Doanh nghiệp “biết mình, biết ta”
15 doanh nghiệp (DN) niêm yết có hiệu quả kinh doanh tốt 3 năm liên tiếp (2017 - 2020) và 50 DN niêm yết có năng lực cạnh tranh tốt nhất năm 2019 vừa được VCCI tôn vinh tại Chương trình “Đánh giá Năng lực hoạt động DN – BCI" do Tạp chí Diễn đàn DN phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển DN (INBUS), Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội các Nhà Quản trị DN Việt Nam (VACD) tổ chức tuần qua.
Ở Việt Nam, số lượng DN niêm yết khoảng 1.700 - 1.800 DN, trong đó khoảng 1.300 - 1.500 DN có báo cáo tài chính được xác nhận bởi Kiểm toán. Đây là nguồn tư liệu đủ tin cậy và khách quan để tiến hành đánh giá và so sánh.
BCI được xây dựng trên cơ sở 21 chỉ số tài chính cơ bản chia thành 6 nhóm (khả năng thanh toán, hiệu quả kinh doanh, đòn bẩy tài chính, cổ tức, khả năng sinh lời, bỏ toàn vốn, doanh thu…). Các chỉ số được đánh giá cho từng DN, được sử dụng để so sánh giữa hai năm liên tiếp để xác định mức độ cải thiện về năng lực tài chính DM. Kết quả này cũng được sử dụng để so sánh “chéo” giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ngành để xác định “vị trí” tương đối của doanh nghiệp.
Tại sự kiện này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: "Các DN được vinh danh và trao chứng nhận đợt này sẽ không chỉ là những DN có năng lực tài chính tốt nhất, mà còn là những DN có thương hiệu uy tín, vốn hóa trên thị trường lớn, quản trị nhân sự tốt nhất, quy mô thị trường lớn, doanh thu và sự ổn định bền vững nhất".
Tuy nhiên kết quả đánh giá không chỉ để xếp hạng, vinh danh. Theo người đứng đầu cộng đồng DN Việt Nam, đây là cơ sở quan trọng để VCCI tham khảo trong việc phân tích, đánh giá, phát triển và hỗ trợ thúc đẩy hoạt động của các DN Việt Nam, qua đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra những cơ chế chính sách phù hợp giúp xây dựng đội ngũ DN Việt Nam phát triển vững mạnh, ổn định, đủ sức cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập.
Bên cạnh đó, thông qua kết quả khảo sát mà VCCI cung cấp, các DN cũng nắm được tình hình “sức khỏe” của mình, qua đó khắc phục hạn chế, triển khai các giải pháp phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là kết quả thẩm định năng lực DN giúp các đối tác, các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư, đặc biệt là các cổ đông ra quyết định đầu tư hợp lý và hiệu quả.
Sẽ mở rộng đối tượng, phạm vi đánh giá
Mặc dù chỉ mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng các chỉ số khảo sát, đánh giá của chương trình “Đánh giá năng lực hoạt động DN- BCI” đã được nhiều Bộ ngành, các tổ chức, ngân hàng, các cơ quan quản lý tham khảo phục vụ cho hoạt động của mình.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng INBUS chia sẻ: “Với những kết quả thu được, có thể thiết lập cho mỗi DN một “Bộ hồ sơ sức khỏe DN’. Khi đó việc trợ giúp cho các DN bằng nguồn lực của Chính phủ hoặc của các tổ chức trong và ngoài nước trở nên thuận lợi và hữu hiệu hơn…”.
Còn TS Vũ Tiến Lộc cho hay, trong những năm tiếp theo, VCCI sẽ chỉ đạo các đơn vị mở rộng phạm vi khảo sát ra khỏi phạm vi sàn chứng khoán, mở rộng ra nhiều lĩnh vực hơn nữa, các tiêu chí bình chọn cũng đa dạng và đầy đủ, chi tiết hơn để kết quả đánh giá hoạt động của các DN được ngày càng chính xác và khách quan.
“Bên cạnh chương trình đánh giá Môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương (PCI) mà hàng năm VCCI đã công bố đang được Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và DN hết sức đón nhận và hoan nghênh thì chương trình “Đánh giá năng lực hoạt động DN- BCI” cũng sẽ là thước đo không thể thiếu của nền kinh tế, là “Hàn thử biểu” của cộng đồng DN Việt Nam, phục vụ hữu ích cho công cuộc phát triển kinh tế và hội nhập trong giai đoạn hiện nay.”- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Tháng 3/2020, Chủ tịch VCCI đã ký ban hành Quyết định về Chương trình Năng lực DN Quốc gia Việt Nam. Theo đó, việc đánh giá năng lực DN của Chương trình được mở rộng cả về mặt số lượng (đối tượng DN) và chất lượng (lĩnh vực năng lực). Về đối tượng, DN thuộc mọi đối tượng, lĩnh vực hoạt động đều được hoan nghênh và có quyền được đánh giá và tôn vinh. Để đảm bảo tính thống nhất và công bằng, thông tin được sử dụng là các báo cáo tài chính đã được kiểm toán và các phiếu khảo sát.
Về lĩnh vực, kết quả hoạt động tài chính là một nguồn tư liệu quý báu nhưng chỉ phản ánh một phần năng lực hoạt động của DN. Vì vậy, việc đánh giá năng lực sẽ được triển khai từng bước trên cơ sở các chỉ số về năng lực hoạt động (Business Capacity Index) hoặc năng lực cạnh tranh (Business Competitiveness Index) được phát triển dựa trên các chỉ số KPI liên quan được chọn lọc và các mô hình đánh giá năng lực DN được áp dụng tại nhiều quốc gia. Những công cụ này khẳng định sự tin cậy về cơ sở khoa học cho các chỉ số BCI khi áp dụng vào thực tế tại Việt Nam.