Theo quy định tại Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Do đó, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã bổ sung quy định về khách hàng vay tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân tại Thông tư 39 vừa ban hành để phù hợp với Bộ luật này.
Theo Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/3, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn.
Thông tin này đang khiến nhiều người lo ngại vì cho rằng với quy định này, việc vay vốn từ ngân hàng sẽ khó khăn hơn.
Tuy nhiên, trả lời báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cho hay, quy định trên của Thông tư 39 nhằm xác định lại đối tượng vay vốn ngân hàng gồm pháp nhân và cá nhân theo thông lệ chung của toàn thế giới.
Theo thông lệ thế giới, chỉ có hai loại chủ thể pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, hộ kinh doanh hay tổ hợp tác là chủ thể ảo, thực chất là một hoặc một nhóm cá nhân, vì vậy bị xoá bỏ khỏi BLDS năm 2015.
Ông Đức giải thích, quy định của Thông tư 39 chỉ đơn thuần điều chỉnh lại để làm rõ thuật ngữ, khái niệm. Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ là thay đổi vỏ hình thức là tên gọi. Theo đó, từ nay trở đi, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của cá nhân, chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ như trước đây nữa.
Cũng xác nhận cách giải thích như trên và giải thích cụ thể thêm về Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39), ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho hay, các chủ hộ kinh doanh vẫn được vay với tư cách cá nhân, lãi suất vay do ngân hàng đưa ra tùy thuộc vào mục đích vay vốn (kinh doanh hay tiêu dùng) và áp dụng ở mức thông thường, không phụ thuộc vào tư cách vay vốn.
Thông tư này đưa ra các quy định mới về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Theo đó, Thông tư quy định khung pháp lý chung điều chỉnh hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (khách hàng không phải là TCTD) cho phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD năm 2010, BLDS năm 2015, các quy định hiện hành khác của pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay và xu hướng phát triển hoạt động cho vay theo hướng tiến dần đến các thông lệ quốc tế, qua đó nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay của TCTD và tăng tính minh bạch trong hoạt động cho vay.
Thông tư này cũng thay thế Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 và một số văn bản khác liên quan đến hoạt động cho vay.
Ông Sơn cho biết, quy định về chủ thể tham gia quan hệ dân sự (bao gồm cả hợp đồng vay vốn) chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân đã được quy định tại BLDS 2015 (đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017). Quy định về khách hàng vay vốn tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN là thực hiện (phải bảo đảm phù hợp với BLDS 2015) quy định đã có hiệu lực của BLDS 2015.
Quy định mới khắc phục việc TCTD tiếp tục ký hợp đồng cho vay với hộ kinh doanh và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro cho TCTD cho vay vì có thể bị tuyên vô hiệu hợp đồng do bên vay không đủ tư cách chủ thể.
Hiện nay, nhiều người đang hiểu rằng khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh nếu không chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Nếu muốn, các chủ hộ phải vay với tư cách cá nhân.
Hơn nữa, thực tế, ở góc độ hộ gia đình một số chủ hộ kinh doanh đang băn khoăn vì họ chưa muốn nâng cấp lên thành doanh nghiệp. Tâm lý của các hộ kinh doanh không thích lên doanh nghiệp không chỉ vì vướng bận thêm khâu sổ sách kế toán bài bản mà còn vì tập tục, thói quen kinh doanh truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, e ngại thủ tục hành chính, khác với lợi ích của việc tự khai thuế, không đóng thuế nếu chưa có lời và tự chịu trách nhiệm.
Giải đáp vấn đề này, đại diện NHNN cho biết, theo quy định tại BLDS 2015, từ 1/1/2017, hộ kinh doanh không còn là chủ thể ký kết tất cả các loại hợp đồng (không chỉ riêng đối với hợp đồng tín dụng ngân hàng). Thông tư 39 đã có quy định, việc vay vốn ngân hàng sẽ phải thực hiện theo tư cách cá nhân. Thông tư 39 không có bất kỳ quy định nào buộc hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn.
Về việc các hồ sơ đang thực hiện vay vốn tại ngân hàng hiện nay theo quy định cũ, ông Sơn cho biết Điều 34 Thông tư 39 đã có quy định chuyển tiếp, cho phép tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày Thông tư có hiệu lực.
Đại diện Vụ Pháp chế NHNN cũng phủ nhận quan điểm cho rằng, nếu vay lại phải thay đổi rất nhiều hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và đặc biệt phải vay với lãi suất cao hơn, có thể sẽ tính theo lãi suất cho vay tiêu dùng khiến chi phí sản xuất đội lên nếu đứng dưới vai trò cá nhân vay vốn.
Ông Sơn cho biết, theo quy định của BLDS 2015 và Thông tư 39, trách nhiệm hoàn trả vốn vay là của cá nhân vay vốn, việc vay vốn của cá nhân không ràng buộc trách nhiệm của hộ kinh doanh.
“Lãi suất vay do TCTD quyết định tùy thuộc vào mục đích vay vốn (kinh doanh hay tiêu dùng), thời hạn vay, mức độ rủi ro, tính khả thi của phương án vay vốn, chi phí đầu vào của từng TCTD; thông thường không phụ thuộc vào tư cách vay vốn là hộ kinh doanh hay cá nhân”, đại diện Vụ Pháp chế khẳng định.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, hộ gia đình là một trong những chủ thể của quan hệ trong Bộ luật Dân sự trước đây (năm 2005). Tuy nhiên, nó đã tạo ra vô vàn rắc rối pháp lý trong thực tế cuộc sống, vì tuy có quy định nhưng lại gần như không thể xác định được nếu dựa trên cơ sở pháp lý. Việc Bộ luật Dân sự 2015 loại bỏ hộ gia đình, với tư cách là một chủ thể trong quan hệ dân sự là cần thiết và hợp lý.
Thống kê chưa đầy đủ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện trên cả nước có khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh.