Hình tượng con Mèo từ tranh dân gian đến hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tết năm con mèo, các họa sĩ mở nhiều triển lãm về mèo. Vậy mèo xuất hiện trong hội họa Việt Nam từ bao giờ, mang ý nghĩa gì và các họa sĩ đã hiện đại hóa tranh dân gian như thế nào?
Hình tượng con Mèo từ tranh dân gian đến hiện đại

Tranh dân gian phản ánh nét văn hóa dân tộc

Ở Việt Nam, từ khi các dòng tranh dân gian ra đời thì hình ảnh con mèo mới có dịp đi vào văn hóa nghệ thuật. Tranh dân gian về mèo có thể tìm thấy trong dòng tranh dân gian Đông Hồ với bức tranh “Đám cưới chuột” rất sâu sắc về ý nghĩa nhân sinh. Ngoài ra, còn có bức tranh “Em bé ôm mèo”.

Dòng tranh Đông Hồ có nguồn gốc từ làng Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh. Tranh dân gian Đông Hồ là dòng tranh dân gian Việt Nam được nhiều người yêu thích và chọn lựa. Đặc biệt tranh Đông Hồ còn được coi là dòng tranh Tết không thể thiếu được trong bất cứ gia đình nhà Việt nào trong xã hội xưa. Hiện nay dòng tranh dân gian Đông Hồ đang dần bị mai một bởi những dòng tranh treo tường hiện đại hơn. Và tranh Đông Hồ lại trở thành sở thích chơi tranh của những “đại gia”, lại trở thành món quà tặng cho bạn bè nước ngoài vô cùng đáng quý.

Hiện nay, tại đình làng Hồ vẫn còn một tấm bia đá có niên đại từ thế kỷ 16. Theo các cụ trong làng Hồ kể lại, trước đây phía dưới tấm bia này có khắc hình hai con chuột giã gạo. Hình ảnh con chuột giã gạo đó rất giống với bức tranh đám cưới chuột. Tuy nhiên, hiện nay những hình khắc trên bia đá đó đã không còn nữa.

Người làng theo đó suy đoán rằng: Có thể dòng tranh Đông Hồ được ra đời vào thế kỷ 16, cùng thời điểm ra đời của tấm bia. Hiện nay, không có xác minh chính xác về thời điểm ra đời của dòng tranh Đông Hồ. Nhưng các nhà nghiên cứu thì cho rằng dòng tranh Đông Hồ ra đời từ khoảng thế kỷ thứ 17, 18.

Bức tranh “Đám cưới chuột” được chia làm hai phần với 12 con chuột và một con mèo. Tầng trên là cảnh chuột dâng lễ cho mèo với bốn con chuột, con đi đầu hai tay dâng lên một con chim, cong người, đuôi gập lại trông vẻ sợ sệt. Con thứ hai xách một con cá đang tiến theo sau, mắt nhìn con mèo vẻ khép nép sợ sệt không kém gì con đầu. Hai con đi cuối thổi kèn nhưng ở tư thế đề phòng bất trắc, khi có chuyện là “vọt” nhanh.

Tầng dưới là cảnh đón dâu với tám con chuột. Dẫn đầu là con chuột đực, đầu đội mũ cánh chuồn, mình mặc áo thụng xanh, chân đi hia, ngồi trên lưng con ngựa hồng, quay nhìn về sau vẻ mặt vênh lên tự đắc vì đỗ tiến sĩ vinh qui lại được cưới vợ đẹp. Theo hầu phía sau là một con chuột đen cầm lọng và một con chuột khoang nửa đen nửa trắng cầm biển đề hai chữ “nghinh hôn”. Con cầm lọng vẻ nghiêm trang, con cầm biển thì tinh nghịch luôn quay đầu trở lại nhìn kiệu cô dâu. Bốn con chuột khác thì khiêng kiệu, hai con đi trước nhìn thẳng về phía trước, hai con đi sau thì quay nhìn lại phía sau không biết cố ý cho ta thấy đám rước còn dài hay là trông chừng xem ông mèo có đuổi theo sau không.

