cơ hay tái chế. Từ ngày biết đến phân loại rác, chính tôi cũng cảm thấy sự thay đổi rõ rệt từ môi trường sống xung quanh”, anh Đ.Long chia sẻ.

Còn với bạn trẻ M.Ngọc (23 tuổi, Hà Nội), việc phân loại rác không chỉ giúp tiết kiệm tiền, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường mà còn để cho những mảnh đời cơ cực đỡ cơ cực hơn. “Trước đây tôi thường nghĩ việc phân loại rác là vô bổ vì đến lúc mang ra xe rác đổ thì lại cho chung tất cả vào 1 thùng. Chắc nhiều người cũng có suy nghĩ giống tôi phải không? Thế nhưng, chưa nói đến những lợi ích lớn lao khác, một trong những điều tôi thấy rõ nhất chính là giúp các chị ve chai thu gom phế liệu dễ dàng hơn. Hạn chế việc phải bới trong số rác chưa được phân loại cũng đồng nghĩa với việc họ hạn chế bị thương do mảnh thủy tinh hay kim tiêm khi làm việc. Vì vậy, việc phân loại rác vừa là để cho rác nói chung hay rác thải nhựa nói riêng được thu gom và tái chế nhiều hơn mà còn vừa vì nhiều người khác nữa”, M.Ngọc bày tỏ.

Trong hành trình tạo dựng thói quen phân loại rác không chỉ có sự có mặt của người lớn mà nhiều em nhỏ cũng được giáo dục ý thức, hình thành thói quen bảo vệ môi trường để xây dựng thói quen từ “gốc”. Thời gian qua, nhiều chương trình tuyên truyền tại các trường học cho học sinh nhiều địa phương đã được triển khai như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu,…

Mục tiêu nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại, tái chế rác thải, hình thành thói quen phân loại rác tới các em học sinh trong công tác phân loại rác tại nguồn. Khuyến khích các em trở thành những người xung phong, tình nguyện, thậm chí hướng dẫn lại các thành viên trong gia đình cách thức phân loại rác thải để cùng thực hiện ngay tại nhà. Từ đó tăng tỷ lệ rác được tái chế, giảm rác thải chôn lấp, góp phần cải thiện môi trường, xây dựng địa phương ngày càng sạch, đẹp.

Tháng 8/2023, lần đầu tiên mô hình “Nhà phân loại rác thân thiện” xuất hiện trong các trường tiểu học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, góp phần nâng cao ý thức cho giáo viên, phụ huynh về phân loại rác tại nguồn. Ngay sau khi đưa vào hoạt động, “Nhà phân loại rác thân thiện” đã thu hút và tạo hứng khởi cho các em học sinh trong việc phân loại rác thải. Nhiều em chia sẻ còn về nhà cũng hướng dẫn cho ông bà, bố mẹ phân loại rác rồi mang hết chai nhựa, giấy vụn đến bỏ vào thùng phân loại.

Có thể nói, việc phân loại rác thải sinh hoạt là vấn đề cần thiết và thiết thực nhất mà ai cũng có thể làm được để mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn. Vì vậy, ngay bây giờ hãy hành động vì một tương lai trong lành hơn và tất cả là vì một tương lai không còn ô nhiễm.

Trong “Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại theo 3 nhóm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Trong đó, nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chia thành 8 nhóm nhỏ gồm: Giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thủy tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ. Nhóm chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác được chia thành 3 nhóm nhỏ gồm: Chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải khác còn lại.