Hộ kinh doanh hoàn toàn có thể được chế định vào Luật doanh nghiệp

(PLVN) - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận thấy, hộ kinh doanh đã trở thành cứu tinh của chủ doanh nghiệp nhỏ, đóng góp lớn vào tăng trưởng, giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, ông ủng hộ phương án của Chính phủ về việc đưa quy định hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) lần này. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thảo luận về dự thảo Luật tại phiên họp sáng 21/5 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) nêu thêm những lý do chính mà ông tán thành việc quy định hộ kinh doanh trong Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo đó, hộ kinh doanh cá thể là một sản phẩm của lịch sử, ra đời trong điều kiện nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, để hợp thức hóa hoạt động của hộ kinh doanh nhỏ, lẻ khi ấy nước ta chưa cho phép, công nhận hoạt động của doanh nghiệp tư nhân. 

Hộ kinh doanh đã trở thành cứu tinh của chủ doanh nghiệp nhỏ, đóng góp lớn vào tăng trưởng, giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Hộ kinh doanh là chiếc nôi của làn sóng khởi nghiệp đầu tiên của nền kinh tế nước ta và góp phần đưa đất nước vượt qua đói nghèo. 

Trên phạm vi thế giới, thông lệ pháp luật của các nước trên thế giới đều quy định, kinh doanh là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi. Chủ thể của hoạt động kinh doanh được coi là doanh nghiệp. Doanh nghiệp gồm 2 loại: pháp nhân (công ty) và cá nhân (cá nhân là công ty 1 chủ). 

Luật Doanh nghiệp của chúng ta hiện hành cũng quy định như vậy. Có quy định về công ty và có quy định về cá nhân kinh doanh (doanh nghiệp 1 chủ). 

Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Các cá nhân đăng ký kinh doanh với tư cách cá nhân của mình và chịu trách nhiệm về toàn bộ tài sản của mình với hoạt động của doanh nghiệp. 

Nhưng với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước năm 1986, đặc biệt năm 1990, khi chúng ta bắt đầu có Luật doanh nghiệp thì doanh nghiệp khu vực tư nhân được khuyến khích tạo điều kiện phát triển. Các hộ kinh doanh có điều kiện trở lại đúng với bản chất kinh tế và pháp lý của mình. 

Trước năm 2015, tư cách chủ thể của hộ kinh doanh đã được quy định trong nhiều văn bản. Tuy nhiên, từ Bộ luật dân sự năm 2015, tư cách chủ thể trong quan hệ dân sự của hộ kinh doanh đã bị bãi bỏ. 

“Đây là quyết định chính xác của Bộ luật dân sự bởi vì tham gia vào các quan hệ dân sự chỉ có thể có hai chủ thể. Một là pháp nhân, hai là cá nhân, không có nửa nọ nửa kia chung chiêng ở giữa”, ông Lộc đánh giá.

Với Bộ luật dân sự hiện hành thì hiện nay các cá nhân hộ kinh doanh chỉ có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh thông qua vai trò đại diện, các hộ không có tư cách pháp nhân để triển khai các hoạt động kinh doanh. Nếu tiếp tục duy trì vai trò chủ thể của hộ kinh doanh hiện nay nguyên trạng như vậy sẽ không hợp lý. 

Trước băn khoăn của một số đại biểu rằng Luật doanh nghiệp là luật về công ty thì ông Lộc cho rằng, điều đó là không phải. Luật doanh nghiệp là luật về công ty và luật về cá nhân kinh doanh nên các hộ kinh doanh hoàn toàn có thể được được quy định vào chế định luật doanh nghiệp. 

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng cho thấy, các cá nhân trong gia đình khi tiến hành kinh doanh, ví dụ mở tạp hóa, hàng ăn nhỏ, dịch vụ nhỏ…, đều chọn hình thức doanh nghiệp 1 chủ. Doanh nghiệp 1 chủ chiếm 60% trong tổng số doanh nghiệp đăng ký toàn cầu. Mỹ doanh nghiệp 1 chủ chiếm 73% tổng số doanh nghiệp đăng ký, còn ở Việt Nam chiếm 78%. 

Ông Lộc chỉ rõ: “Đây là nghịch lý. Nghịch lý này chỉ có thể giải thích rằng, chúng ta không coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp. Nếu chúng ta cộng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký vào đây thì tổng số doanh nghiệp 1 chủ của nền kinh tế Việt Nam do cá nhân đăng ký chiếm 77,8%. Tỷ lệ này hoàn toàn tương đồng với doanh nghiệp 1 chủ của các nền kinh tế trên thế giới”.

Đọc thêm