Con mèo được vẽ ở góc tầng trên phía tay mặt, rất to, oai vệ đang đưa tay ra nhận lễ vật. Nhân vật mèo tượng trưng cho bọn quan lại, cường hào ác bá, còn họ hàng nhà chuột thì thấp cổ bé miệng, mong sự yên lành. Chuột biết sự yên ổn của mình cần kèm theo sự vừa lòng, no đủ của mèo. Đó là tình trạng tham nhũng hối lộ, thời nào cũng có trong xã hội. Điểm đặc sắc của tranh này là thái độ lịch sự của mèo, ngồi nhận quà trong tư thế ôn hòa, đuôi quặp về phía trước dưới mông, vui vẻ đưa tay nhận quà hối lộ từ chuột.

Qua tranh, ở phía tích cực người xem có thể nhận thấy một phần bản sắc văn hóa Việt Nam thời xưa. Ngoài phản ánh nét văn hóa dân tộc thì sự cộng sinh cùng nhau phát triển cũng là một trong những ý nghĩ lớn mà tranh đông hồ đám cưới chuột hướng tới. Ở chiều ngược lại, người xem sẽ thấy bức họa mang ý nghĩa châm biếm, mỉa mai, đó là tệ đút lót, bôi trơn khi muốn làm việc gì. Chuột thừa hiểu muốn tổ chức an toàn đám cưới đầy đủ lễ nghi rước kiệu, có kèn có nhạc, có “võng anh đi trước, kiệu nàng theo sau” thì phải vui vẻ tự nguyện mà hối lộ cho mèo trên đường đi.

Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Viện Nghiên cứu văn hóa, hình ảnh chuột mang lễ vật đến dâng tặng cho mèo còn có ý nghĩa: tôi muốn tồn tại thì anh cũng cần phải tồn tại và tôi hạnh phúc thì anh cũng phải được hưởng niềm vui ấy. Đây như một bản thỏa thuận ngầm về sự sinh sôi giữa hai mặt đối lập, mà ở đó đích đến cuối cùng của nó đều là sự cam kết cùng nhau tồn tại, cùng nhau phát triển.

Tư duy rộng hơn thì đó âu có lẽ cũng chính là bản tính dĩ hòa bị khí của người Việt, một dân tộc có những con người mềm dẻo, dễ thích ứng với xã hội, ưa chuộng lỗi sống hòa bình, hợp tác để cùng nhau đi lên.

Bức tranh “Em bé ôm mèo” cùng chủ đề tranh chúc tụng với các bức tranh: Em bé ôm phật thủ, tranh nhân nghĩa (Em bé ôm cóc), tranh lễ trí (Em bé ôm rùa), tranh phú quý (Em bé ôm vịt), Em bé ôm tôm... Tranh thể hiện tính dí dỏm, khung cảnh ấm cúng của Tết Nguyên đán tràn đầy hạnh phúc, may mắn và thịnh vượng. Các con vật gần gũi với làng quê Việt Nam như trâu, gà trống, vịt, mèo... là biểu trưng cho hạnh phúc, thịnh vượng, sự chăm chỉ cần cù, thông minh.

Hình ảnh con mèo không chỉ xuất hiện ở trong tranh Tết Đông Hồ, mà người nghệ sĩ dân gian Việt Nam còn cho nó xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục - Quảng Ninh, cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang - Hải Phòng, đều đã phản ánh một nét tư duy của người xưa về con vật gần gũi này.

Hiện đại hóa tranh dân gian

Sau hơn nửa tháng trưng bày, triển lãm tranh với tổng cộng 14 tác giả và 27 tác phẩm chủ đề con mèo sẽ kết thúc vào ngày hạ cây nêu, mồng 7 Tết. Triển lãm nằm trong khuôn khổ chủ đề Con giáp mùa xuân tổ chức lần thứ 19 này được họa sĩ Đặng Mậu Tựu (Huế) và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế tổ chức.

Tranh về mèo tại triển lãm “Nhân Dân - Quý Mão 365”.

Tranh về mèo tại triển lãm “Nhân Dân - Quý Mão 365”.

Ý tưởng tổ chức phòng tranh mùa xuân với chủ đề theo từng con giáp của lịch Địa chi phương Đông, mỗi năm một linh vật đại diện đã được họa sĩ Đặng Mậu Tựu đưa ra hơn 30 năm qua. “Lúc đó, mình là thành viên lãnh đạo Hội Mỹ thuật Huế, trực tiếp tổ chức các hoạt động cho anh em hội viên. Gần Tết, mình nghĩ, tại sao không kêu gọi anh em cùng tham gia vẽ theo chủ đề năm, làm điểm nhấn mừng xuân đất nước, coi như gợi cảm hứng sáng tác cho hội viên”, hoạ sĩ Đăng Mậu Tựu chia sẻ.

Nghĩ liền, làm liền, họa sĩ ngỏ lời kêu gọi và lập tức nhận được sự hưởng ứng của các họa sĩ khác. Họ thành lập nhóm Art Song Như tại nhà riêng họa sĩ Mậu Tựu và duy trì hoạt động thường niên, cứ mỗi năm đến ngày 23 tháng Chạp là khai mạc. Tính đến nay, đã là lần thứ 19 triển lãm tranh chủ đề Con giáp mùa xuân được mở cửa phục vụ công chúng yêu hội họa tại Huế.

Năm nay, 2023, Con giáp mùa xuân Quý Mão quay trở lại. Họa sĩ Đặng Mậu Tựu cho biết, sau những tháng ngày biến động từ đại dịch, rồi diễn biến thời sự, tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mỗi người đang phải nhìn nhận lại cuộc sống của mình. Cá nhân ông cũng đã quá tuổi hưu, trầm tĩnh hơn với mọi việc xung quanh. Song chính trong bối cảnh này, con người sẽ cần đến hai chữ tình yêu hơn cả.

“Nên chủ đề con mèo năm nay, mình đã kêu gọi sáng tác về tình yêu. Con mèo, không phải là con mèo, mà phải là sự đúc kết hình ảnh, tâm tư con người trong đó, những quan niệm khác về tình yêu, về cảm xúc cho nhau, về những nghịch lý đời thường làm sao cho dễ thương hơn, dịu dàng hơn mà vị tha, bền vững trong cuộc đời”. Một cách tinh nghịch, ông chọn chủ đề “Con mèo không nằm”, để diễn tả ngầm cái ý vị của mình về bản chất sâu thẳm tình yêu trong cuộc sống, điểm mở ra của hôn nhân và tất cả những yêu thương của con người khi bên nhau.

Triển lãm nghệ thuật “Nhân Dân - Quý Mão 365” do Báo Nhân dân tổ chức với các tác phẩm điêu khắc và hội họa về mèo - con vật biểu tượng cho năm Quý Mão 2023.

Triển lãm đã giới thiệu 15 bức tranh cũng vẽ hình tượng mèo và mùa xuân của 15 họa sĩ đương đại nổi tiếng, như họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phạm An Hải, Lê Trí Dũng, Đào Hải Phong, Nguyễn Minh, Phạm Hà Hải, Mai Xuân Oanh, Đặng Tiến…

Bên cạnh đó, họa sĩ Lê Đình Nguyên mang đến 9 tác phẩm lớn độc bản, gồm cụm 8 tác phẩm mang tên “Mèo đi chơi Tết” và tác phẩm “Mèo đi học”. Đây đều là những tác phẩm sắp đặt có chuyển động, âm thanh và ánh sáng, đem lại hiệu ứng thưởng thức cao nhất cho công chúng, được họa sĩ miệt mài thực hiện từ tháng 7/2022. Họa sĩ Lê Thiết Cương và họa sĩ Lê Minh Trí kết hợp thể hiện những tác phẩm về hình tượng mèo thực hiện trên nền phôi gỗ xà cừ, với lớp báo cũ được bồi dán rồi sau đó phủ màu, vẽ tranh bằng chất liệu acrylic, tạo thành một tổng thể giàu tính thẩm mỹ, gây ấn tượng thị giác mạnh với người xem.

Đọc thêm